Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Lấy ý kiến góp ý xây dựng Hướng dẫn bao bì nhựa tại Việt Nam

18/06/2024

    Ngày 18/6/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo kỹ thuật xây dựng Hướng dẫn bao bì nhựa. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Dự án TA-6669 REG “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở châu Á và Thái Bình Dương - Tiểu Dự án 2: Ưu tiên và thực hiện các hành động nhằm giảm ô nhiễm nhựa biển” do ADB phối hợp với Cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT thực hiện.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông James Baker, chuyên gia cao cấp về kinh tế tuần hoàn, Ngân hàng ADB cho biết, thời gian qua, các hoạt động của ADB tại Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột chính: (1) Xây dựng kế hoạch hành động về rác thải nhựa (RTN) cho các đô thị; chuyển giao công nghệ, kiến thức tuần hoàn RTN cho cán bộ quản lý và người dân về RTN; (2) Công nghệ số - Trụ cột rất quan trọng trong Dự án TA-6669 REG; (3) Bao bì nhựa - một trong những nguyên nhân chính gây ra phát thải RTN với khối lượng rất lớn. Do đó, các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cần phải chú trọng vào các giải pháp nhằm hạn chế, tiến đến chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đây cũng chính là mục đích của Hội thảo Kỹ thuật về xây dựng Hướng dẫn bao bì nhựa nhằm cung cấp các hướng dẫn về thực hành thiết kế áp dụng cho bao bì nhựa để hỗ trợ xây dựng các chính sách thúc đẩy tuần hoàn nhựa cho Việt Nam trong tương lai.

Toàn cảnh Hội thảo

    Hội thảo là một phần của kế hoạch làm việc năm 2023 - 2024 đã được Bộ TN&MT phê duyệt theo Quyết định số 2801/QĐ-BTNMT ngày 27/9/2023, nhằm giới thiệu mục tiêu, phương pháp, đề cương, nội dung của Dự thảo Hướng dẫn bao bì nhựa và các bước tiếp theo để hoàn thiện vấn đề này; tiếp nhận phản hồi, hướng dẫn từ các bên liên quan trong việc soạn thảo Hướng dẫn bao bì nhựa. Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung bàn thảo về (1) Trách nhiệm của nhà sản xuất: Thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên (tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên liệu nhựa, tài nguyên hóa chất và năng lượng); giảm thiểu tác động đến môi trường (thực hiện các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất trong quá trình sản xuất); thiết kế bao bì có thể dễ dàng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng hoặc làm phân bón); đầu tư vào quản lý chất thải có trách nhiệm (hỗ trợ chi phí thu gom, phân loại và xử lý RTN phát sinh từ sản phẩm nhựa của mình); phát triển các giải pháp bền vững (nghiên cứu và đẩu tư vào các sản phẩm bao bì ít gây ô nhiễm môi trường); giáo dục và trao quyền cho người tiêu dùng (cung cấp nhãn mác và thông tin rõ ràng để hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng, thải bỏ nhựa đúng cách). (2) Làm thế nào để thu hồi, tái chế RTN hiệu quả, trong đó tập trong vào vai trò của các bên liên quan, hợp tác giữa các bên trong khu vực công và tư nhân; chính sách, quy định, thực thi; hệ thống thu gom RTN hiệu quả; cơ sở hạ tầng và công nghệ để thu hồi, tái chế RTN. (3) Các hoạt động triển khai trong 2 tháng tới (tham vấn các bên liên quan của Việt Nam từ nhiều lĩnh vực khác nhau; soạn thảo Hướng dẫn tuần hoàn bao bì nhựa)...

    Theo đó, số liệu thống kê từ Bộ TN&MT cho thấy, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ ô nhiễm nhựa đại dương cao thứ 4 trên thế giới, riêng năm 2021 có khoảng 420.000 tấn RTN bị rò rỉ ra môi trường (1.150 tấn/ngày). Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế RTN còn nhiều hạn chế khi có đến 90% RTN được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Khoảng 2,62 triệu tấn nhựa được xử lý mỗi năm nhưng không được tái chế, dẫn đến thất thoát 75% giá trị vật chất của nhựa, tương đương từ 2 tỷ - 3 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn nguyên liệu nhựa, hóa chất màu... để sản xuất sản phẩm nhựa; chưa có lộ trình hay chế tài cụ thể cho mục tiêu giảm sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần; việc thiết kế bao bì nhựa hiện nay chưa tuân thủ các nguyên tắc chính của hệ thống phân cấp quản lý chất thải bền vững: Ghi nhãn không rõ ràng về khả năng tái chế; sử dụng nhiều loại polyme và vật liệu khác nhau trên một sản phẩm; sử dụng chất phụ gia và chất kết dính; thiếu sự tham gia của vật liệu tái chế; sử dụng vật liệu không tương thích với quy trình tái chế... Vì vậy, việc xây dựng Hướng dẫn bao bì nhựa sẽ sựa trên cơ sở các sáng kiến/giải pháp kỹ thuật hiện có ở Việt Nam và các hoạt động nghiên cứu không trùng lặp với các dự án khác; tư vấn ý kiến của các bên liên quan từ nhiều góc nhìn khác nhau để kết nối các bên trong toàn bộ hệ thống, đồng thời xác định được giải pháp phù hợp trong bối cảnh cụ thể... Hướng dẫn này sẽ đóng vai trò là hướng dẫn kỹ thuật và khuyến nghị về thực hành thiết kế áp dụng cho bao bì nhựa, hỗ trợ xây dựng chính sách thúc đẩy tuần hoàn nhựa ở Việt Nam.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn