Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Nâng cao tính đồng bộ và phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam

06/12/2022

    Thị trường tài chính xanh (TCX) đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững. Nền tảng căn bản của thị trường TCX Việt Nam đã được thiết lập với những định hướng chính sách, khuôn khổ pháp lý phát triển các công cụ thị trường, dòng sản phẩm dịch vụ tài chính và tín dụng hướng tới các dự án xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững, BVMT. Thị trường TCX Việt Nam bao gồm các cấu phần thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh (CPX) và tín dụng xanh và đã đạt được một số kết quả nhất định; tuy nhiên, sự phát triển của các cấu phần thị trường TCX còn chưa đồng bộ và còn một số hạn chế, thách thức. Bài viết đánh giá thực trạng các thành phần của thị trường TCX tại Việt Nam, qua đó, đề xuất một số giải pháp để nâng cao tính đồng bộ và phát triển chiều sâu cho toàn thị trường.

Thực trạng phát triển thị trường TCX tại Việt Nam

    Sự ra đời của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra yêu cầu và cơ sở cho việc phát triển thị  trường TCX tại Việt Nam. Khung pháp lý căn bản hỗ trợ phát triển thị trường TCX gồm Luật BVMT, Luật Thuế BVMT, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh... Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Các quy định và chính sách trên góp phần tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc và định hướng chính sách cho sự phát triển của thị trường TCX tại Việt Nam trong thời gian qua.

    Trong những năm 2015 - 2022, thị trường TCX tại Việt Nam đã định  hình nền tảng và phát triển với ba cấu phần gồm thị trường tín dụng xanh, thị trường CPX và trái phiếu xanh. Tín dụng xanh tại Việt Nam được thực hiện qua các trụ cột: Thúc đẩy dư nợ tín dụng xanh (thể hiện trong các nội dung của Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng); Tăng cường quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng); Phát triển ngân hàng xanh (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam). Phát triển thị trường trái phiếu xanh được thể hiện lồng ghép trong lộ trình chung về phát triển thị trường trái phiếu và phải tuân thủ theo các quy định, điều kiện phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch theo quy định chung đối với trái   phiếu, và chưa có phân loại hoặc hướng dẫn đặc biệt đối với trái phiếu xanh. Việc thiết lập khung phát triển thị trường vốn xanh được thể hiện qua việc rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển xanh, gồm: (1) Nghiên cứu thiết lập khung tài chính xanh cho hoạt động trên thị trường vốn như các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí TCX); (2) Ban hành quy chế, hướng dẫn về công bố báo cáo quản trị rủi ro môi trường và xã hội (Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị (G)) đối với các doanh nghiệp niêm yết; (3) Cam kết thúc đẩy phát triển bền vững trên TTCK với vai trò là thành viên của Sáng kiến các Sở Giao dịch Chứng khoán phát triển bền vững (SSE) thuộc Liên hiệp quốc.

    Thị trường TCX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu vốn sang các lĩnh vực BVMT, dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Dư nợ tín dụng xanh  phân bổ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh và chủ yếu là tín dụng dài hạn. Cơ cấu tín dụng xanh đang có sự dịch chuyển từ lĩnh vực quản lý tài nguyên nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Về cơ cấu ngành được phân bổ tín dụng xanh, trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay, dư nợ cấp tín dụng xanh (tính đến cuối tháng 6/2022) tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng  tái tạo (chiếm 47%) và nông nghiệp xanh (32%), còn lại là lĩnh vực quản lý tài nguyên nước bền vững tại khu vực đô thị, lâm nghiệp bền vững và các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng nhỏ. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 từ ngành vận tải và năng lượng.

    Tuy nhiên, các cấu phần của thị trường TCX phát triển chưa đồng bộ về quy mô và tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thị trường tín dụng xanh tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành thị trường dẫn vốn chính cho các dự án đầu tư xanh trong giai đoạn vừa qua. Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đều qua các năm; tăng từ hơn 71,02 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 (chiếm 1,5% tổng dư nợ toàn hệ thống) lên mức hơn 440.000 tỉ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế) vào cuối năm 2021. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của mảng tín dụng xanh đang có dấu hiệu chậm lại, với dư nợ vào cuối tháng 6/2022 vào khoảng 470.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), và đối mặt với nhiều thách thức từ việc bảng cân đối tài sản của các ngân hàng chủ yếu được hình thành từ luồng vốn ngắn hạn nên thiếu vốn trung và dài hạn đầu tư cho các dự án xanh, các dòng tín dụng xanh phần lớn vẫn dựa trên các chương trình và dự án có tài trợ quốc tế. Ngược lại, thị trường vốn xanh của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tổng giá trị vốn nợ mảng xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong 3 năm liên tiếp (Số liệu của CBI và HSBC). Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup của Vinpearl chiếm phần lớn giá trị GSS của Việt Nam (425 triệu USD). Trái phiếu xanh được phát hành tại Việt Nam nhằm huy động vốn phục vụ cho các công trình  xanh như các dự án về thủy lợi, BVMT, điện gió… Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hỗ trợ các chủ thể phát hành sản phẩm trái phiếu xanh và thí điểm  triển khai tại một số địa phương có nhu cầu huy động vốn. Trong đó, TP. Hồ Chí   Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai địa phương đã triển khai đề án này. Trái phiếu được  phát hành dưới dạng trái phiếu chính quyền địa phương, kỳ hạn từ 3 - 5 năm.

Phát triển năng lượng tái tạo góp phần BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh

    Theo thống  kê sơ bộ, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho 34 dự án, trong đó lập danh mục 11 dự án xanh dựa trên “Danh mục dự án xanh” do NHNN ban hành; Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án. Đây đều là các dự án phục vụ phát triển bền vững tại địa phương. Đợt hai diễn ra vào năm 2017, huy động được 2.000 tỷ đồng cho 7 dự án xanh được chọn lọc. Năm 2021 - 2022, thị trường trái phiếu xanh có sự tham gia của các doanh nghiệp như BIM Land thuộc BIM Group đã huy động thành công trái phiếu xanh 200 triệu USD trên thị trường quốc tế năm 2021, hay Vingroup đã tiên phong phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu trị giá 425 triệu USD, hay gần đây nhất là EVN Finance, ngày 8/7/2022, đã phát hành 78 triệu USD trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm. Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VNSI và các chuẩn mực, quy định, hướng dẫn hoạt động công bố thông tin theo ESG khiến việc thực hiện các báo cáo phát triển bền vững độc lập, báo cáo công bố thông tin theo ESG trở nên phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều cố phiếu thành phần của VNSI như PNJ, FPT, MBB… thuộc nhóm khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của một số quỹ như VietNam Enterprise Invesstment Limited (VEIL) - Quỹ đầu tư lớn nhất do Dragon Capital quản lý, Vietnam Opportunity Fund (VOF)… Tuy nhiên, đầu tư ngắn hạn, chưa xem xét đến trách nhiệm của doanh nghiệp (Đầu tư có trách nhiệm, PRI) với ESG vẫn phổ biến trên thị trường.

    Động lực tăng trưởng của thị trường TCX tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường. Tại các quốc gia có thị trường tài chính phát triển như Mỹ, các quốc gia EU, động lực tăng trưởng TCX, bao gồm cả tín dụng xanh, trái phiếu xanh chủ yếu đến từ nhu cầu đầu tư của thị trường, những người ra quyết định  đầu tư có nhận thức về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các luồng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh phát triển ngày càng gia tăng và đòi hỏi doanh nghiệp phải tự chứng minh năng lực sản xuất, kinh doanh xanh, thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ngược lại, tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng xanh giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ tác động chính sách, yêu cầu từ phía NHNN đối với các TCTD trong hệ thống. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dư nợ TCX tại Việt Nam phần nhiều là do sự hấp dẫn của các ưu đãi đối với tín dụng xanh và yêu cầu chính sách đòi hỏi các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh nhiều hơn.

Một số khuyến nghị nâng cao tính đồng bộ và phát triển chiều sâu thị trường TCX

    Thứ nhất, xác định vai trò, chức năng của mỗi cấu phần thị trường TCX. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường TCX, do đó, cần hoàn thiện thể chế về tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng xanh của các NHTM với mức độ ưu tiên cao. Trong đó, nội dung chủ yếu gồm rà  soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tài chính và tín dụng phù hợp với những mục tiêu về giảm phát thải, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Để chương trình tín dụng xanh, ngân hàng xanh bền vững, các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam cần được đa dạng hóa. Theo đó, NHNN có thể xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh,  tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ như công cụ dự trữ bắt buộc, công cụ tái cấp vốn và một số công cụ khác như hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này cần được NHNN cân nhắc thận trọng, linh hoạt theo hướng vừa đảm bảo được nguồn vốn cho tín dụng xanh vừa đảm bảo ổn định mục tiêu lạm phát trong điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN cần có chính sách hỗ trợ cho các TCTD đang cung cấp tín dụng xanh được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, các hình thức khuyến khích tín dụng xanh cần đa dạng hóa, không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay...). Các dự án bền vững thường có nhu cầu vốn cao và cũng chịu các rủi ro về chi phí vốn. Do đó, để tạo cơ chế khuyến khích, Chính phủ có thể hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các dự án bền vững (như Nhật Bản, Canađa, Luxembourg đang thực hiện). Chính phủ cũng có thể nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống các chính sách hiện hành để đảm bảo tập trung, tránh dàn trải.

    Đối với vai trò của thị trường vốn xanh, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong thành lập hệ thống TCX. Vào năm 2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng với 6 cơ quan Chính phủ khác đã đưa ra Hướng dẫn thành lập Hệ thống TCX, rà soát lại vai trò của thị trường chứng khoán đối với hỗ trợ đầu tư xanh và đưa ra khuyến nghị về cải thiện các quy định pháp lý đối với trái phiếu xanh, giảm các chi phí tài chính của trái phiếu xanh, thiết lập các tiêu chuẩn đối với các bên thứ ba liên quan tới phát hành trái phiếu xanh (xếp hạng tín nhiệm trái phiếu xanh), hỗ trợ phát triển chỉ số trái phiếu xanh, chỉ số  vốn xanh và các sản phẩm tài chính liên quan khác, khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức (các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm) thực hiện đầu tư xanh.

    Đối với việc phát triển kênh trái phiếu xanh: Rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng; Phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; Tăng cường hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu  doanh nghiệp xanh; Thúc đẩy đầu tư, giao dịch trái phiếu xanh dựa trên phát triển cơ sở nhà đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài; Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.

    Đối với việc phát triển kênh CPX: (i) Ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh); (ii) Xây dựng thêm các bộ chỉ số xanh đối với nhóm các công ty cốn hóa trung bình, nhỏ hơn, nhằm mục tiêu tạo ra công cụ tham khảo, hoặc để làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm ETF và phái sinh chỉ số, giúp nhà đầu tư xác định cơ hội đầu tư có khả năng đem lại giá trị dài hạn; (iii) Hỗ trợ và đào tạo các công ty niêm yết và công ty đại chúng về công bố các thông tin liên quan đến phát triển bền vững nhằm đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động phát triển  bền vững. Bên cạnh đó, cần xây dựng năng lực cho các thành viên thị trường, trong đó quan trọng là các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể cung cấp dịch vụ đánh giá độc  lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ vốn nợ xanh. Để  chỉ số chứng khoán xanh phát huy hiệu quả, trở thành chỉ số tin cậy cho nhà đầu tư, việc minh bạch thông tin liên quan tới hoạt động đầu tư xanh của các doanh nghiệp là điều cần thiết, then chốt. Do đó, cần chú trọng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và công bố Báo cáo bền vững đánh giá và công bố thông tin thực hiện ESG của doanh nghiệp.

    Thứ hai, thúc đẩy cung và cầu thị trường đối với TCX. Để có thể nhận được sự hưởng ứng và tham gia của công chúng đầu tư và thành viên thị trường, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, triển khai các chương trình hội nghị, đào tạo, phổ biến các kiến thức về chủ trương, chính sách, trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm TCX tới công chúng đầu tư... Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần được triển khai đồng bộ với sự phối kết hợp của các Bộ, ngành, nhằm mục đích lan tỏa nhận thức đến toàn cộng đồng trong ý thức về BVMT và xã hội. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Canađa, Luxembourg cho thấy, việc tạo ra được sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển TCX rất quan trọng. Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng đầu tư sẽ tạo một nền tảng bền vững cho phát triển các công cụ TCX.

    Thứ ba, đẩy nhanh việc ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn chung về “xanh” áp dụng cho các dự án, chương trình đầu tư xanh. Cần phối hợp với các đối tác quốc tế đã có bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển sản phẩm, xây dựng tiêu chí, khung báo cáo... để nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ tổ chức này trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí xanh trong cung cấp vốn, tín dụng. Kinh nghiệm của Pháp cho thấy, để có thị trường trái phiếu xanh phát triển, cần sự tham gia của các đối tác được công nhận đủ năng lực và chuyên môn để đánh giá và phân tích về ESG, đảm bảo tính phù hợp, giám sát sự tuân thủ cam kết của tổ chức phát hành trong khuôn khổ pháp luật   hiện hành.

    Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường TCX. Từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư với sức cầu ổn định, chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội là một trong những biện pháp quan trọng góp phần vào sự thành công của thị trường vốn xanh. Vì vậy, cần tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và sự tiện lợi trong hoạt động giao dịch cho nhà đầu tư, hiện đại hóa hơn nữa hệ thống giao dịch hỗ trợ nhiều phương thức và hình thức giao dịch, hiện đại hóa cơ chế giao dịch và từng bước triển khai áp dụng các kỹ thuật hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cũng cần phát triển hơn nữa sự hình thành và tham gia của các quỹ đầu tư tập thể thông qua việc xây dựng cơ chế thuế nhằm khuyến khích các hình thức đầu tư tập thể, khuyến khích việc tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua quỹ đầu tư, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Green Bonds make more cent? International Experiences and Policy Implications For Vietnam - The Government of the Grand Duchy of Luxembourg & GGGI.

  2. Trần Đăng Khâm và nhóm nghiên cứu (2022), Phát triển thị trường vốn xanh tại Việt  Nam. Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 1/2022.

  3. Trần Thị Thanh Tú (2020), Hệ thống TCX: Yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế xanh, Tạp chí Khoa học - Công nghệ Việt Nam.

  4. Nguyễn Hoàng Dương và ThS. Phạm Thị Thanh Tâm (2018), Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đến năm 2030/Mã số: 2018 - 53.

  5. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh,  trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”.

  6. Võ Thị Mỹ Hương (2022), Thực thi trách nhiệm thúc đẩy phát triển tín dụng xanh của    NHNN. Tạp chí Ngân hàng, số 16/2022.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

 

Ý kiến của bạn