Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khỏe con người, khuyến nghị ban hành tiêu chuẩn chất lượng và các giải pháp cải thiện

20/09/2022

    Hoạt động sống của con người chủ yếu diễn ra ở trong nhà (chiếm tới 86,9%), còn lại là ở ngoài trời (chiếm 7,6%) và trên các phương tiện giao thông (chiếm 5.5%) [5]. Chất lượng không khí (CLKK) trong nhà có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và hiệu quả lao động của con người. Con người bình thường có thể nhịn ăn từ 7-10 ngày, nhịn uống 3 - 4 ngày, nhưng chỉ cần nhịn thở 3 - 4 phút là có thể tử vong [1]. Vì vậy, Bộ TN&MT đã ban hành các quy chuẩn CLKK ngoài nhà, như là QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn về CLKK trong nhà. Hiện nay Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã hoàn thành Đề tài nghiên cứu xây dựng “Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 2020 về nhà ở và công cộng - Các thông số CLKK trong nhà”, thực hiện trong 2 năm 2019 - 2020. Đây là những cơ sở để Nhà nước ban hành tiêu chuẩn CLKK trong nhà. Đồng thời, bài báo đề xuất các giải pháp thiết kế và vận hành công trình xây dựng để CLKK trong nhà đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

  1. Tác hại của ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khoẻ con người

    Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc  (UNEP) về Hiện trạng môi trường không khí toàn cầu năm 2019, xếp hạng quốc gia theo trị số ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trung bình năm của 98 nước có số liệu thì Việt Nam là nước bị ô nhiễm thứ 15 (vào khoảng năm 2010 ô nhiễm bụi mịn trong môi trường không khí ở nước ta còn nặng hơn, là 1 trong 10 nước bị ô nhiễm nhất). Nước bị ô nhiễm nhất về bụi mịn (số 1) là Bangladesh; nước có môi trường không khí trong sạch nhất về bụi mịn là Quần đảo Virgin và Bahamas (số 97 và 98).

    Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2006: Tổng số người chết non do phơi ô nhiễm bụi không khí trên thế giới là 777.000 người, trong đó riêng ở châu Á là 531.000 người, chiếm 68%. Theo Báo cáo của Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP, 2019), tổng số người chết do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam năm 2017 (71.365 người, trong đó chết do ô nhiễm không khí là 50.232 người, chiếm tỷ lệ 70,4 %), chết do ô nhiễm nước (3097 người, chiếm tỷ lệ 4,4 %), chết do ô nhiễm chì (8227 người, chiếm tỷ lệ 11,5 %), và chết do ô nhiễm nghề nghiệp (9.000 người, chiếm tỷ lệ 12,6 %).

    Các tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với sức khỏe con người được tóm tắt trong Bảng 1.         

    Bảng 1. Tác động ngắn hạn và dài hạn của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người

Tác động ngắn hạn

Tác động dài hạn

-  Dị ứng da, mề đay, ngứa

-  Nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc)

-   Kích ứng mũi và họng

-   Ho, hen suyễn

-   Viêm phế quản, viên mũi

-  Khó thở, viêm họng, viêm phổi

-  Đau đầu, chóng mặt và buồn nôn

- Các bệnh đường hô hấp mãn tính

- Ung thư phổi

- Làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch

- Bệnh bụi phổi silic

- Gây tác hại cho não và thần kinh

- Gây thiệt hại cho cơ quan nội tạng

  (ví dụ như gan và thận)

- Chết non

      Ngoài tác hại sức khỏe của các chất ô nhiễm thông thường của không khí, như ô nhiễm bụi PM2.5, PM10, TSP, ô nhiễm các khí CO2, CO, SO2, NOx, như mọi người đã biết, chúng tôi nhấn mạnh tác hại của một số chất ô nhiễm không khí sau: 

    - Mối liên quan giữa một số chất gây ô nhiễm (Radon, Carbon monoxide, vi khuẩn Legionella) ảnh hưởng đến sức khoẻ con người là rất lớn. Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, không màu, không mùi, được sinh ra từ quá trình phân hủy Uranium trong đất và đá. Theo EPA Hoa Kỳ, Radon là yếu tố hàng đầu góp phần gây ra ung thư phổi. Nếu ngôi nhà được xây dựng trên phần đất có phóng xạ Radon thì có thể cắt giảm chất ô nhiễm này bằng cách phủ một lớp không thấm nước trên nền nhà để Radon không thể xâm nhập vào không gian sống trong nhà. Carbon monoxide được sinh ra do quá trình đốt  nhiên liệu và chất thải rắn trong điều kiện thiếu Oxy, nó là chất độc hại, việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với nồng độ CO cao có thể sẽ khiến tử vong;  Bệnh Legionnaires là một dạng viêm phổi do tiếp xúc với vi khuẩn Legionella từ trồng cây xanh và nơi ẩm ướt trong nhà;

    - Các chất ô nhiễm không khí (ÔNKK) trong nhà như nấm mốc, lông động vật nuôi, khói thuốc lá là tác nhân gây ra hen suyễn.

    - Khi ngồi làm việc trong các nhà đóng kín cửa, bật điều hòa không khí với môi trường không khí bị ô nhiễm thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt... đó là "Hội chứng tòa nhà ốm yếu" (Sick Building Syndrome). Những người làm việc trong các toà nhà điều hòa không khí thường gặp phải các triệu chứng như vậy tương tự nhau, các triệu chứng này giảm dần sau khi họ rời khỏi tòa nhà.

    - Các nghiên cứu của Cơ quan BVMT Hoa Kỳ cũng đưa ra mối quan hệ giữa chất lượng không khí trong nhà liên quan mật thiết với hiệu suất học tập của học sinh, sinh viên trong lớp và năng suất làm việc của nhân viên trong công ty (giảm khoảng hơn 5% so với ngồi làm việc  và học tập trong môi trường không khí đáp ứng TCMT).

    2. Nguyên nhân ô nhiễm không khí trong nhà

         Môi trường không khí ở trong nhà cũng như ở ngoài nhà thường hàm chứa các chất ô nhiễm như sau: CO: Carbon Monoxide; CO2: Carbon dioxide; NOx: Nitrogen Oxides; Pb: Lead (chì); HCNO: Formaldehyde; RPM: Respirable Particulate Matter (bụi hô hấp); TPM: Total of Particulate Matter (tổng bụi lơ lửng); PM2.5, PM10: bụi mịn có đường kính ≤ 5 và 10 µm; Asbestos: bụi Amiaăng; O3: Ozon; VOC: Volatile Organic Compounds (chất hữu cơ bay hơi); Radon: bức xạ Radon, các loại vi khuẩn, nấm mốc phát sinh từ các bề mặt kết cấu ẩm ướt  như thể hiện ở Hình 1. Ngoài ra, còn có các chất ÔNKK trong nhà được phát sinh từ chăn nuôi thú vật trong nhà (nuôi chó, mèo, chim cảnh, gà vịt...). Các chất ô nhiễm này đều gây ra rủi ro đối với sức khỏe con người.

 

                 Hình 1. Sơ đồ nguồn thải ÔNKK trong nhà và ngoài nhà

    Môi trường không khí trong nhà thường bị ô nhiễm hơn môi trường không khí ở ngoài nhà, nhất là đối với nhà đóng kín cửa bật điều hòa không khí. Bởi vì không khí trong nhà chịu tác động của không khí ngoai nhà, không khí ngoài nhà thường xuyên mang theo các chất ô nhiễm đi qua các kết cấu bao che vào nhà, đồng thời CLKK trong nhà còn bị tác dụng của các nguồn thải ô nhiễm phát thải chính từ trong nhà gây ra.

    Các nguồn thải ÔNKK phát sinh trong nhà chủ yếu là hơi khí độc hại lan tỏa từ các vật liệu trang trí nội thất như gỗ ép công nghiệp (Formaldehyde), vật liệu xây dựng được khai thác từ các vùng có hàm chứa chất phóng xạ (Radon), sơn ve, trang trí bằng các loại sơn ve lan tỏa các khí VOC, bụi Amiăng, bụi chì từ các mặt sơn chứa chì…; khí TVOC và các loại bụi mịn thường được phát thải từ các hoạt động của con người bên trong nhà (nấu nướng, quét dọn, vệ sinh). Một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi được phát sinh từ các sản phẩm tẩy rửa dân dụng; trong quá trình hô hấp con người thải ra khí ô nhiễm CO2 và hơi nước; chất ô nhiễm phát sinh từ chăn nuôi thú vật (chó, mèo, các loài chim, gà, vịt, ..).

  1. Kết quả đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí trong nhà

    Trong những năm 2017, 2018 và 2019, Bộ Xây dựng đã giao cho nhóm nghiên cứu thực hiện Đề tài  khoa học khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường không khí trong nhà văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (2017 - 2018) và môi trường không khí trong nhà ở Hà Nội (2019), đề xuất các giải pháp cải thiện [4]. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện trạng môi trường không khí trong nhà ở và nhà văn phòng thấp tầng cũng như cao tầng ở nước ta đều đang bị ô nhiễm rõ rệt, có nơi bị ô nhiễm nặng, nhất là ô nhiễm bụi mịn (PM2.5,), bụi lơ lửng (TSP), khí CO2, formaldehyde, volatile organic compounds (VOC), vi khuẩn và nấm mốc trong nhà. Khoảng trên 30% các nhà ở tại các đô thị đã khảo sát có nồng độ bụi mịn (PM 2.5, PM10) trong không khí trong nhà vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 lần đến 3 lần, trong các nhà văn phòng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 - 2,0 lần. Tổng số vi khuẩn và nấm mốc tại gần hầu hết (trên 70%) các nhà ở cũng như các nhà văn phòng đã được khảo sát đều không đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép trên (500 cfu/m3). Khoảng 10% số nhà ở và nhà công cộng đã được khảo sát bị ô nhiễm khí CO2 vượt quá trị số tiêu chuẩn cho phép.

    Riêng ở các phòng có bàn thờ cúng, thường xuyên thắp nhang hương thì bị ô nhiễm bụi mịn và khí VOC rất cao, nồng độ bụi PM2.5 cao hơn tiêu chuẩn cho phép (6,3 lần) và PM10 (cao hơn 3,6 lần), nồng độ khí TVOC trong không khí trong phòng đều cao hơn giá trị đo ở ngoài nhà và đều vượt trị số tiêu chuẩn cho phép (3 ppm) từ 1,5 - 2 lần.

     Đối với các nhà vừa mới được xây dựng xong đưa vào sử dụng, kết quả quan trắc đo lường cho thấy môi trường không khí bên trong nhà thường bị ô nhiễm rất nặng về các khí volatile organic compounds (VOC) và Formaldehyde. Không khí trong các nhà mới thông thường có nồng độ TVOC lớn hơn trị số tiêu chuẩn cho phép của Nhật bản (TVOC standard = 400 µg/m3) từ 1,9 - 3,1 lần; nồng độ Formaldehyde trong các phòng của nhà mới lớn hơn tiêu chuẩn của Nhật bản (Formaldehyde standard = 100 µg/m3) từ 2,79 - 4,29 lần. Đối với các nhà mới được ốp tường và lát nền bằng gỗ ép công nghiệp thì không khí trong nhà bị ô nhiễm khí TVOC và Formaldehyde còn nặng hơn nữa. Nồng độ TVOC trong không khí trong nhà lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3,57 - 9,76 lần, nồng độ Formaldehyde trong các phòng của nhà lớn hơn trị số tiêu chuẩn cho phép từ 15,88 đến 31,35 lần.

  1. Khuyến nghị các biện pháp bảo đảm chất lượng không khí trong nhà đáp ứng tiêu chuẩn

    Sau đây là khuyến nghị các biện pháp cơ bản về thiết kế và quản lý vận hành công trình xây dựng nhằm bảo đảm CLKK trong nhà đáp ứng tiêu chuẩn:

    Một là, ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về CLKK trong nhà: Để giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường không khí (CLMTKK) trong nhà có hiệu quả thì nước ta cần ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về CLMTKK trong nhà. Ở tất cả các nước phát triển trên thế giới và ở nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia, Singapore... đều đã ban hành ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về CLMTKK trong nhà, đây là cơ sở pháp lý cho việc tuân thủ áp dụng các giải pháp thiết kế và quản lý vận hành công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu đảm bảo CLMTKK trong nhà để bảo vệ sức khỏe con người.

     Ở nước ta, việc nghiên cứu và xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về CLKK trong nhà được tiến hành muộn so với các nước khác. Cho đến năm 2020-2021 Bộ Xây dựng mới giao nghiên cứu xây dựng dự thảo tiêu chuẩn này. Đến nay, Dự thảo tiêu chuẩn đã được Bộ Xây dựng, Tổng cục Tiêu chuẩn, Chất lượng và Đo lường thẩm định và Bộ KH&CN đang chuẩn bị ban hành. Sau đây là các giá trị giới hạn thông số chất lượng không khí trong nhà (CLKKTN) được khuyến cáo đối với các nhà đóng cửa điều hòa không khí (ĐHKK) trong Dự thảo Tiêu chuẩn.

`Bảng 2. Các thông số CLKK trong nhà được khuyến cáo đối với nhà đóng cửa ĐHKK và nhà mở cửa thông gió tự nhiên (TGTN)

TT

Các thông số

Giới hạn được chấp nhận

Đơn vị

Phương pháp đo/   phân tích

Nhà ĐHKK

Nhà TGTT

1

Bụi PM2.5

50

50

µg/m3

AS/NZS 3580.9.7:2009

AS/NZS 3580.9.6:2003

2

Bụi PM10

100

150

µg/m3

AS/NZS 3580.9.7:2009

AS/NZS 3580.9.6:2003

3

Pb

1,5

1,5

µg/m3

TCVN 6152:1996 (ISO 9855:1993

4

CO2

1000

1000

ppm

MASA 128

Phương pháp NIOSH

5

CO

9

Hoặc 10

9

Hoặc 10

ppm

mg/m3

TCVN 7725:2007 (ISO 4224:2000)

6

Formaldehyde (HCHO)

100

Hoặc 0,08

100

Hoặc 0,08

µg/m3

ppm

OSHA

Phương pháp NIOSH

7

Tổng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi - TVOC**

500

500

µg/m3

ISO 16000-5

NIOSH 3900 và 2549

8

NO2

100

100

µg/m3

TCVN 6137:2009 (ISO 6768: 1998)

9

SO2

100

125

µg/m3

TCVN 5971:1995 (ISO 6767: 1990)

TCVN7726: 2007 (ISO 10498: 2004)

10

Ozon (O3)

100

120

µg/m3

TCVN 6157: 1996 (ISO 10313: 1993)

11

Tổng lượng vi khuẩn trong không khí***

  • Nhà công cộng

  • Nhà ở

 

 

1000

1500

 

 

1000

1500

 

 

cfu/m3

cfu/m3

TCVN 10736: 2016

12

Tổng lượng nấm mốc trong không khí***

  • Nhà công cộng

  • Nhà ở

 

 

500

700

 

 

500

700

 

 

cfu/m3

cfu/m3

TCVN 10736-17: 2017

Ghi chú:

    * Các thông số chất lượng không khí được khuyến cáo trong Bảng 2 ở trên đối với các loại nhà công cộng là trị số trung bình 8 giờ làm việc trong ngày, đối với các loại nhà ở và các nhà tương tự nhà ở là trị số trung bình 24 giờ trong ngày.

    ** Khi TVOC > 500 µg/m3 hoặc khi cảm nhận được mùi TVOC rõ rệt, khuyến nghị cần đo lường xác định từng thành phần đơn chất VOC cụ thể (như là: Benzen, Toluen, Xylen…);

    *** Các giá trị nồng độ vi khuẩn và nấm mốc cho ở Bảng 2 nêu trên là đối với tổng vi khuẩn và tổng nấm mốc chứa trong không khí trong nhà. Để kiểm soát vi khuẩn và nấm mốc bám dính trên các bề mặt kết cấu bao che trong nhà bị ẩm ướt thì cần phải tham khảo tài liệu khác.

        Hai là, giảm thiểu các nguồn thải chất ô nhiễm trong nhà: Đây là biện pháp cơ bản và hiệu quả nhất: (1) Lựa chọn các vật liệu thân thiện với môi trường, phát thải ô nhiễm thấp dưới giới hạn cho phép để làm lớp vật liệu trang trí nội thất, đồ dùng nội thất (bàn, ghế, giường, tủ...) như dùng gỗ nguyên khối thay cho gỗ composite hay gỗ tấm ép công nghiệp; không nên sử dụng đồ dùng gia đình bao bọc bằng da nhân tạo, để tránh được nguồn thải khí VOC và Formaldehyde phát sinh ở trong nhà; không sử sụng các loại chất tẩy rửa và các bình xịt khí thơm chứa nhiều chất VOC đa vòng ở trong nhà; không dùng các chất tẩy rửa có chứa các chất độc hại, như là: chất tẩy rửa kính, chất tẩy trắng, thuốc xịt làm sạch...; Sử dụng các sơn, ve, keo dán trong nhà có tính phát thải các khí VOC thấp; không sử dụng vật liệu xây dựng được khai thác từ các vùng bị nhiễm xạ; không đun nấu bằng than tổ ong hay đun bằng củi, gỗ, nên đun nấu bằng điện để kiểm soát nguồn thải bụi, khí SO2, CO và các chất ô nhiễm khác; không hút thuốc lá trong nhà; không nên để xe máy hay xe ô tô ở trong nhà đóng kín cửa, vì các khí hơi xăng dầu bị rò rỉ từ xe cộ sẽ gây ra ÔNMT không khí trong nhà.          

       Bà là, thiết kế và xây dựng nhà thông minh (Smart home) và kiểm soát CLKK trong nhà: Trong giai đoạn hiện nay, khi biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều bất lợi cho môi trường sống của con người, trước xu thế phát triển các công nghệ mới, nhà thông minh đang được phát triển và ứng dụng mạnh mẽ không những nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm mà còn có thể cung cấp các thông tin về CLKK thông qua các cảm biến. Hiện nay, chất lượng môi trường sống trong đó không khí và điều kiện vệ sinh đang được quan tâm rất lớn đối với tòa nhà thông minh, chỉ cần sử dụng các nút cảm biến MoD và một thiết bị cầm tay (smartphone) là có thể quan sát được mức độ ô nhiễm tại các khu vực trong nhà cần theo dõi.

       Bốn là, cải thiện thông gió không khí trong nhà: Cần giữ cho không khí trong nhà được lưu thông thường xuyên là một cách đơn giản, tiết kiệm để cải thiện CLKK trong nhà. Khi điều kiện khí hậu ngoài nhà tương đối tiện nghi thì nên mở toang cửa sổ để không khí sạch bên ngoài tràn vào trong nhà (Hình 2). Nhà đóng kin cửa chống lạnh mùa đông hay điều hòa không khí làm mát mùa hè thì phải đảm bảo có lưu lượng không khí ngoài nhà truyền vào nhà đạt tiêu chuẩn vệ sinh (để trong nhà không bị ô nhiễm khí CO2) theo quy định của TCVN 5687:2010, Thông gió - Điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế (đảm bảo lưu lượng không khí từ ngoài nhà lưu thông vào trong nhà không được nhỏ hơn 35 m2/h.ng đối với phòng ngủ và không được nhỏ hơn 25 m2/h.ng đối với phòng học). Không khí ngoài nhà cũng có thể truyền vào nhà đi qua các lỗ thông hơi hoặc các khe trống nhỏ kết cấu bao che xung quanh nhà.

      

Hình 2. Thường xuyên mở cửa để không khí sạch bên ngoài lưu thông vào nhà

       Năm là, giữ môi trường trong nhà vệ sinh sạch sẽ: Thường xuyên dọn vệ sinh, hút bụi trong nhà, đặc biệt là đối với các thảm sản và thảm tường với tần suất tối thiểu là một hoặc hai lần một tuần bằng máy hút bụi có trang bị bộ lọc HEPA. Thường xuyên vệ sinh giường, màn, sofa để loại bỏ các chất gây dị ứng, đặt biệt nếu có nuôi thú cưng trong nhà. Định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm tiến hành làm vệ sinh máy lạnh, hệ thống điều hòa không khí, đặc biệt là làm vệ sinh bộ phận lọc bụi và hệ thống thải nước ngưng tụ. Cũng nên thường xuyên làm sạch đường ống thông gió.

      Sáu là, trồng cây xanh trong nhà: Đã có một số nghiên cứu đánh giá chứng minh rằng cây xanh trồng trong nhà có thể giúp giảm thiểu các chất ô nhiễm không khí như VOC và các hạt bụi mịn, tăng cường nồng độ oxy trong phòng. Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng phù hợp trồng trong nhà, vì chúng có thể là nguồn sinh ra nấm mốc hoặc phát ra phấn hoa gây ra dị ứng. Các loại cây được công nhận có hiệu quả trong việc giữ sạch không khí trong nhà bao gồm: cây chi huyết giác (dracaena), một giống cây trong nhà phổ biến thường có lá hình kiếm với nhiều màu sắc; cây lan ý (spathiphyllum); cây thường xuân (hedera helix)...

       Bảy là, sử dụng máy lọc không khí: Trong trường hợp nhà được xây dựng ở khu vực mà môi trường không khí ngoài nhà bị ô nhiễm nặng, tuy đã sử dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm nêu trên mà môi trường không khí trong nhà vẫn bị ô nhiễm thì cần phải sử dụng máy lọc không khí. Dùng máy lọc không khí sẽ bảo đảm không khí trong nhà sạch hơn. Máy lọc không khí có bộ lọc hấp thụ các hạt bụi có hiệu quả cao (HEPA) có thể loại bỏ tới 99% các hạt bụi có hại khỏi không khí, bao gồm cả các hạt virus cúm.

        Tám là, giảm thiểu ÔNKK ở các gian thờ cúng trong nhà: Các dạng nhà ở ở nước ta theo phong tục tập quán cổ truyền thường có gian thờ cúng tổ tiên. Theo số liệu khảo sát của chúng tôi đã được nêu ở trên cho thấy các không gian thờ cúng này thường bị ô nhiễm rất nặng nề về bụi mịn và khí VOC do đốt hương nhang, gây ra các bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh và có thể gây ra biến đổi tế bào dẫn đến bệnh ung thư. Do đó, khi đốt hương nhang cần phải mở cửa thông gió tự nhiên. Trong trường hợp không gian thờ cúng ở trong nhà đóng kín cửa bật ĐHKK, khi đốt hương nhang cần phải lắp đặt thêm máy lọc không khí để xử lý ô nhiễm bụi mịn và các khí VOC.

        Chín là, đối với các nhà mới được xây dựng: Đối với các nhà mới được xây dựng xong hay nhà hiện hữu được sửa chữa cải tạo xong đưa vào sử dụng, các vật liệu hoàn thiện nội thất thải ra rất nhiều chất ô nhiễm bụi mịn, VOC và formaldehyde, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, trước khi vào ở nhà mới xây hay nhà hiện hữu vừa được sửa chữa cải tạo xong, người sử dụng ngôi nhà cần tiến hành đo lường kiểm tra nồng độ TVOC và formaldehyde có đáp ứng yêu cầu theo quy định ở Bảng 2. Ngoài ra, phải lắp đặt thêm máy lọc không khí để xử lý ô nhiễm formaldehyde, các chất VOC và các hạt bụi mịn.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Phạm Ngọc Đăng, Phạm Thị Hải Hà. Đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại trong giai đoạn 2022 - 2025. Tạp chí Môi trường, chuyên đề 1 tháng 3/2022, các trang 69 - 74.

    2. Phạm Ngọc Đăng, Nguyễn Việt Anh, Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Văn Muôn, Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam, Chương 3. Nhà Xuất bản Xây dựng, 2014.

    3.Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Thành Trung. Chất lượng không khí trong nhà và các khuyến nghị trong công tác thiết kế và vận hành công trình xây dựng. Tạp chí Kiến trúc số 02 - 2020.

    4. Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp (VACEE). Báo cáo Tổng kết NC Đề tài mã số MT08-17 “Khảo sát đánh giá chất lượng không khí trong nhà Văn phòng và đề xuất các giải pháp cải thiên”. Hà Nội - 2019. Đề tài KH của Bộ Xây dựng giao cho Trung tâm CETIA theo Hợp đồng ngày 26/6/2017, do GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng chủ trì thực hiện.

    5.Canadian Centre for Occupational Health and Safety, ILO Encyclopaedia of Occupational Health and Safety, Part VI - General Hazards, Chapter 44, 45. 1998.

Ý kiến của bạn