Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo

08/12/2021

    Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt trong hai năm 2020 và 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2021, ENV ghi nhận 2.666 vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD, trong đó 124 vụ buôn bán trái phép, 1.824 vụ quảng cáo rao bán trái phép, 774 vụ tàng trữ, nuôi nhốt trái phép. Trong số 2.666 vụ việc, thì có 1.686 vụ việc là do người dân thông báo tới đường dây nóng bảo vệ ĐVHD và được ENV tiếp nhận, chuyển giao tới cơ quan chức năng các địa phương xử lý, so với năm 2020 là 1.035 vụ việc, năm 2019 là 708 vụ việc.

Cá thể cầy vòi hương bị nuôi nhốt trái phép tại một nhà dân của tỉnh Bình Dương

    Từ năm 2020, ENV đã bắt đầu tiến hành phân tích định kỳ hàng năm hiệu quả công tác xử lý các vụ vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo của cơ quan chức năng tại 63 tỉnh thành, đặt trong tương quan so sánh với các địa phương khác trên cả nước. Việc đánh giá này được xây dựng trên cơ sở phân tích mức độ phản hồi và kết quả xử lý vi phạm về ĐVHD được người dân thông báo đến cơ quan chức năng qua Đường dây nóng bảo vệ ĐVHD của ENV, dựa trên 4 tiêu chí: Số vụ vi phạm (số vụ việc do người dân thông báo tới Đường dây nóng và được chuyển giao đến cơ quan chức năng); Tỷ lệ phản hồi (tỷ lệ phần trăm số vụ vi phạm được xử lý và phản hồi kết quả); Tỷ lệ xử lý thành công (tỷ lệ phần trăm số vụ vi phạm được xử lý với kết quả là tịch thu hoặc chuyển giao ĐVHD hay xử phạt các đối tượng liên quan; Tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống (Tỷ lệ phần trăm số vụ liên quan đến ĐVHD còn sống có kết quả xử lý thành công). Kết quả phân tích được báo cáo đến UBND tỉnh, thành phố để lãnh đạo các địa phương nắm rõ được công tác xử lý vi phạm về ĐVHD trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy hiệu quả xử lý vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước.

    Một số kết quả trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD năm 2020

    Trong công tác bảo vệ ĐVHD nói chung và xử lý vi phạm về ĐVHD nói riêng, sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng là nguồn động lực quan trọng với các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, người dân sẽ chỉ có niềm tin và tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nếu các tin báo vi phạm do người dân cung cấp được xử lý kịp thời và có hiệu quả. Số vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo qua Đường dây nóng bảo vệ ĐVHD của ENV trong năm 2020 là 1.035 vụ. Các vụ việc này sau đó được chuyển giao đến cơ quan chức năng qua điện thoại, công văn hoặc các buổi làm việc trực tiếp. Sau khi tiếp nhận thông tin, tỷ lệ phản hồi bình quân năm 2020 của các cơ quan chức năng trên cả nước đạt 97,6% (1.274/1.305 vụ), tăng đáng kể so với tỷ lệ này trong năm 2019 (84%); Tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung và vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống năm 2020 lần lượt 33,2% và 39,5%, tương đương với kết quả ghi nhận trong năm 2019. Từ số  liệu trên cho thấy, kết quả nổi bật trong năm 2020 là tỷ lệ phản hồi trung bình trên cả nước đạt gần 98%, tăng đáng kể so với năm 2019 (84%). Mặc dù vậy, tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung và tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống chỉ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2019.

    Trong đó, Đà Nẵng và Bình Dương là hai địa phương có thành tích xuất sắc nhất trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD. Hai địa phương này đã đạt kết quả vượt trội trên mọi tiêu chí đánh giá so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, dù đó là tỷ lệ phản hồi hay tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc. Trong năm 2020, các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và tịch thu 125 cá thể ĐVHD, trong đó có 13 cá thể khỉ đuôi dài, 46 cá thể rắn, 3 cá thể cu li, 10 cá thể rùa, 1 cá thể rùa biển, 1 cá thể cầy, 2 cá thể vượn, 4 cá thể hồng hoàng, 1 cá thể niệc mỏ vằn, 19 cá thể chim săn mồi, 9 cá thể sóc, 1 cá thể trăn, 1 cá thể rái cá, 2 cá thể chim khác và 12 cá thể ĐVHD ngoại lai. Điều đáng nói là Đà Nẵng và Bình Dương cũng nằm trong nhóm các địa phương có thành tích tốt nhất trong nỗ lực xử lý vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo năm 2019. Các lực lượng công an, kiểm lâm và các cơ quan chức năng khác tại Đà Nẵng và Bình Dương đã và đang nỗ lực xử lý triệt để các vi phạm về ĐVHD. Thành công của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương là tấm gương sáng để các địa phương khác noi theo trong việc phối hợp hiệu quả với người dân nhằm đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép.

    Đối với công tác xử lý thông tin tiếp nhận các vi phạm về ĐVHD thì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là những địa phương ghi nhận số vụ vi phạm về ĐVHD do người dân cung cấp nhiều nhất. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý vi phạm về ĐVHD tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu còn tương đối thấp. Các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã có những bước tiến nhất định trong công tác xử lý các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống, với 43,4% số vụ được xử lý thành công, cao hơn nhiều so với kết quả đạt được trong năm 2019. Dẫu vậy, tỷ lệ phản hồi (90,4%) và tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung (31,3%) của Hà Nội đều thấp hơn mức trung bình trên cả nước. Dù không nằm trong số các địa phương kém hiệu quả nhất trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD nhưng Hà Nội, với vị thế thủ đô, được kỳ vọng giữ vai trò đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép. TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ phản hồi với các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo rất cao, đạt 99,7%. Tuy nhiên, hiệu quả công tác xử lý các vụ việc về ĐVHD trên địa bàn vẫn còn tương đối thấp, với tỷ lệ xử lý thành công nói chung là 23,3% và tỷ lệ xử lý thành công với các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống chỉ đạt 26,7%. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng số lượng vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo tại TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, với 309 vụ việc chỉ trong năm 2020, nhiều hơn tổng số vụ của cả bốn địa phương còn lại có số lượng vi phạm do người dân thông báo cao nhất cộng lại.

    Tương tự tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù các cơ quan chức năng rất tích cực phản hồi đối với các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo nhưng hiệu quả xử lý lại không cao, chỉ đạt tỷ lệ xử lý thành công là 28,6%, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ xử lý thành công 30,8% trong tổng số 52 vụ liên quan đến ĐVHD còn sống. Chính vì vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm các địa phương có hiệu quả xử lý các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống thấp nhất cả nước. Ngược lại, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã rất nỗ lực xử lý vi phạm về ĐVHD. Dù tiếp nhận số lượng vụ việc lớn, Đồng Nai vẫn là một trong những tỉnh thành công nhất trong công tác xử lý với 46,2% trên tổng số các vụ việc đã tiếp nhận được xử lý thành công và tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống đạt 52,2%. Đắk Lắk là tỉnh có thành tích tốt nhất trên cả nước về xử lý các vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống. Tuy vậy, tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD của cả tỉnh chỉ đạt 34,9%. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan chức năng chưa xử lý hiệu quả các vụ quảng cáo và buôn bán ngà voi trái phép.

    Một số khuyến nghị và đề xuất giải pháp

    Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực hoàn thiện pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, giá trị của các điều luật sửa đổi chỉ có thể được chứng minh khi chúng được các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng một cách hiệu quả trong xử lý tội phạm về ĐVHD. Cho đến nay, hơn ba năm sau khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, công tác xử lý các vụ án về ĐVHD đã có những tín hiệu tích cực. Các cơ quan thực thi pháp luật đang cho thấy lập trường cứng rắn hơn khi xử lý tội phạm về ĐVHD. Không những vậy, hầu hết các cơ quan tòa án cũng đã tiếp cận theo hướng nghiêm khắc hơn thể hiện ở việc ban hành các bản án hình sự với mức phạt tù giam cao hơn cho những đối tượng bị truy tố về các hành vi nghiêm trọng nhằm góp phần ngăn chặn tội phạm về ĐVHD. 

Số lượng lớn cá thể rùa bị Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng phát hiện tịch thu khi đang bị nuôi trái phép

    Sự tích cực trong việc phản hồi các vụ việc do người dân thông báo là điều kiện rất quan trọng để duy trì và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong quá trình xử lý vi phạm về ĐVHD. Năm 2020, các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó chủ yếu là lực lượng công an và kiểm lâm đã xử lý 97,6% các vụ vi phạm về ĐVHD được người dân thông báo qua đường dây nóng của ENV. Con số này phản ánh sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và xử lý các vi phạm về ĐVHD được người dân thông báo. Các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục phát huy và phản hồi tích cực đối với các vụ việc do người dân thông báo, nhất là đối với các cơ quan thực thi pháp luật tại những địa phương có tỷ lệ phản hồi thấp hơn mức trung bình chung.

    Mặc dù tỷ lệ phản hồi đối với các vi phạm do người dân thông báo là khá khả quan nhưng tỷ lệ xử lý thành công tại các địa phương còn thấp, chỉ đạt 33,2%, tương đương với kết quả ghi nhận trong năm 2019. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tích cực nâng cao hiệu quả xử lý các vi phạm do người dân thông báo. Trong đó, việc đảm bảo bí mật nguồn tin, nhanh chóng xác minh và kiên quyết xử lý triệt để tin báo của người dân cần được đề cao để có thể đưa tỷ lệ xử lý thành công các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo lên ít nhất 50% vào năm 2021 như kì vọng của người dân và các tổ chức bảo tồn, đảm bảo pháp luật được áp dụng hiệu quả và nghiêm minh nhằm mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép tại Việt Nam.

    Đặc biệt, tội phạm về ĐVHD trên Internet ngày càng gia tăng, với các quảng cáo buôn bán ngà voi, bộ phận của hổ và các sản phẩm ĐVHD có giá trị cao khác đang tràn lan trên các trang buôn bán trực tuyến. Ngoài ra, trào lưu nuôi ĐVHD làm thú cưng cũng đang khiến các hoạt động buôn bán ĐVHD trực tuyến (đối với cả loài bản địa và loài ngoại lai) càng bùng nổ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh với loại hình tội phạm ĐVHD trên Internet. Theo đó, các cơ quan có thể áp dụng các quy định hiện hành để xử lý và ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trên Internet, đặc biệt là xử lý nghiêm hành vi quảng cáo trái phép các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Hơn nữa, cần tích cực thực hiện các hoạt động điều tra và xử lý các đối tượng chuyên cung cấp ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng cho các đối tượng rao bán trên Internet, nhằm răn đe, phòng ngừa các đối tượng khác tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các biện pháp tác động từ phía cơ quan nhà nước để các nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến xử lý có hiệu quả hơn các vi phạm về ĐVHD trên những nền tảng này.

    Ngoài ra, trong thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, “thị trường” ngầm mua bán động vật hoang dã lại càng hoạt động sôi nổi hơn. Do vậy các cơ quan thực thi pháp luật cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã đặc biệt là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và trên biển; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép ĐVHD.

    Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ và sử dụng ĐVHD của một bộ phận người dân cũng là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép. Do vậy, để các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân trong xã hội hiểu về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD cũng như từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD. Ngoài việc nâng cao nhận thức người dân cũng cần khuyến khích người dân tham gia tích cực hơn vào việc tố giác tội phạm và hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác xử lý các vi phạm về ĐVHD.

Đỗ Minh Phượng
Trung tâm Giáo dục và thiên nhiên (ENV)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

 

 
Ý kiến của bạn