Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Xây dựng định hướng phát triển nền Kinh tế xanh - Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

10/03/2014

     Tác động của  biến đổi khí hậu

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn là mối đe dọa toàn diện đến các chủ trương phát triển lớn của đất nước. Theo kịch bản BĐKH 2012 của Bộ TN&MT, cả nước sẽ có khoảng 40 tỉnh, thành phố thuộc các vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP. Hồ Chí Minh, vùng duyên hải ven biển miền Trung, đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh có nguy cơ chịu tác động của sụt lún, sạt lở, nước biển dâng.

     Các thành phố lớn của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai, BĐKH, nước biển dâng cùng với hậu quả của quá trình mở rộng các đô thị theo những quy hoạch không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém đã khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn. Riêng Hà Nội chỉ cần trận mưa giông cường độ trung bình thì đã có hơn 60 điểm úng ngập cục bộ (năm 2011) và nếu mưa lớn hơn thì nhiều khu vực rộng lớn thuộc các quận trung tâm cũng bị ngập. Tại TP. Hồ Chí Minh mưa kết hợp với triều cường ngày một cao hơn đã làm cho diện tích các khu vực ngập úng ngày càng mở rộng. Hiện tượng lũ quét và sạt lở đất thường xuyên hơn đã gây thiệt hại lớn cho nhiều khu vực miền núi như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La… Nhiều vùng thuộc đồng bằng và ven biển, hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển cũng diễn ra phức tạp.

 

BĐKH gây sạt lở đất ở ĐBSCL

 

     Bên cạnh nước biển dâng gây úng, ngập thì nguy cơ xâm thực mặn cũng làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Số liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam năm 2013 cho thấy, các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 - 45 km; tỉnh Hậu Giang đã bị nhiễm mặn với độ mặn 5 - 7%. Như vậy, BĐKH đã và đang có những tác động lớn đến nền kinh tế của nước ta, đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Một trong những biện pháp đó là xây dựng định hướng phát triển nền Kinh tế xanh (KTX).

     Vai trò của nền Kinh tế xanh và các giải pháp ứng phó với BĐKH

     Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng định hướng phát triển nền KTX là cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững. BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và ứng phó đối với BĐKH là mục tiêu mà phát triển kinh tế của thế giới nói chung và nước ta nói riêng cần hướng tới. Gần đây, khi nói tới tăng trưởng cũng đã xuất hiện khái niệm về tăng trưởng xanh thuộc nội hàm khái niệm KTX. Tăng trưởng xanh là hướng tiếp cận mới của thế giới trong tăng trưởng kinh tế, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của BĐKH. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, tăng trưởng xanh được đánh giá là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững.

     Trong nền KTX, mức tăng về thu nhập và việc làm được tạo ra thông qua những khoản “đầu tư xanh” của Nhà nước và tư nhân giúp vừa tạo ra sản phẩm, giảm thiểu phát thải các bon, giảm ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm ĐDSH. Như vậy, nền KTX phải hướng vào duy trì, cải thiện nguồn vốn tự nhiên và phục hồi, bởi đây là tài sản kinh tế quan trọng và là nguồn lợi chung, đặc biệt đối với những người nghèo, bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.

     Khái niệm KTX không thay thế khái niệm bền vững nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững (PTBV). Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta mau chóng tới đích. Như vậy, nền KTX là một chiến lược phát triển kinh tế để đạt được các mục tiêu PTBV. Các nước công nghiệp phát triển như: Mỹ, Đức, Hàn Quốc… đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho chính sách phát triển KTX, coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với PTBV của quốc gia và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Trong thực tế có một số nước đã đi tiên phong về phát triển nền KTX với các biện pháp khuyến khích áp dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm như:

     Ở Thụy Điển, trong quá trình thực hiện KTX đã rất chú trọng tới việc định giá ô nhiễm, theo đó đã khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm những giải pháp cải tiến và sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Ví dụ, khi áp dụng thuế phát thải khí nhà kính, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường gia tăng đáng kể từ 7% (2012) tăng lên 62% năm tiếp theo.

     Singapo là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng các công cụ lượng giá khi giải quyết các vấn đề rác thải và nước. Ví dụ, từ chỗ phải mua nước máy từ các nước Malaixia và Inđônêxia, đến nay đã áp dụng công nghệ tái chế nước thải thành nước uống, một bước tiến mới trong công nghiệp tái chế.

 

Sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu
phát triển kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng

 

     Từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành 80% trong gói kích cầu kinh tế với khoảng 38,1 tỷ USD để dùng cho sự chuyển dịch từ nền “Kinh tế nâu” sang nền “KTX”. Mới đây, tại Hội chợ Barcelona, hãng Samsung trình làng mẫu điện thoại di động đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng mặt trời, báo hiệu công nghệ xanh được ứng dụng trong các sản phẩm điện tử. Chính phủ cũng đầu tư 40 tỷ USD trong 4 năm tới nhằm phát triển lĩnh vực công nghệ kỹ thuật xanh, xây dựng hệ thống “Vận tải xanh”, bao gồm: Hệ thống đường sắt thải ít các bon và 3.000 km đường xe đạp quanh 4 con sông xanh; Xây dựng khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng ít năng lượng và điện.

     Kinh nghiệm từ các nước đã và đang tiến hành phát triển nền KTX có thể liên hệ tới Việt Nam về các giải pháp phát triển như: Nguồn nhân lực, công nghệ, nhận thức, vốn… sẽ là những rào cản tạo ra khoảng cách lớn so với các nước phát triển mà Việt Nam phải vượt qua; Cần nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình xây dựng nền KTX để phát triển kinh tế địa phương.

     Từ nhận thức, quan điểm này các địa phương phải có sự đột phá, đổi mới tư duy phù hợp mới có thể thực hiện đúng mục đích, mục tiêu, hiệu quả các chính sách, chiến lược đã đề ra. Tư duy đúng đắn, sâu sắc, đổi mới, tái cơ cấu, dịch chuyển nhanh, kịp thời với xu thế thời đại chính là yếu tố tạo ra sự cạnh tranh thành công; Là cơ sở tạo nên tốc độ phát triển nhanh hay chậm của mỗi đô thị, mỗi địa phương.

     Đồng thời, các cấp chính quyền ở địa phương cần làm tốt công tác truyền thông bởi nhận thức đúng mới có hành động đúng, mà nhận thức là cả một quá trình cần được phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hiểu và thấy rõ trách nhiệm của mình trong phát triển nền KTX.

     Xây dựng các ưu tiên trong phát triển nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh: Trong nền kinh tế cạnh tranh, đòi hỏi các lĩnh vực phải xây dựng thương hiệu, mỗi vùng, mỗi địa phương cần có một hoặc nhiều thương hiệu và giữ gìn thương hiệu một cách bền vững. Như vậy, cần phải đầu tư công nghệ để sản phẩm có chất lượng cao, an toàn làm tăng thêm chuỗi giá trị các sản phẩm. Mỗi vùng, mỗi địa phương có những thương hiệu trong các lĩnh vực chế biến nông sản, dịch vụ và du lịch.

     Trong xu thế phát triển ngày nay, mỗi địa phương, mỗi vùng không thể phát triển đơn lẻ mà cần có sự liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, khó khăn. Liên kết vùng là tổng hòa các mối quan hệ nội vùng và liên vùng trên mọi lĩnh vực. Đây là đòi hỏi khách quan rất cần thiết, nhất là Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Có những vấn đề mà trong phạm vi địa phương, vùng không giải quyết được. Để khắc phục điều này phải đặt ra điều kiện liên kết trong chuỗi giá trị để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương, vùng và quốc gia, thay vì làm riêng rẽ từng địa phương như hiện nay. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (2009), trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên, nông dân chịu thiệt thòi rất lớn. Họ chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê cuối cùng. Các công đoạn không hình thành nên giá trị gia tăng, thậm chí làm giảm thu nhập của nông dân như khâu thu gom, đại lý các cấp lại nhiều thêm như ở Bảng 1.

     Như vậy, nếu sự liên kết vùng được thực hiện tốt, các vùng sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau, vùng này sản xuất, vùng kia chế biến và vùng khác xuất khẩu thì chuỗi giá trị sản phẩm sẽ tăng lên gấp bội và quyền lợi của người sản xuất mới được đảm bảo.

     Trong định hướng phát triển nền KTX, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ rất quan trọng. Các doanh nghiệp này đang tạo ra một khối lượng lớn công việc cũng như đóng góp nhiều cho tăng trưởng việc làm và ổn định xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tiếp cận được với công nghệ mới, hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng đó, người dân với tư cách “Người tiêu dùng xanh” cần tránh tiêu thụ những sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe và môi trường. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà cung cấp phải tạo ra và cung ứng những sản phẩm, dịch vụ không ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ví dụ, mua và tiêu thụ các loại rau và thực phẩm an toàn, chọn loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thải ít khói ra môi trường, chọn loại đồ gia dụng giúp tiết kiệm điện, nước; không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông hay thịt của động vật hoang dã quý hiếm, mua những thứ mình cần chứ không mua những thứ mình thích, hưởng ứng phong trào đi xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng… Khi thay đổi nhận thức và thói quen, người tiêu dùng xanh có quyền thay đổi nhà cung cấp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp là 3 yếu tố then chốt để xây dựng nền KTX.

     Xanh hóa trong quy hoạch các đô thị: Ngoài việc tăng tỷ lệ cây xanh đô thị, ở những nơi có đặc điểm về địa hình, điều kiện tự nhiên với nét nổi trội là hệ thống sông rạch chằng chịt, diện tích rừng ngập mặn lớn như ở đồng bằng sông Cửu Long có thể xây dựng “Đô thị nước” đã được nghiên cứu và đưa ra trong nhiệm vụ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ, nhằm ứng phó với thiên tai và BĐKH (tháng 8/2011). Để phát triển hệ thống các đô thị nước, trước hết phải chủ động công tác quy hoạch “giành chỗ cho nước”, nghĩa là thay vì để “nước” tự do lấn chiếm không gian như hiện tại thì cần phải quy hoạch cụ thể không gian của “nước”. Cách tiếp cận này đã được nhiều quốc gia thực hiện, đặc biệt là Hà Lan với cách tiếp cận thích nghi với nước trong quy hoạch và thiết kế đô thị là Chương trình “giành chỗ cho nước”. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian hơn cho nước, để nước có thể thâm nhập vào đô thị theo cách có thể kiểm soát, qua đó giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước, giảm thiểu chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước. Hiểu theo nghĩa này thì trong một thành phố nước, những con sông chảy qua, những hồ chứa nước vừa là những biểu hiện cảnh quan sinh thái, cải thiện điều kiện tiểu khí hậu nhưng đồng thời cũng là nơi cho nước “trú ngụ” khi có mưa lũ...

 

GS.TS. Lê Văn Khoa

Viện Tư vấn phát triển

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn