Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường

14/12/2021

    Từ ngày 1/1/2022, Luật BVMT 2020 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với việc vai trò của cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật BVMT sẽ bước sang một giai đoạn mới. Việc phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng sẽ góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật BVMT, hướng tới sự phát triển bền vững đất nước.

Phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác BVMT

    Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư cũng lên tiếng phản đối, tạo sức ép, lên án các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), làm tổn hại đến tài nguyên nhiên nhiên của đất nước.

    Trước yêu cầu phát triển của thực tiễn, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT.

    Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy vai trò trong công tác BVMT, tại Điều 159 của Luật đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT và các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT”. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại. Chủ dự án phải có trách nhiệm trong việc tham vấn cộng đồng dân cư ngay từ khi lập báo cáo tác động môi trường.

Cộng đồng tham gia hoạt động BVMT

Xây dựng Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT

    Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 159 Luật BVMT năm 2020 về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp trong việc xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT, trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã xây dựng Dự thảo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT.

    Việc ban hành Quy chế nhằm thống nhất nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ÔNMT; Thực hiện phân loại cụ thể thông tin được phản ánh đến đường dây nóng để phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xác minh thông tin và xử lý vụ việc nhằm đảm bảo việc xác minh thông tin và xử lý vụ việc nhanh chóng, thống nhất và hiệu quả; Mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện và thống nhất các phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng về ÔNMT thông qua gọi điện, nhắn tin, gửi thông tin đến số điện thoại, thư điện tử đường dây nóng, qua Hệ thống thông tin (ứng dụng trên nền tảng web) hoặc ứng dụng trên thiết bị di động; Thống nhất giao cơ quan, chính quyền địa phương thực hiện công tác xác minh thông tin để đảm bảo yêu cầu về tiến độ và phù hợp với thực tiễn; Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc; Quy định cụ thể hơn về phản hồi và công khai thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng.

    Bản Dự thảo Quy chế gồm 16 Điều; trong đó, Chương I. Quy định chung gồm 8 Điều (Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; mục tiêu; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng; phân loại thông tin đường dây nóng; phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng; nội dung thông tin); Chương II. Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ÔNMT, gồm 4 Điều (Tiếp nhận thông tin; xác minh thông tin; xử lý vụ việc; phản hồi và công khai thông tin) và Chương III. Tổ chức thực hiện gồm 4 Điều (Tổ chức quản lý, vận hành đường dây nóng; trách nhiệm của Bộ TN&MT; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; Điều khoản thi hành). Dự thảo Quy chế được hoàn thiện theo hướng quy định rõ nội dung, cách thức, trình tự thực hiện và phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin đường dây nóng của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương, có tính đến phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và các địa phương; đảm bảo tính khả thi khi áp dụng và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thiết lập, vận hành đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh ÔNMT

    Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về ÔNMT, trong thời gian tới Tổng cục Môi trường sẽ triển khai một số nội dung:

    Trình Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, ký ban hành Quy chế đường dây nóng để triển khai áp dụng trên phạm vi cả nước; và tiếp tục giao Tổng cục Môi trường quản lý thống nhất đường dây nóng về ÔNMT cấp Trung ương và theo dõi, tổng hợp kết quả đường dây nóng về ÔNMT của các địa phương; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin đường dây nóng; xây dựng sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin đường dây nóng... nhằm nâng cao năng lực quản lý, xử lý thông tin đường dây nóng của các địa phương sau khi Quy chế được ban hành; 

    Bổ sung nhiệm vụ thường xuyên về tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT cho Tổng cục Môi trường (các Cục BVMT vùng) để tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị thông qua đường dây nóng thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ TN&MT hoặc hỗ trợ các địa phương để xử lý những vấn đề môi trường phức tạp, liên vùng, liên tỉnh được báo chí và dư luận quan tâm như: ÔNMT, cá chết trên các sông lớn, các lưu vực sông; đổ thải, chôn lấp chất thải gây ÔNMT nghiêm trọng...

    Hoàn thiện và hướng dẫn, tập huấn vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong đó ưu tiên cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT từ trung ương đến địa phương.

    Tuyên truyền về đường dây nóng về ÔNMT và kết quả tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

Nam Việt

Ý kiến của bạn