Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Ngành thủy sản nỗ lực xây dựng kế hoạch hành động và thúc đẩy các cam kết tự nguyện về giảm thiểu rác thải nhựa

17/12/2020

     Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đang là vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Tình trạng ô nhiễm RTN đại dương nói chung, RTN ngành thủy sản nói riêng đang ở mức báo động… Để chung tay giảm thiểu RTN, ngành thủy sản đã xây dựng Kế hoạch hành động quản lý RTN giai đoạn 2020 - 2030, đồng thời, thực hiện các cam kết hành động cùng nhiều giải pháp để giảm thiểu RTN tại Việt Nam.

     Nhận diện RTN ngành thủy sản

        Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng RTN nhiều nhất trên thế giới, ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn RTN thải ra biển, trong đó 80% lượng rác từ đất liền, 20% còn lại đến từ các hoạt động trên biển. RTN đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển do mắc vào ngư lưới cụ hoặc ảnh hưởng bởi đường tiêu hóa. Khoảng 70% nhựa mảnh lớn trên biển và 46% đảo rác lớn Thái Bình Dương được hình thành từ các ngư cụ. Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển. 

Tổng cục thủy sản và IUCN ký Biên bản ghi nhớ hợp tác và bảo tồn các loại thủy sản giai đoạn 2020 - 2025

     Trong những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, năm 1995, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là khoảng 453.000 ha, đến năm 2015 tăng lên 1.057.300 ha và năm 2018 đạt 1,3 triệu ha. Cùng với đó, số tàu đánh bắt cũng gia tăng, tính đến ngày 31/5/2018, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 108.504. Hầu hết, số tàu này đều phải hoạt động dài ngày trên biển để đánh bắt. Trước mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm cần thiết, lượng rác thải sinh hoạt trên các tàu vì thế cũng rất nhiều. Theo thói quen, ngư dân thường xả trực tiếp rác thải xuống biển và đây là một trong những nguyên nhân làm hủy hoại hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường biển. Trong khi đó, ngành thủy sản nước ta chưa có nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng thải RTN ra môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và đánh bắt. Thực tế, các hoạt động sản xuất trong ngành thủy sản vẫn xả thải ra môi trường lượng lớn chất thải nhựa gồm: bạt lót ao nuôi, vỏ chai lọ thuốc thú y thủy sản, bao bì thức ăn, phao trong hệ thống nuôi lồng bè làm bằng xốp, nhựa... Ngành thủy sản vừa là ngành phát sinh RTN đại dương vừa chịu tác động của RTN đại dương. RTN lan tràn tại một số cảng cá, khu bảo tồn (KBT) biển, gây ô nhiễm môi trường, nhiều loài sinh vật biển nhầm tưởng RTN là thức ăn dẫn đến bị chết và mắc kẹt… Mặc dù, một số địa phương đã chỉ đạo tăng cường quản lý, xử lý RTN thủy sản, nhưng mới chỉ quan tâm xử lý RTN vùng đất liền; từng bước gia tăng xử lý rác thải vùng gần bờ; riêng vùng xa bờ còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, số lượng ngư dân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và ngư cụ sử dụng cho hoạt động đánh bắt thủy sản là rất nhiều, nhưng hiện chưa có quy định cụ thể về việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các tàu thuyền đánh bắt thủy sản và ngư cụ thải bỏ từ hoạt động này.

     Ngành thủy sản có thể không sử dụng quá nhiều nhựa gây ô nhiễm, nhưng lại có tỷ lệ rò rỉ rác thải cao thứ hai sau lĩnh vực sản xuất bao bì (Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN). Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến RTN chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện tại các bãi biển Việt Nam năm 2019. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cũng về RTN trên biển của IUCN cũng cho thấy, chỉ có 1% RTN nổi lên mặt biển, 5% RTN ở gần bờ biển. Điều này minh chứng số lượng RTN trên biển nhìn thấy chỉ là con số quá nhỏ so với số lượng thực tế. Nguy hại hơn, RTN là các loại phao, xốp, túi ni lông… luôn chiếm tỷ lệ lớn không thể phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường biển, gây nhiễm độc cho các loại hải sản khu vực ven bờ. Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh - địa phương có số lượng lồng bè nuôi thủy sản lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng cũng đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng lượng RTN, với 250 km đường bờ biển, 6.100 km2 mặt biển, 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh. Tỉnh Quảng ninh hiện có 8.123 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động ngoài khơi là 238 tàu và 14.506 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng tập trung. Phần lớn lồng bè được nuôi ở vùng biển mở, dễ bị ảnh hưởng bởi bão, gió, lốc, gây hư hỏng phao xốp và các công trình nuôi. Phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, dễ bị vỡ, phát tán, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan, hoặc phao phi bơm xốp khi bị sóng, gió lớn các chỗ van bơm, mối nối ghép cũng thường bị nứt vỡ làm xốp bên trong thất thoát ra môi trường. Hiện tại, lượng phao xốp sử dụng cho nuôi lồng bè tỉnh Quảng Ninh chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi (50% còn lại sử dụng các vật liệu thay thế), thì riêng vịnh Hạ Long có 53 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản lồng bè, nhằm phục vụ cho mục đích du lịch. Để nuôi trồng thủy sản, vật liệu nổi lồng bè được các hộ gia đình sử dụng phần lớn là phao phi bơm xốp (chiếm 90%) và phao xốp bọc bạt (10%). Kết quả thu gom rác trên vịnh trong 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 350 tấn, trong đó có 5 loại rác được tìm thấy nhiều nhất là phao xốp. Đây là những con số đáng báo động về vấn đề ô nhiễm RTN trên biển.

     Nỗ lực xây dựng kế hoạch giảm thiểu RTN

     Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của RTN đối với môi trường nói chung, các loài sinh vật biển nói riêng, thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý của Chính phủ, Bộ, ban ngành và tỉnh/thành phố đã được ban hành nhằm quản lý, giảm thiểu RTN đại dương. Tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch Hành động quốc gia quản lý RTN đại dương đã đề ra mục tiêu giảm RTN ngành thủy sản, cụ thể: Đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên sâu phục vụ quản lý RTN đại dương; tạo đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng sản phẩm nhựa, thải bỏ RTN ra môi trường và tác hại của RTN đại dương tới tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái biển và sức khỏe con người; giảm thiểu 50% RTN địa phương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu 1 năm hai lần thu gom, làm sạch RTN tại bãi tắm biển; 80% các KBT biển không còn RTN. Đến năm 2030, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; giảm thiểu 75 % RTN đại phương; 100% các KBT biển không còn RTN; Hoàn thiện và triển khai cơ chế mở rộng (hay tăng cường) trách nhiệm của nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ngư cụ và đóng gói sản phẩm có liên quan đến nhựa, thí điểm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…

RTN đang gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe của sinh vật biển

     Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản như: Công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN; Quyết định số 1777/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/5/2020 về việc giao nhiệm vụ xây dựng “Kế hoạch hành động quản lý RTN đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 - 2030”… Theo đó, Tổng cục Thủy sản được giao là cơ quan đầu mối xây dựng Kế hoạch hành động quản lý RTN đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030 (Quyết định 282/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 22/5/2020). Đây là nhiệm vụ cấp bách, quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới. Thực hiện Kế hoạch, các hoạt động quản lý, giảm thiểu RTN sẽ được triển khai như: Tiến hành rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý RTN; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu, công trình trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức thực hiện các nghiên cứu mang tầm quốc gia, liên vùng về RTN; diễn đàn hàng năm để chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan trong giảm thiểu RTN… Cùng với đó, các mô hình: Cộng đồng ngư dân thực hành giảm thiểu RTN; tái sử dụng vật liệu nhựa trong nuôi trồng thủy sản; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thực hiện cam kết hạn chế RTN cũng sẽ được triển khai.

     Song song với đó, ngành thủy sản cũng đang xây dựng Dự thảo Bộ công cụ điều tra thông qua các biểu phiếu hỏi dựa trên bộ tiêu chí nhằm khảo sát các đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu, trong đó, đối tượng trực tiếp được phỏng vấn là người dân, cơ quan quản lý tại địa phương, ban quản lý cảng cá…Nhằm thu thập thông tin cần thiết để làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động sát với thực tiễn, thực hiện có hiệu quả, giúp nhà quản lý nhìn nhận ra những vấn đề mang tính vĩ mô và vi mô, từ đó đưa ra chính sách phù hợp, nhằm giảm thiểu RTN đại dương. Đồng thời, Tổng cục cũng thúc đẩy cam kết tự nguyện giữa các bên về giảm thiểu RTN, cụ thể là ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với IUCN giai đoạn 2020 - 2025, tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác: Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về bảo tồn rùa biển đến năm 2025; nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các KBT biển; hỗ trợ cải thiện khung pháp lý, thiết lập cơ sở khoa học cho Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản.

     Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng ven biển, đặc biệt là tại các vùng nuôi thủy sản tập trung; có biện pháp quản lý các nguồn xả thải như rác sinh hoạt, chất thải từ vùng nuôi, ao hồ nuôi thủy sản ven vịnh; xử lý nghiêm hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định… Cùng với đó, tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất khu vực nuôi tôm và khu vực sinh sống của một bộ phận dân cư, khu vực gắn liền với sinh kế của người dân; quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp hài hòa với giá trị hệ sinh thái tự nhiên.

     Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn: xây dựng mô hình điểm về thu gom lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; đẩy mạnh quan trắc môi trường ở những vùng nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng tần suất và mật độ lấy mẫu nước, thúc đẩy trao đổi thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường phục vụ cho công tác cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản; Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phối hợp quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi trồng thủy sản.

     Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình truyền thông về tác hại của sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường, sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý RTN ngành thủy sản; cách thức, ý nghĩa của việc thu gom, phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. thiết lập các khu bảo vệ hệ sinh thái đặc thù như cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản phát triển bền vững.

     Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT vùng ven biển; vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong khu vực vùng cấm, không đánh bắt những loài thuộc danh mục cấm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ngư dân có thành tích tốt và đóng góp sáng kiến giá trị; triển khai nhân rộng mô hình điểm trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, RTN ở khu vực ven biển, trên biển…

Châu Loan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn