13/02/2025
Luật BVMT năm 2020 quy định, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân thành 3 loại, gồm: Chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rác thải hữu cơ... được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải vô cơ). Thực hiện quy định nêu trên, tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền và phải có chế tài xử lý nghiêm khắc, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ đó hình thành thói quen phân loại rác thải để BVMT.
Theo ông Đỗ Ngọc Tú, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ, những năm qua, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản về triển khai, cụ thể hóa Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tổ chức, tuyên truyền hưởng ứng các ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...
Đối với việc phân loại rác tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020, Phòng đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn phân loại rác thải rắn tới các xã, phường, tổ dân phố, các đơn vị vận hành, thu gom rác thải trên địa bàn thành phố để tuyên truyền cho người dân nắm bắt được chủ trương, biết cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn chỉ được một bộ phận nhỏ người dân thực hiện, còn lại đa số vẫn chưa quan tâm tới việc này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động phân loại rác thải tại nguồn còn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trong đó, công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa thật hiệu quả; các địa phương thiếu sự đôn đốc, quyết liệt và nghiêm túc khi chưa xem hoạt động phân loại rác tại nguồn là thiết thực; phần lớn người dân chưa nhận thức được phân loại rác tại nguồn là cần thiết và ích lợi cho môi trường nên chưa duy trì hoạt động này bền vững. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc thiếu đồng bộ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, dẫn đến tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa đạt như mong muốn.
Phân loại rác tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Để đạt được mục tiêu 100% xã, phường trên địa bàn Thành phố thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định, đòi hỏi các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền và phải có chế tài để xử lý khi các tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại rác theo quy định của Luật BVMT; đặc biệt là người dân cần nâng cao ý thức để BVMT Xanh - Sạch - Đẹp.
Hương Đỗ