Banner trang chủ

Kinh nghiệm quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

15/12/2021

    Ngày 15/12/2021, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức  JICA Việt Nam tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm trong quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn - KTTH nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và Nhật bản về thực hiện và ứng dụng KTTH trong quản lý chất thải rắn đô thị và phục hồi tài nguyên. Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE và ông Naomichi Murooka Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cùng các chuyên gia môi trường đến từ các cơ quan, trường đại học của Nhật Bản, bao gồm: Bộ Môi Trường; Bộ Kinh tế, Thương Mai và Công nghiệp; Hiệp hội Thiết bị gia dụng điện tử; Đại học Saitama…

PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE  cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao về việc xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật  BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, trong đó có nội dung quy định tiêu chí lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH, cùng với đó là Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH. Để hoàn thiện các chính sách của Việt Nam, thúc đẩy quản lý chất thải rắn hiệu quả theo mô hình KTTH, Hội thảo lần này sẽ góp phần mang đến nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm quý về quản lý chất thải rắn, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

    Theo Báo cáo “Tổng quan nội dung KTTH theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT” của Việt Nam do TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế TN&MT (ISPONRE) trình bày tại Hội thảo cho thấy, chất thải rắn đô thị của Việt Nam năm 2018 phát sinh ước khoảng 28 triệu tấn và dự báo đạt 54 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 73%), trong đó, thành phần chất thải chính là các nguyên liệu hữu cơ (chất thải thực phẩm, quần áo, giấy, bìa…) và chất thải vô cơ (nhựa, cao su, kim loại). Phần lớn chất thải của Việt Nam đang xử lý bằng hình thức chôn lấp (số liệu của WB năm 2018).

    Để giải quyết bài toán xử lý rác thải hiệu quả, Việt Nam đã ban hành các chính sách về phát triển KTTH  nhằm giải quyết bài toán xử lý rác thải. Theo đó, tại Điều 142, Luật BVMT năm 2020 đã quy định về KTTH và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật cũng quy định cụ thể về lộ trình, tiêu chí, chính sách ưu đãi thực hiện KTTH.

    Ngoài ra, Báo cáo cũng đề xuất các nhiệm vụ trong thời gian tới trong thực hiện KTTH: Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; phát các chỉ tiêu, tiêu chí KTTH theo các cấp độ (vĩ mô), trung gian (Meso), cơ sở  sản xuất kinh doanh (vi mô), sản phẩm (nano); tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn; phát triển nền tảng chia sẻ kiến thức, thông tin, dữ liệu và chính sách; thử nghiệm áp dụng KTTH  vào các lĩnh vực ưu tiên….

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

    Nhằm chia sẻ về các kinh nghiệm thực hiện KTTH, tại Hội thảo, các chuyên gia môi trường Nhật Bản đã trình bày các báo cáo như: Tổng quan “Luật Cơ bản để thành lập xã hội tuần hoàn dựa vào tái chế”; Tổng quan “Tầm nhìn KTTH” năm 1999 và 2020 tại Nhật Bản; Giới thiệu một ví dụ về KTTH: Tái chế Đồ gia dụng đã qua sử dụng theo Luật Tái chế Đồ gia dụng Nhật Bản… Nội dung các Báo cáo đã góp phần giúp Việt Nam có những đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về cơ hội trong việc mở rộng thực hiện KTTH trong nhiều lĩnh vực, từng bước chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến “sản xuất - sử dụng - thải bỏ” sang một nền KTTH, hướng tới phát triển bền vững.

Châu Loan

Ý kiến của bạn