Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 02/01/2025

Ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu du lịch biển

14/04/2021

     Bài viết nhằm đánh giá thực trạng về chất thải nhựa tại các khu du lịch biển (KDLB), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, BVMT tại các KDLB trên cả nước.

     Đánh giá thực trạng chất thải nhựa tại các KDLB Việt Nam

     Nguồn phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động du lịch

     Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, rác thải biển là vật liệu rắn được sản xuất hoặc xử lý, sau đó thải bỏ vào môi trường biển và ven biển. Trong đó, chất thải nhựa là thành phần chủ yếu của rác thải biển. Việc xác định các nguồn phát sinh chất thải nhựa tại các KDLB nhằm kiểm soát hiệu quả và ngăn ngừa các tác động nguy hại của chất thải nhựa. Nguồn phát sinh chất thải nhựa ra biển bao gồm nguồn trên đất liền và nguồn thải trên biển. Trong hoạt động du lịch rác thải nhựa (RTN) trên đất liền được thải ra từ khách du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch (cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, cửa hàng tạp hóa, lưu niệm…); RTN trên biển phát sinh từ quá trình sử dụng và phục vụ khách du lịch từ các tàu, thuyền tham quan, lưu trú trên biển…

     Nguồn thải từ khách du lịch: Khách du lịch có thói quen sử dụng một cách tùy tiện túi chất liệu ni lông từ việc gói, đựng đồ dùng cá nhân, đồ ăn uống để mang đi du lịch. Trong quá trình đi du lịch, du khách có nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ uống đóng chai, đồ ăn, thực phẩm đóng gói… Theo các cuộc phỏng vấn nhanh của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni lông/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần (bàn chải, lược, mũ ủ tóc, tăm bông…).

     Nguồn thải từ các cơ sở kinh doanh du lịch: Các cơ sở kinh doanh du lịch đặc biệt là các cơ sở ăn uống, bán hàng tạp hóa, lưu niệm vẫn còn thói quen sử dụng túi ni lông, hộp xốp để gói đựng đồ cho du khách. Hầu hết các cơ sở ăn uống còn phục vụ nước đóng chai, một số cơ sở còn sử dụng bát, đũa, cốc uống nước, khăn lau đóng gói dùng một lần. Các cơ sở lưu trú sử dụng các lọ nhựa để châm dầu gội, sữa tắm; sử dụng túi ni lông đựng rác…

     Có thể thấy, với số lượng khách du lịch ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều sẽ tạo ra lượng chất thải nhựa ngày càng lớn trong khi thời gian phân hủy rất dài sẽ gây áp lực lớn và vượt quá khả năng tự phục hồi của môi trường.

     Tác động của chất thải nhựa đến môi trường, chất lượng cảnh quan tại các KDLB Việt Nam

     Trong những năm qua, du lịch biển phát triển nhanh, kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch... xu hướng này vẫn còn tiếp tục ra tăng trong thời gian tới khi quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí… được mở rộng. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ven biển hiện nay, do hoạt động du lịch phát triển đã vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường. Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh chất thải trong khi số lượng được thu gom, xử lý còn có những hạn chế nhất định, hầu hết các khu du lịch, tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện đạt chỉ đạt khoảng 70 - 80%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Hiện nay, tại nhiều KDLB (Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là RTN.

     Thành phần RTN tại các bãi biển chủ yếu là các sản phẩm tiện ích dùng 1 lần như: Túi ni lông, hộp xốp, vỏ sữa, chai nhựa, ống hút nhựa… những sản phẩm thải bỏ trên cần ít nhất 100 - 200 năm phân hủy, trong thời gian đó, RTN không mất đi và gây ra hệ lụy lớn đối với môi trường. Tình trạng ô nhiễm do rác thải, trong đó có RTN tại một số KDLB đang ngày càng gia tăng. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Ý thức BVMT của người dân và du khách còn hạn chế, do vậy thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác, thức ăn, đồ uống bừa bãi trên các bãi tắm, những người bán hàng rong không thu nhặt rác thừa của khách… gây ô nhiễm môi trường và mất đi cảnh quan đẹp tại các bãi tắm.

     Lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra tại các KDLB Việt Nam đến năm 2019

     Vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các KDLB đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), sau 3 chiến dịch thu gom rác kể từ năm 2016, tại 4 km của vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là nhựa và túi ni lông. Trong năm 2017, lượng rác được nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long thu gom lên đến hơn 2.000 tấn. Tại một số đảo điển hình như đảo Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm… nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng ngày một gia tăng. Trong khi, các bãi rác hiện tại của đảo Cát Bà đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các bãi rác được xây dựng quá lâu, xuất phát điểm ban đầu đều là các bãi đổ rác tạm, thiết kế bãi rác không đúng tiêu chuẩn, không có xử lý nước rác và khí, đặc biệt bãi rác chính là Đồng Trong không được xử lý nên nguy cơ gây ô nhiễm nước ngầm. Tại đảo Phú Quốc, mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn rác sinh họat, nhưng chỉ thu gom tập kết về các bãi rác được khoảng 150 tấn (50%). Như vậy có thể thấy, lượng RTN hiện nay tại các KDLB là rất lớn, trong khi đó, lượng khách du lịch không ngừng tăng lên.

Khu vực ven bờ biển xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) ngập tràn rác thải

     Năm 2019 được xác định là năm du lịch Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2019 Việt Nam đón tiếp được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế với số ngày lưu trú trung bình là 7,68 ngày và phục vụ được 85 triệu lượt khách nội địa với số ngày lưu trú trung bình là 3,02 ngày. Đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày, trong đó RTN chiếm khoảng 60%.

     Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, tại Việt Nam RTN chiếm khoảng 50 - 80% lượng rác thải biển. Như vậy, có thể xác định lượng chất thải nhựa của khách lưu trú trung bình khoảng 0,72 kg/ngày, đêm; lượng chất thải nhựa của khách không lưu trú trung bình khoảng 0,3 kg/ngày. Trên cơ sở đó, có thể đánh giá lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các KDLB Việt Nam đến năm 2019 khoảng 230.110 tấn (Bảng 1)

     Bảng 1: Đánh giá lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra tại các KDLB Việt Nam năm 2019

Năm 2019

Số lượt khách

Số ngày khách

Số lượt khách không lưu trú

Khối lượng chất thải nhựa phát sinh

(tấn/năm)

Khách quốc tế

18.000.000

138.240.000

-

165.888

Khách nội địa

43.500.0000

131.370.000

41.500.000

64.222

Tổng cộng

 

 

 

230.110

 

(Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả)

     Như vậy, có thể thấy lượng RTN tại các KDLB, đảo tính riêng đối với khách du lịch là rất lớn, có thể đến 50% tổng rác nhựa ra biển (230/500 nghìn tấn) và phải mất rất nhiều thời gian lượng rác thải này mới được phân hủy, trong khi đó lượng rác sẽ vẫn tiếp tục tăng lên qua các năm. Nếu không có biện pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng phát sinh chất thải nhựa nguy cơ vượt quá sức chịu tải của môi trường là không tránh khỏi.

      Giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong hoạt động du lịch tại Việt Nam

     Việc theo dõi, dự báo lượng phát sinh cũng như lượng chất thải nhựa có trong môi trường sẽ giúp đánh giá thực trạng, hiệu quả của công tác xử lý, kiểm soát chất thải nhựa. Trên cơ sở đó, đưa ra các biện pháp kiểm soát chất thải nhựa một cách hiệu quả. Có rất nhiều biện pháp được áp dụng từ phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh đến xử lý chất thải nhựa thông qua việc áp dụng các công cụ về luật pháp, kinh tế, kỹ thuật, giáo dục và truyền thông. Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong hoạt động du lịch tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

     Về cơ chế chính sách

     Trong các giải pháp về giảm thiểu chất thải nhựa biển, việc sử dụng công cụ chính sách pháp luật là biện pháp quan trọng nhất, là căn cứ thực hiện các biện pháp khác.

      Đối với luật pháp quốc tế: Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần phải tuân thủ và tích cực thực hiện các công ước, quy định quốc tế đã được ký kết trong đó Việt Nam là thành viên, bao gồm: các hiệp ước môi trường đa phương là các thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc đối với các nước phê chuẩn, hoặc tham gia. Cụ thể, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) là công ước mang tính bao quát về chế độ pháp lý của biển cả và đại dương; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu bè (MARPOL) quy định rất rõ về việc nghiêm cấm hành vi xả rác, kế hoạch quản lý và đổ thải trên biển của tàu lớn; Công ước London và Nghị định thư London được xây dựng nhằm ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác trong đó có chất thải nhựa. Các tuyên bố, hướng dẫn quốc tế gồm có: Mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc có mục tiêu 14 “bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển” đưa ra các nội dung liên quan đến quản lý rác thải biển; Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra vấn đề rác thải biển trong các điều khoản về cơ sở tiếp nhận ở cảng, tích trữ rác thải trên tàu và giảm thiểu tác động của ô nhiễm…; Chương trình Hành động toàn cầu về BVMT biển trước các hoạt động trên đất liền (GPA) là cơ chế liên chính phủ toàn cầu duy nhất trực tiếp nhấn mạnh sự kết nối giữa các hệ sinh thái đất liền, nước ngọt, ven biển và đại dương…

     Tại Việt Nam: Các đối tượng tham gia hoạt động du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến chất thải nhựa, bao gồm: Luật BVMT, Luật TN&MT biển và hải đảo quy định về hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển, trong đó có nội dung về chất thải. Hiện nay, việc quản lý chất thải nhựa được quy định rõ trong các văn bản chính sách như: Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 5/3/2020 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 4/12/2019 về việc Ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020 về Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 2395/QĐ - BTNMT, ngày 28/10/2020 về việc Ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020 về Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

     Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản cụ thể như: Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL, ngày 28/3/2018 về việc Ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn BVMT đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL, ngày 25/12/2020 về việc ban hành quy tắc ứng xử BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch... trong đó quy định cụ thể về việc kiểm soát chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa).

     Tuy nhiên, hiện nay, chất thải nhựa được xác định là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, và có những tác động nguy hại tới môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển. Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện nay, các chính sách về kiểm soát chất thải nhựa vẫn chưa thực sự được quan tâm, quản lý thỏa đáng. Mức độ thiệt hại của chất thải nhựa gây ra đối với kinh tế - xã hội và môi trường chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chưa có một văn bản nào quy định riêng cho loại chất thải đặc thù này. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam nói chung và ngành Du lịch cần phải có các công cụ chính sách pháp luật cụ thể, thiết thực hơn nhằm kiểm soát ngay từ giai đoạn sản xuất đến tiêu dùng và công đoạn xử lý. Cụ thể, ban hành các quy định về áp thuế cao đối với túi nhựa, túi ni lông, dụng cụ ăn uống dùng một lần; có các chính sách khuyến khích đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường và “nói không với túi ni lông”; có chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ cũng như khách du lịch…

     Kỹ thuật

     Để xử lý chất thải nhựa, hiện nay tại các KDLB đã áp dụng các biện pháp như: chôn lấp, đốt, tái sử dụng, tái chế. Tuy nhiên, do lượng rác thải lớn và ngày càng tăng, trong khi đó hạ tầng cũng như kỹ thuật xử lý chất thải nhựa chưa đáp ứng được đã gây ra hiện tượng chất thải bị chất đống hoặc trôi nổi trên các bãi biển. Để ngăn chặn ô nhiễm từ RTN và hạn chế các hiện tượng trên, các KDLB cần phải thực hiện một số các giải pháp cụ thể như sau:

     Chất thải rắn phải được thu gom và phân loại ngay tại nguồn thành rác thải hữu cơ; rác thải vô cơ; rác thải có khả năng tái sử dụng hoặc tái chế (chai nhựa, thủy tinh, vỏ lon nhôm… và các vật dụng khác).

     Triển khai đồng bộ và tiến tới lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng triệt để mô hình giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R) để sớm đưa nội dung này thành một thói quen, tiêu chí bắt buộc về BVMT trong hoạt động du lịch.

     Giảm thiểu sự phát sinh chất thải rắn thông qua việc hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, sản phẩm không thân thiện với môi trường, đặc biệt các sản phẩm bằng nhựa trong hoạt động du lịch.

     Sử dụng các phương tiện thu gom di động và vận chuyển linh hoạt chất thải rắn trong mùa cao điểm du lịch và dịp lễ hội tránh tình trạng rác thải không được thu gom kịp thời gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan tại các KDLB.

     Truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức về giảm thiểu chất thải nhựa

     Việc thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với chất thải nhựa có ý nghĩa quan trọng nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh trong hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, ngành Du lịch cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của RTN và nâng cao ý thức BVMT, giảm thiểu RTN đối với các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch thông qua các chương trình giáo dục và chiến dịch về chất thải trên biển.

     Như vậy, để kiểm soát chất thải nhựa tại các KDLB trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức ngành Du lịch cần hoàn thiện chính sách pháp luật; đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật để xử lý và giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức về giảm thiểu chất thải nhựa. Các giải pháp trên cần phải được triển khai đồng bộ và thường xuyên, liên tục để đem lại hiệu quả cao nhất nhằm đạt được mục tiêu theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg: “Đến năm 2025, 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”.

TS. Dư Văn Toán

Viện nghiên cứu biển và hải đảo

Nguyễn Thùy Vân

Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2021)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Dương Thị Phương Anh, 2016. Báo cáo tổng hợp Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển”, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

     2. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 2017. Báo cáo công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch.

     3. Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, 2019. Báo cáo Dự án “Xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030”

 

Ý kiến của bạn