Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Bài toán bảo vệ nguồn nước dưới đất ở Đồng Nai

21/10/2022

    Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp lớn, nhỏ, các làng nghề sản xuất thủ công cùng hoạt động. Sản xuất công nghiệp phát triển kéo theo nhiều hệ lụy là môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên suy kiệt, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, nhất là tình trạng ô nhiễm, suy giảm trữ lượng nguồn nước dưới đất.

Khoan giếng khai thác nước ngầm tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa

    Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho hay, nước ngầm nhiều nơi trong tỉnh đang bị hụt dưới ngưỡng trung bình. Hệ quả về lâu dài là ô nhiễm nguồn nước ngầm, gia tăng hạn hán, xuất hiện hố tử thần ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Phân vùng khu vực hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; phương án hạn chế khai thác nước dưới đất áp dụng cho tất cả các cá nhân, tổ chức đang khai thác nước dưới đất tại địa bàn tỉnh để thực hiện. Đồng thời, Sở công khai kết quả chất lượng quan trắc nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo đến người dân cân nhắc việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Tới đây, khi nước sạch đã được cung cấp đến với người dân thì UBND cấp huyện phải ngưng cấp phép khai thác nước dưới đất ở khu vực hạn chế; đối với các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị đang hoạt động tại những nơi đã có nước cấp đấu nối đầy đủ, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh, không cấp phép hoặc gia hạn các giấy phép khai thác nước dưới đất, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tiến hành trám lấp, ngưng khai thác, sử dụng nước ngầm. Quá trình thực hiện, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP. Biên Hòa… đã chấp hành ngừng khai thác nước dưới đất theo chỉ thị của UBND tỉnh Đồng Nai, bao gồm cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác nước ngầm để cung cấp nước sạch cho người dân và sản xuất của doanh nghiệp.

    Khác với thực tiễn đang diễn ra đối với các doanh nghiệp khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Nhơn Trạch, nơi tập trung tới 9 khu công nghiệp, chiếm 30% tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh, vẫn có doanh nghiệp được Bộ TN&MT cấp phép, thậm chí liên tục gia hạn các giấy phép khai thác nước dưới đất với lưu lượng lên tới 23.000 m3/ngày đêm, vượt xa ngưỡng khai thác an toàn cục bộ tại khu vực. Cộng với việc, do địa thế giáp cửa sông, cửa biển, lại phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, phong phú; quá trình xâm nhập mặn, phèn hóa, sụt lún, suy giảm chất lượng nước ở đây đang bị đẩy nhanh với tốc độ đáng quan ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại địa phương.

    Mới đây nhất, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến các địa phương. Dự thảo kế thừa nhiều ưu điểm của Luật Tài nguyên nước 2012, loại bỏ một số quy định không còn phù hợp với yêu cầu thực tế và các luật liên quan, bổ sung và phát triển nhiều điểm mới trong các quy định về quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Tuy nhiên, quy định về phân vùng khu vực hạn chế, khu vực cấm khai thác nước dưới đất đang được các địa phương quan tâm, triển khai rất tốt, làm cơ sở xây dựng lộ trình hạn chế khai thác nước dưới đất tại các vùng có nguy cơ suy giảm chất lượng, trữ lượng nước ngầm lại chưa được đề cập trong dự thảo.

    Nước dưới đất chỉ mang ý nghĩa là dự phòng và việc hạn chế khai thác nước dưới đất là vấn đề cấp thiết để quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước dưới đất. Các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT và các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh cần xem đây là căn cứ để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, đề án cấp nước sạch. Ngoài ra, việc ban hành danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất cũng là một hình thức tuyên truyền, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân.

    Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn