Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại Việt Nam

31/12/2024

    Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế - xã hội đã làm gia tăng đáng kể lượng phát thải khí nhà kính (KNK) quốc gia. Trong giai đoạn 2000 - 2014, lượng phát thải KNK của Việt Nam tăng từ 150,90 triệu tấn CO2tđ lên 283,97 triệu tấn CO2tđ (tăng 1,88 lần). Dự đoán lượng phát thải KNK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng gấp ba lần vào năm 2030 so với năm 2010.

    Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cùng với hơn 100 quốc gia tham gia, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030. Nỗ lực thực hiện các cam kết, Việt Nam đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 trên cơ sở NDC 2020. Những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thích ứng với BĐKH.

    Nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai các chính sách về BĐKH, Cục BĐKH, BộTN&MT chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) thực hiện Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC)” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ.  Dự án được triển khai trong 3 năm, từ năm 2022 đến hết năm 2024 với mục tiêu tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách về giảm nhẹ phát thải KNK cho các Bộ, ngành tham gia thực hiện NDC; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện NDC. Trong đó, một hoạt động trọng tâm và cuối cùng của dự án là xây dựng hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính trực tuyến cấp cơ sở, dành cho các cơ sở trong danh mục bắt buộc kiểm kê báo cáo kiểm kê khí nhà kính hằng năm, được quản lý và sử dụng bởi các Bộ, ban ngành.

    Trong thời đại số, hệ thống hướng đến mục tiêu kết nối các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê KNK với Cơ quan quản lý một cách nhanh chóng, giảm thời gian đi lại, sắp xếp dữ liệu, báo cáo một cách khoa học, tăng tính liên kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý. Trong các năm qua, chuyên gia của Dự án SPI-NDC đã thiết kế Hệ thống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến và đưa vào vận hành thử nghiệm đối với những lĩnh vực đầu tiên từ giữa năm 2022. Đây là một công cụ quan trọng hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện kiểm kê KNK và báo cáo kết quả một cách chính xác, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.  Hệ thống được thiết kế để đơn giản hóa việc nộp, tính toán và phê duyệt các báo cáo kiểm kê KNK hàng năm từ các cơ sở thuộc các lĩnh vực như quản lý chất thải, công nghiệp, thương mại và xây dựng. 

    Các tính năng chính của Hệ thống, bao gồm:  (1) Cung cấp thông tin pháp lý và hướng dẫn: Người dùng, bao gồm cả khách truy cập tạm thời, có thể xem thông tin về các yêu cầu pháp lý, hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ kỹ thuật;  (2) Quản lý tài khoản và nhập liệu: Các cơ sở có thể quản lý tài khoản, nhập dữ liệu và sử dụng các công cụ tính toán tích hợp, được tùy chỉnh cho các tiểu ngành cụ thể như dệt may, hóa chất, năng lượng và sản xuất xi măng; (3) Quản lý cấp tỉnh: Các cơ quan quản lý địa phương, như Sở TN&MT, Sở Công Thương và Sở Xây dựng, giám sát các cơ sở, quản lý tài khoản, xem xét báo cáo, và thực hiện phê duyệt hoặc yêu cầu chỉnh sửa; (4) Hỗ trợ tính toán phát thải: Hệ thống hỗ trợ tính toán phát thải cho sáu hoạt động quản lý chất thải, sáu tiểu ngành công nghiệp, và hai tiểu ngành xây dựng thử nghiệm; (5)  Quy trình báo cáo và phê duyệt: Sau khi hoàn thành việc tính toán, các cơ sở có thể xuất và hoàn thiện báo cáo trước khi nộp cho các cơ quan quản lý địa phương để phê duyệt. Các tính năng báo cáo và phê duyệt giúp đảm bảo thu thập dữ liệu toàn diện và tuân thủ các quy định về KNK.

    Nhằm nâng cao năng lực kiểm kê và báo cáo KNK cho khối các doanh nghiệp tư nhân, các chương trình, hội thảo tập huấn thí điểm sử dụng cũng đã được triển khai trong khuôn khổ của Dự án SPI-NDC. Tháng 12 vừa qua, Hội thảo Giới thiệu và tập huấn sử dụng Hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở trực tuyến cho lĩnh vực sản xuất xi măng và sắt thép đã được tổ chức vào ngày 11 tháng 12 năm 2024 vừa qua. Đây được coi là hội thảo cuối cùng trong khuôn khổ dự án SPI – NDC trước khi chuyển sang một giai đoạn mới.

Các chuyên gia Dự án SPI-NDC hướng dẫn các doanh nghiệp thực hành Hệ thống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến

    Ngành sắt thép và ngành xi măng là hai ngành quan trọng trong nền công nghiệp Việt Nam. Theo Báo cáo của Bộ Công thương, ngành công nghiệp sản xuất sắt thép nằm trong nhóm năm ngành sử dụng năng lượng nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thép quan trọng, đặc biệt là về sản lượng thép thô. Ngành công nghiệp thép tại Việt Nam dự kiến phát thải khoảng 38-40 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trên thế giới, ngành sản xuất thép hiện chiếm từ 7 - 9% lượng khí thải toàn cầu, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam là 17%. Phát thải toàn ngành năm 2025 dự kiến khoảng 122,5 triệu tấn, năm 2030 khoảng 132,9 triệu tấn CO2, chiếm 17% tổng phát thải quốc gia. Trong khi đó, ngành xi măng Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp nặng quan trọng, đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của quốc gia. Trong năm 2023, sản lượng xuất khẩu xi măng tại Việt Nam đạt 19,56 triệu tấn, tổng tiêu thụ xi măng trong nước đạt 57,5 triệu tấn. Tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp xi măng ước tính chiếm khoảng 2% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu, hoặc gần 5% tổng lượng năng lượng của ngành công nghiệp. Theo báo cáo của Hội Xây dựng Việt Nam vào tháng 2/2021, sản xuất xi măng phát thải 47,64 MtCO2 (năm 2014) và 91,93 MtCO2 (năm 2022).

    Hiện nay, ngành thép có 156 doanh nghiệp, ngành xi măng có 117 doanh nghiệp trong tổng số 2166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK. Hội thảo Giới thiệu và tập huấn sử dụng Hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở trực tuyến cho lĩnh vực sản xuất xi măng và sắt thép được triển khai vừa qua tại Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 100 đại biểu từ các công ty, doanh nghiệp hai lĩnh vực sắt thép và xi măng, hơn 250 đại biểu trực tuyến cả nước. Tại buổi tập huấn, các đại biểu đánh giá cao hệ thống này vì tính hữu ích và giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng, sẽ góp phần vào việc tăng cường năng lực và sự sẵn sàng cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất sắt thép nhằm thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến phát thải KNK theo quy định của pháp luật và chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm phát thải nhằm thực hiện được những mục tiêu của doanh nghiệp, ngành và quốc gia.

    Ngoài hệ thống kiểm kê cho lĩnh vực xi măng và sắt thép, dự án cũng đã và đang hoàn thiện các hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến cho các lĩnh vực khác nhau trong các ngành dưới sự quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các hệ thống này được thiết kế để đơn giản hóa quá trình báo cáo cho các doanh nghiệp trong khi vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn được thiết lập bởi các Thông tư và hướng dẫn của IPCC. Hệ thống KNK được thiết kế để linh hoạt và thích ứng, có thể phát triển theo các hướng dẫn mới, phản hồi và cập nhật đặc thù ngành. Tuy nhiên, để tăng tính áp dụng thực tế và phổ biến cho người dùng, cần tiếp tục đào tạo và nâng cao năng lực sẽ để đảm bảo rằng nhân viên tại cơ sở có thể điều hướng hệ thống trực tuyến hiệu quả, nhập dữ liệu chính xác và tạo ra các báo cáo KNK đáng tin cậy. Hệ thống cũng cần trải qua kiểm tra và phê duyệt chính thức từ các cơ quan chức năng liên quan để được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống báo cáo KNK cấp cơ sở bắt buộc của Việt Nam.

    Hệ thống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến có giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng, sẽ góp phần vào việc tăng cường năng lực và sự sẵn sàng cho các doanh nghiệp, nhằm thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến phát thải KNK theo quy định của pháp luật. Việc chuẩn hóa quy trình báo cáo giúp cung cấp một nền tảng minh bạch và thân thiện với người dùng, hỗ trợ các cơ sở và cơ quan quản lý địa phương trong việc thực hiện nghĩa vụ môi trường. Hệ thống này không chỉ cho phép theo dõi phát thải chính xác mà còn thúc đẩy trách nhiệm giữa các bên liên quan và phù hợp với các mục tiêu giảm nhẹ BĐKH toàn cầu. Mục tiêu Hệ thống là tăng cường năng lực giám sát và giảm phát thải KNK của Việt Nam, đóng góp vào các nỗ lực quốc gia và quốc tế trong việc chống BĐKH.

Châu Loan

 

Ý kiến của bạn