Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Một số giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam

02/06/2022

    Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Chỉ thị được ban hành có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, phát triển các loài chim hoang dã, di cư và khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm cao đối với việc thực thi các cam kết quốc tế đã tham gia.

Các vùng chim hoang dã, di cư tạo nên giá trị thiên nhiên quan trọng

    Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng của Việt Nam góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp.

    Các loài chim giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng của hệ sinh thái, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nền kinh tế và sản xuất lương thực. Chúng diệt trừ các loài sâu hại bằng việc tiêu thụ 400-500 triệu tấn côn trùng mỗi năm, giúp thụ phấn cho các loài thực vật và với gần 5% các loài này được con người sử dụng làm thực phẩm và thuốc, góp phần quan trọng tạo nên hệ thực vật trên trái đất từ việc phát tán hạt cây, duy trì sự cân bằng và kết nối các hệ sinh thái trên cạn và ngập nước. Các điểm dừng chân của chim hoang dã, di cư có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và là chỉ thị quan trọng để đánh giá sức khỏe của hệ sinh thái, sự thay đổi về môi trường và khí hậu.

    Tại Việt Nam đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. Theo điều tra của các nhà khoa học, Việt Nam là điểm dừng chân của hơn 301 loài chim di cư và cũng là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trong Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á. Đường bay này trải dài qua 22 quốc gia và là tuyến di cư của hàng chục triệu cá thể của hơn 150 loài chim nước, trong đó bao gồm các loài sắp bị đe dọa lớn nhất so với các đường bay khác (hơn 80 loài), điển hình là những loài sếu đầu đỏ, cò thìa, rẽ mỏ thìa... là những loài nguy cấp, nằm trong chương trình bảo vệ của khu vực và danh sách các loài ưu tiên bảo vệ của nước ta.

    Việt Nam đã sớm tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD) và các điều ước quốc tế khác nhằm bảo vệ các thành phần của đa dạng sinh học như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), Công ước quốc tế về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng, đặc biệt với các loài chim nước (Công ước Ramsar) và thỏa thuận về Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP).

    Những năm gần đây, hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đã được quan tâm hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngăn chặn, xử lý diễn biến phức tạp của tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã như việc ban hành các Luật: Đa dạng sinh học, Lâm nghiệp, Thủy sản cũng như các văn bản hướng dẫn luật. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo như Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

    Tuy vậy, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh. Ngoài ra, hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên là nguyên nhân làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, dẫn tới việc một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.

Mòng biển đuôi đen (trên) và đàn Nhạn biển Caspi trong hành trình dài từ phương Bắc về phương Nam, từ cuối tháng 9, bắt đầu xuất hiện trên vùng bờ biển Cần Giờ

Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư

    Để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, tại Chỉ thị số 04/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và các địa phương thực hiện các biện pháp:

Thiết lập hệ thống giám sát đường bay quan trọng của loài chim di cư

    Bộ TN&MT rà soát, đề xuất hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng. Đồng thời, phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới, các vùng chim di cư quan trọng và điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của các loài chim di cư; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.

Xử lý nghiêm hành vi săn, bắt, kinh doanh chim hoang dã

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Tăng cường phối hợp với Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng của Việt Nam; rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm săn, bắn, bẫy các loài chim hoang dã, di cư; tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

    Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường điều tra, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt triệt phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã, di cư xuyên quốc gia.

    Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chỉ đạo, triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý các hình thức quảng cáo, kinh doanh trực tuyến trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các công cụ bẫy, bắt chim (lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn…).

    Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư.

    Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan (đặc biệt là lực lượng hải quan cửa khẩu) chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã, di cư xuyên biên giới.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật bảo vệ động vật hoang dã

    Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; tuyên truyền để người dân không tham gia các hoạt động săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các sản phẩm của chúng; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư (lưới, súng săn, súng tự chế...).

    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện trên địa bàn các quy định pháp luật có liên quan; tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng đất ngập nước, các vườn chim, sân chim và các vùng chim quan trọng trên địa bàn; tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm. Chỉ đạo các cấp chính quyền tại địa phương, cơ quan thực thi pháp luật tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư…

    Tóm lại, Chỉ thị đã yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ, tập trung vào các giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và sinh cảnh của chúng góp phần BVMT và phát triển bền vững.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Ý kiến của bạn