Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 21/02/2025

Đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa ven biển Việt Nam

18/02/2025

    Từ ngày 17 - 18/2/2025, tại Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Đại học Heriot-Watt (Vương Quốc Anh) cùng các đối tác ở Việt Nam tổ chức sự kiện “3SIP2C: Hành trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa ven biển Việ̣t Nam”.

GS.TS Lưu Ngọc Hoạt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu chào mừng

    Phát biểu chào mừng, GS.TS Lưu Ngọc Hoạt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, với đường bờ biển dài 3.260 km trải qua 28 tỉnh thành, vùng ven biển Việt Nam đóng vai trò sống còn trong phát triển kinh tế và sinh kế cộng đồng. Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa đã và đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững kinh tế quốc gia. Nhận thức rõ được sự cấp thiết của vấn đề này, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

    Khẳng định việc giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, GS.TS Lưu Ngọc Hoạt nhấn mạnh, Trường Đại học Phenikaa, với vai trò là đơn vị đồng chủ trì dự án 3SIP2C, rất vinh dự được đồng hành cùng các đối tác trong nước và quốc tế để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Với tầm nhìn trở thành một trường đại học thông minh, định hướng phát triển bền vững, Phenikaa luôn cam kết đóng góp vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Fergus McBean, Bí thư thứ nhất phụ trách vấn đề Khí hậu và thiên nhiên của Đại sứ quán Anh, phát biểu tại sự kiện

    Phát biểu tại sự kiện, ông Fergus McBean - Bí thư thứ nhất về Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh cho rằng, với hơn 8.000 tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi ngày, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới có ô nhiễm nhựa. Khoảng 75% chất thải rắn trong nước bao gồm nhựa, được quản lý sai cách hoặc xử lý không đúng cách, với chưa đến 30% rác thải nhựa được tái chế. Do đó, ông Fergus McBean kỳ vọng kết quả nghiên cứu của Dự án sẽ tiếp tục được ứng dụng để mở đường cho các giải pháp giảm nhựa khu vực ven biển trong thời gian tới.

    Chia sẻ về kết quả nghiên cứu chính của Dự án, GS. Thomas Wagner - Đại học Heriot-Watt, Vương Quốc Anh cho biết, rác thải nhựa gây ra những thiệt hại đáng kể về kinh tế cho nghề khai thác và du lịch ven bờ và ít ảnh hưởng đến các hộ nuôi trồng thủy sản. Nhận thức về vi nhựa và tác động của vi nhựa còn thấp trong phần lớn bộ phận ngư dân, người nuôi trồng thủy sản và khách du lịch. Tuy nhiên, ngư dân và nông dân sẵn sàng tham gia các nỗ lực của cộng đồng để thu gom và tái chế chất thải nhựa, nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp khích lệ tham gia của cả cộng đồng để giảm thiểu ô nhiễm ở các khu vực ven biển Việt Nam. Về tác động của rác thải nhựa đối với sinh vật thủy sinh, tìm thấy vi nhựa PP và PLA trong mang và ruột của hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) và trai nước ngọt (Hyriopsis cumingii). Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, tổn thương DNA và hình thành các vi nhân ở động vật hai mảnh vỏ khi phơi nhiễm đồng thời với vi nhựa và các chất kháng sinh có hàm lượng tương đương với nồng độ thực tế trong môi trường. Trong đó, về mô hình vận chuyển nhựa, gió mùa và bão ảnh hưởng đáng kể đến sự phân bố và đường đi của rác nhựa nổi.

GS. Thomas Wagner - Đại học Heriot-Watt, Vương Quốc Anh chia sẻ về kết quả nghiên cứu chính của Dự án

    Cụ thể, vào mùa khô (gió Đông Bắc), 76,1% rác thải nhựa lớn được vận chuyển về phía Nam; 23% tích tụ ở gần bờ biển thuộc đồng bằng sông Hồng, trong đó khoảng 7,04% tích tụ trong phạm vi 25 km về phía bắc và 15,96% trong phạm vi 75 km về phía Nam của cửa sông Ba Lạt; Vào mùa mưa (gió Tây Nam): 42% rác nhựa được đưa ra vùng ngoài khơi vịnh Bắc bộ. Các mô hình vận chuyển dọc bờ biển về phía bắc (24,8%) và phía Nam (11,7%) thay đổi nhiều do thường xuyên bị bão làm thay đổi và phá vỡ; Hình thành các quỹ đạo vận chuyển nhựa riêng biệt trước và sau bão. Đối với phân bổ vi nhựa, nồng độ vi nhựa cao hơn trong các mẫu phân tích thu vào mùa khô (3,2 mg/m³) so với mùa mưa (2,3 mg/m³), chủ yếu là vi nhựa dạng sợi; Các điểm tích tụ nhiều rác thải nhựa (điểm nóng) bao gồm đảo Cát Bà (ngoài biển khơi) và vịnh Cát Bà. Trên sông Hồng, nồng độ giảm dần về phía thượng nguồn, hạ nguồn và các khu vực cửa sông; Nồng độ của vi nhựa gần cửa sông bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Về các loại polymer và chất gây ô nhiễm, các polymer tìm thấy trong mẫu thu hiện trường chủ yếu bao gồm PET và ni lông, với vật liệu sơn phổ biến ở khu vực cửa sông và nuôi trồng thủy sản; Quan sát thấy sự tích tụ đáng kể của POPs (PAHs và PCBs) và kim loại vết (As, Cd, Pb, Ni, Cr) trên vi nhựa, đặc biệt là gần cửa sông và vào mùa mưa; Phát hiện các gen kháng kim loại (MRGs), gen kháng kháng sinh (ARGs) và vi khuẩn kháng kháng sinh (ARB) trong các màng sinh học trên bề mặt vi nhựa.

TS. Ngô Thị Thúy Hường, Giám đốc Dự án 3SIP2C đưa ra một số khuyến nghị nhằm giải thiểu rác thải nhựa và vi nhựa

    Trên cơ sở kết quả của Dự án, TS. Ngô Thị Thúy Hường, Giám đốc Dự án 3SIP2C đã chỉ rõ các thách thức của Dự án. Theo đó, ở cấp quốc gia, hiện chưa có đầy đủ tiêu chuẩn công nghệ tái chế và quy định về sản phẩm nhựa tái chế, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng trong việc thực thi trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu về tái chế và quản lý chất thải nhựa. Ngoài ra, vẫn còn những hạn chế trong việc tiếp cận các ưu đãi cho thực hành bền vững, sản xuất và sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa và thiếu các chính sách thúc đẩy thị trường cho sản phẩm tái chế, đặc biệt là sản phẩm nhựa. Ở cấp tỉnh/thành phố, cơ sở hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa đầy đủ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn như chưa có hệ thống phân loại, thu gom rác. Cùng với đó, việc sử dụng nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến do rào cản về chi phí và sự thuận tiện của các giải pháp thay thế nhựa. Thực thi chính sách chưa cao và áp dụng hình phạt chưa nhất quán giữa các địa phương và giữa các lĩnh vực. Từ những kết quả ở phần trên, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm giải thiểu rác thải nhựa và vi nhựa, đó là: Cần tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và thực thi các chính sách về giảm rác thải nhựa hiện có; Thúc đẩy hợp tác đa bên để thực hiện các nỗ lực quốc gia, địa phương với cam kết quốc tế một cách hiệu quả; Thúc đẩy thay đổi hành vi thông qua sự tham gia cộng đồng có mục tiêu và các ưu đãi cần thiết để khuyến khích sản xuất, sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa.

Quang cảnh sự kiện

    Tại sự kiện, nhiều ý kiến cho rằng Dự án đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết về các chiến lược bền vững để chống ô nhiễm nhựa ở các vùng ven biển Việt Nam, bằng nghiên cứu khoa học liên ngành và sự hợp tác của các bên liên quan. Bên cạnh đó, Dự án cũng đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, bảo đảm sinh kế, đạt được tính bền vững kinh tế; đồng thời vẫn phù hợp với các ưu tiên quốc gia và cam kết môi trường toàn cầu. Các đại biểu còn tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm về sự tham gia hiệu quả của cộng đồng trong đồng thiết kế các giải pháp; chính sách cần thay đổi như thế nào để hỗ trợ phát triển bền vững…

    Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo của Vương quốc Anh (UKRI). Đây là Dự án hợp tác được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và 6 đối tác tại Việt Nam, bao gồm: Trường Đại học Phenikaa, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản, Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Dự án được thực hiện từ tháng 1/2021-3/2025, với mục tiêu nhằm hiểu rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và đánh giá tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế xã hội, chất lượng môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; từ đó đề xuất chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam và các ngành kinh tế liên quan như nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch. Hoạt động chính của Dự án được thực hiện qua 5 hợp phần: Thu và phân tích mẫu môi trường tại các loại hình thủy vực khác nhau để đánh giá nồng độ, hàm lượng và chủng loại rác thải nhựa; Phát triển các công cụ mô hình hóa về sự vận chuyển và tích tụ của rách thải nhựa; Tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa; Đánh giá tác động của rác thải nhựa về mặt kinh tế - xã hội đối với nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch tại một số địa phương; Tổ chức tham vấn các bên liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo và các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để thu thập thông tin, trao đổi và chia sẻ về các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.

Mai Hương

Ý kiến của bạn