Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng đến sự phát triển bền vững tại Việt Nam

04/11/2022

    Sự ra đời của các Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) phần nào đã khắc phục được những nhược điểm của Khu công nghiệp (KCN) truyền thống hướng đến sự phát triển bền vững. KCN đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

    1. Hiện trạng phát triển KCN

    Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của các KCN đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, sự tập trung các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trong một khu vực nhất định đã làm tăng thêm các áp lực tới môi trường. Hơn nữa việc sử dụng không hiệu quả, lãng phí tài nguyên cũng như không tuần hoàn, tái sử dụng được lượng chất thải thông thường gây nên sự gia tăng chi phí xử lý của doanh nghiệp đồng thời hạn chế sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong KCN với nhau. 

    Hiện Việt Nam có khoảng 400 KCN được thành lập, trong đó gần 300 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%. Hệ thống các KCN của Việt Nam thời gian qua đã thu hút trên 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI khoảng 230 tỷ USD), chiếm 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

    Các KCN truyền thống đã góp phần tích cực vào tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2015, các KCN đóng góp 38% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, đến cuối năm 2020, con số này là 60%. Đặc biệt, với sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel… các KCN đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển các KCN nhanh và “nóng" đang khiến tỷ lệ chất thải nguy hại gia tăng, kèm theo là sự ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, đe dọa đến sức khỏe người dân sống xung quanh KCN.

    Trong khi đó, theo đánh giá chung của các chuyên gia, KCN truyền thống hiện nay thiếu tính liên kết để gia tăng sức cạnh tranh. Bản thân DN hoạt động tại KCN cũng không tận dụng được lợi thế của nhau để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chưa tiết giảm chi phí và tận dụng tài nguyên sẵn có.

    Với xu hướng xanh hóa nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang coi KCNST là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn nơi đặt Nhà máy. Điều này cũng dễ hiểu bởi tại các KCNST, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp (DN) này có thể trở thành sản phẩm đầu vào của DN kia và ngược lại. Nhờ đó, DN tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh. Mô hình KCNST là việc tạo ra các KCN hiệu quả về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn hơn, có khả năng chống chịu với những rủi ro cao hơn. Tại đó, các DN sản xuất và dịch vụ sử dụng, chia sẻ tài nguyên cùng nhau tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế - xã hội thông qua hợp tác quản lý môi trường.

    Trước những tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng, Nghị định số 82/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, mới đây nhất là Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã được ban hành, nêu rõ: KCNST là KCN, trong đó có DN trong KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất thực hiện ít nhất 1 cộng sinh công nghiệp sẽ được công nhận là doanh nghiệp sinh thái (Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, Điều 40, khoản 2).

    2. Áp dụng Sử dụng hiệu quả tài nguyên - Sản xuất sạch hơn (RE-CP) tại các doanh nghiệp trong KCN

    Nhằm khắc phục những bất cập của KCN truyền thống hướng đến Tăng trưởng xanh, từ năm 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” (EIP) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCNST tại 4 KCN gồm: KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu (Ninh Bình).

    Với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), 72 DN tham gia dự án trong các KCN đã được tư vấn các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) nhằm tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào, sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước cũng như sử dụng an toàn hóa chất và quản lý nước thải, chất thải… Sau 5 năm triển khai, nhờ áp dụng các giải pháp RECP, các DN này đã tiết kiệm được tới 6,5 triệu USD/năm. Dự án cũng đã tiến hành đào tạo cho hơn 3.100 nhà quản lý và các cán bộ kỹ thuật về KCNST.

    Kết thúc Dự án EIP, 72 DN tham gia đã áp dụng các giải pháp RECP và tiết giảm được 22.000 Mwh điện; trên 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giúp cắt giảm được 32 Kt khí CO2 hằng năm.

    Với sự thành công từ dự án EIP, SECO và UNIDO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án “Triển khai Khu CNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận chương trình khu CNST toàn cầu” triển khai tại 3 KCN bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai); KCN Đình Vũ (Hải Phòng); KCN Hiệp Phước (TP.HCM). Dự án sẽ lựa chọn 20 DN tại KCN DeepC Đình Vũ (Hải Phòng); 20 DN tại KCN Amata Biên Hòa (Đồng Nai); 40 DN tại KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) để hỗ trợ đánh giá RECP. Qua đó sẽ phát hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp, đô thị để nghiên cứu chi tiết và hỗ trợ thực hiện. Kết quả sơ bộ ban đầu triển khai tại 41 DN cho thấy:

    Tổng số giải pháp RECP được đề xuất: 196

    Giảm phát thải khí nhà kính (GHG): 55.211 tấn CO2 tương đương/năm

    Tổng tiềm năng tiết kiệm: 151,44 tỷ VND

    Giảm tiêu thụ

  • Điện: 64.195 Mwh/năm
  • Nước: 77.896 m3/năm
  • Dầu DO: 33,6 tấn/năm
  • LPG: 132,1 tấn/ năm

(Nguồn: Báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện Hợp phần dự án của VNCPC tại Hội nghị “Triển khai Khu CNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận Chương trình KCNST toàn cầu ngày 15/9/2022 tại TP. HCM)

    3. Cộng sinh công nghiệp - đô thị

    Một trong những tiêu chí của KCNST là phải hình thành ít nhất một giải pháp về cộng sinh công nghiệp, đô thị. Trong đó cộng sinh công nghiệp là việc chia sẻ, tận dụng tài nguyên, chất thải giữa các doanh nghiệp trong KCN với nhau thì cộng sinh đô thị là việc hình thành mối liên kết, tận dụng, chia sẻ tài nguyên, hạ tầng của KCN với dân cư và đô thị lân cận. Các mô hình cộng sinh đô thị đang được đề xuất nghiên cứu cho các KCN với dân cư, đô thị xung quanh trong khuôn khổ dự án gồm: Kết nối hạ tầng xe buýt để vân chuyển công nhân từ các khu dân cư xung quanh vào KCN; Xây dựng nhà ở xã hội để công nhân thuê yên tâm làm việc; Đào tạo nghề cho dân cư lân cận KCN, kết nối chia sẻ thông tin tuyển dụng; Chia sẻ hạ tầng cứu hỏa với khu dân cư khi có hỏa hoạn; Kết nối nước thải sinh hoạt từ khu dân cư để xử lý tại các trạm xử lý nước thải tập trung của KCN; Tận dụng nước thải đạt chuẩn để tưới cây cho KCN và đô thị lân cận.

Mô hình cộng sinh công nghiệp - đô thị đang được nghiên cứu xây dựng tại KCN DeepC (Đình Vũ) - Hải Phòng

    Xây dựng thành công giải pháp cộng sinh công nghiệp - đô thị sẽ góp phần giảm lãng phí tài nguyên, rủi ro về hạ tầng, cắt giảm chi phí thúc đẩy tăng trưởng bền vững không những cho các DN, KCN mà còn tạo mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư xung quanh. Lợi ích về cộng sinh có thể trực tiếp, có thể gián tiếp, nó còn vượt ra ngoài khuôn khổ kinh doanh truyền thống và hướng tới những lợi ích lớn lao hơn là cải tạo chất lượng nước, không khí, môi trường sống.

    4. Các khuyến nghị

    Việc thực hiện chuyển đổi KCN thành KCNST là xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích kinh tế -  xã hội, môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều vướng mắc cho cả các DN, Công ty hạ tầng quản lý KCN cũng như các cơ quan hữu quan. Một trong những nguyên nhân đó là: (1) các DN còn thiếu thông tin về lợi ích, cách thức thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn để chuyển đổi thành DN sinh thái và  KCNST nên chưa sẵn sàng phối hợp, tham gia thực hiện; (2) Việc tiếp cận vốn vay để DN đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, thân thiện với môi trường rất hạn chế và đòi hỏi nhiều thủ tục, thời gian. Điều này dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện và duy trì các giải pháp hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn; đồng thời tạo ra thách thức đối với việc giám sát tổng nguồn năng lượng, tài nguyên tiêu hao và chất thải phát sinh đối với toàn KCN. (3) Nhiều quy định, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất khiến DN khó khăn trong việc thực hiện.

Lê Xuân Thịnh, Vũ Năng Nam

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC)

Nguyễn Trâm Anh

Ban Quản lý Dự án Khu công nghiệp sinh thái

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

Ý kiến của bạn