Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái - Công cụ kinh tế hữu hiệu cho hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

20/12/2021

    Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) là một công cụ kinh tế để thực hiện nguyên tắc “người sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền”. Ở Việt Nam, PES được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực lâm nghiệp với cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thể chế hóa trong pháp luật về lâm nghiệp và mang lại những lợi ích đã được chứng minh. Tuy nhiên, bên cạnh hệ sinh thái rừng thì còn nhiều kiểu hệ sinh thái khác có những giá trị, tiềm năng áp dụng PES như đất ngập nước, biển … Chính vì vậy, Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra quy định về PES.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Vai trò của PES

    Dịch vụ hệ sinh thái là những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp mà con người được hưởng từ các chức năng của hệ sinh thái. Dựa vào vai trò, chức năng khác nhau của hệ sinh thái, các nhà sinh thái học đã phân thành 4 nhóm chức năng hay 4 loại dịch vụ với mục đích khác nhau về kinh tế - xã hội bao gồm: Dịch vụ cung cấp (thực phẩm, nước sạch, nguyên liệu, nhiên liệu, sợi, nguồn gen); Dịch vụ điều tiết (phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, điều hòa khí hậu, điều tiết nước, lọc nước, thụ phấn, phòng chống dịch bệnh…); Dịch vụ hỗ trợ (kiến tạo đất, tái tạo dinh dưỡng, điều hòa dinh dưỡng, sản xuất cơ bản...); Dịch vụ văn hóa (giá trị thẩm mỹ, quan hệ xã hội, giải trí và du lịch sinh thái, lịch sử, khoa học và giáo dục).

    PES là công cụ kinh tế để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Đây là một hướng tiếp cận mới, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và được coi là một cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và xóa đói, giảm nghèo. Với góc độ tiếp cận đó, PES đóng vai trò là một cơ chế nhằm tạo lợi ích cho các cá nhân và các cộng đồng bảo vệ dịch vụ hệ sinh thái bằng cách bồi hoàn cho họ khoản chi phí phát sinh từ việc quản lý và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Cụ thể:

    PES tạo ra nguồn tài chính bền vững và lâu dài. PES được coi là một công cụ kinh tế hữu hiệu cho hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. So với các công cụ kinh tế khác như thuế tài nguyên hay các khoản phí nước thải, phí xả thải thì PES dựa trên cơ chế “người hưởng lợi phải trả tiền” và cơ chế “sẵn lòng chi trả” thay vì “người gây ô nhiễm phải trả tiền. Điều này sẽ tạo nên một cơ chế tự nguyện chi trả từ phía người sử dụng dịch vụ đến người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái. Trong điều kiện kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng đòi hỏi lớn hơn trong khi ngân sách nhà nước có hạn thì PES được coi là một giải pháp đột phá để tạo nguồn thu cho hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Các hợp đồng chi trả PES đã tạo ra một nguồn thu mới cho các hoạt động quản lý, phục hồi, bảo tồn và sử dụng đất bền vững, qua đó tăng cường tiềm năng quản lý hệ sinh thái bền vững. Theo đó, PES sẽ hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu của Công ước Đa dạng sinh học, nhằm chặn đứng và giảm tốc độ suy giảm đa dạng sinh học. PES không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái mà còn mang lại lợi ích bền vững cho cả đối tượng sử dụng dịch vụ hệ sinh thái và toàn xã hội. Bởi việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái bền vững mang lại cả lợi ích kinh tế lẫn nhiều lợi ích khác cho toàn xã hội… Trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào các dự án PES sẽ góp phần nâng cao hình ảnh cho các doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh bền vững, đặc biệt cơ hội kinh doanh, hợp tác với các đối tác nước ngoài.

    PES có tác động lớn đến bảo vệ môi trường. PES tạo ra một khoản thu không nhỏ cho người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái và đó là một động lực to lớn để các cộng đồng dân cư, các cá nhân gìn giữ và bảo vệ môi trường. Đồng thời khiến người thụ hưởng dịch vụ hệ sinh thái có ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường hơn vì họ phải trả tiền cho những dịch vụ hệ sinh thái đó. Việc hình thành PES sẽ góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm nguồn nước và vùng đất ngập nước, giảm các mối đe dọa đến sinh cảnh các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Các chương trình PES khi được áp dụng đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị mà hệ sinh thái mang lại, điều đó sẽ tạo nên sự thay đổi trong các mô thức tiêu dùng cũng như trong các phương thức sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

    PES có tác động tích cực đến sinh kế, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. PES có thể tạo ra nhiều cơ hội cho người có thu nhập thấp, nâng cao mức thu nhập của mình bằng cách phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái. Thậm chí nếu khoảng chi trả này chỉ ở một mức độ khiêm tốn thì nó vẫn là nguồn thu ổn định trong nhiều năm và trong một số hoàn cảnh nhất định nó là một nguồn thu nhập rất có ý nghĩa bổ sung cho thu nhập thực tế của người có thu nhập thấp. Các chương trình PES tại các quốc gia như Costa Rica, Mexico, Hoa Kỳ, Ecuador đều mang lại kết quả góp phần giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho một bộ phận dân cư. PES cũng tạo sự công bằng trong tiếp cận các thông tin môi trường thông qua cơ chế những người sử dụng dịch vụ môi trường phải chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường bằng các thỏa thuận tự nguyện. Theo đó, bản thân người cung cấp dịch vụ môi trường phải được tiếp cận thông tin môi trường đầy đủ để tránh việc bị chi trả dưới giá thị trường cho các dịch vụ mình cung cấp. Trong thực tế, thông qua các chương trình PES, người dân đã được tăng cường tiếp cận các thông tin môi trường và hệ thống pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. PES cũng tạo sự bình đẳng xã hội khi người nghèo có cơ hội được tiếp cận với y tế, giáo dục và các giá trị văn hóa, giải trí khác thông qua việc nâng cao thu nhập và các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng. PES góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dịch vụ hệ sinh thái được cung cấp, cải thiện sinh kế bền vững cho những người cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống toàn xã hội.

    Ngoài ra, cơ chế PES còn góp phần hình thành thị trường giá cả cho các dịch vụ hệ sinh thái thông qua việc lượng giá giá trị các dịch vụ hệ sinh thái được cung cấp, quan hệ mua bán, trao đổi giữa người hưởng lợi từ hệ sinh thái (người mua) và người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái (người bán), từ đó hình thành thị trường PES và tạo ra nguồn tài chính bền vững để duy trì các chức năng của hệ sinh thái nhằm cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái và phát triển bền vững.

Những quy định về PES

    Tại Việt Nam, một số văn bản pháp luật đã đề cập đến dịch vụ hệ sinh thái như Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) và Luật Bảo vệ môi trường (2005) đã thừa nhận các nhân tố của dịch vụ hệ sinh thái mang lại là bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và hấp thụ cac-bon. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học (2008) quy định “Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học có trách nhiệm trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ”. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT, ngày 23/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng… Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng cho công tác PES ở nước ta.

    Theo Luật BVMT năm 2020, PES tự nhiên là việc tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm: Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon.

Hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản là đối tượng được áp dụng chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái

    Các tổ chức, cá nhân phải trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên khi có hoạt động khai thác, sử dụng mặt nước, mặt biển của hệ sinh thái cho nuôi trồng thủy sản, dịch vụ giải trí dưới nước; Khai thác, sử dụng cảnh quan của hệ sinh thái cho dịch vụ du lịch, giải trí; Sản xuất, kinh doanh có phát thải khí nhà kính phải sử dụng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của hệ sinh thái để thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Theo đó, nguyên tắc PES tự nhiên được quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân sử dụng một hoặc một số dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên”. Việc chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được thực hiện bằng hình thức trả tiền trực tiếp hoặc chi trả gián, tiếp thông qua ủy thác; Tiền PES tự nhiên được hạch toán vào giá thành sản phẩm, dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, phải bảo đảm bù đắp chi phí cho hoạt động bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên; Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải sử dụng tiền thu được từ PES tự nhiên để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

    Tóm lại, trong bối cảnh các hoạt động sống đã gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường ngày càng gia tăng thì cần thiết phải có những giải pháp để bảo vệ môi trường bền vững. Bên cạnh hệ thống luật pháp có tính răn đe thì việc tìm kiếm một giải pháp mang lại nguồn lợi cho chính những người đang tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái là một điều cần thiết để thúc đẩy mọi cá nhân tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường. PES ra đời với bản chất là một công cụ kinh tế, đem lại nguồn lợi cho các bên liên quan. Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, lại phải chi trả cho nhiều hoạt động khác nhau, thì việc tạo lập một nguồn tài chính cho bảo vệ môi trường là cần thiết và PES được coi như một giải pháp đột phá mà trong thời gian tới cần có sự quyết tâm hơn nữa từ phía Chính phủ để vận hành hệ thống PES đồng bộ và hiệu quả.

 

Nam Việt

 

Ý kiến của bạn