Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Ngành Xây dựng đẩy mạnh phát triển các loại vật liệu xây dựng xanh thân thiện với môi trường

16/01/2020

     Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam tăng nhanh, với nhiều công trình xây dựng đã gây ra những tác động môi trường như ô nhiễm bụi và rác thải xây dựng. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhu cầu sử dụng vật liệu xanh, trong đó có gạch không nung thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm điện năng tiêu thụ đang là xu hướng mà ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) hướng tới.

     Phát triển các sản phẩm VLXD xanh

     Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tới tháng 5/2019, nước ta có 833 đô thị, dự báo đến năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 1.000 đô thị. Thống kê của Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải các bon và 40% chất thải rắn xây dựng. Vì vậy, việc phát triển VLXD xanh, trong đó có gạch không nung sẽ giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường là yêu cầu cấp thiết.

     Nhằm đẩy mạnh phát triển VLXD xanh, thân thiện với môi trường nói chung  và  gạch không nung nói riêng, những năm gần đây, Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, trong đó quy định “sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng”; Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý VLXD khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường trong đó có vật liệu xây không nung; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển VLXD không nung với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020; Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 18/10/2012, quy định sử dụng VLXD không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, tại các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước buộc phải sử dụng vật liệu không nung ở các đô thị loại 2, tối thiểu phải 50% và đô thị loại 3 là 100%.

 

Nhiều công trình ở Sơn La sử dụng gạch không nung, thân thiện với môi trường

 

     Báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả thực hiện Chương trình phát triển VLXD không nung, hiện cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành phố trên đã ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công; 25 địa phương đã xây dựng chính sách về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Đến nay, tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất đạt 7 tỷ viên (chiếm 28% tổng lượng gạch xây dựng).

      Sơn La là một trong những địa phương đi đầu về sản xuất gạch không nung, từ năm 2015, tỉnh đã triển khai Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung, với công suất 15 triệu viên/năm. Công ty CP Xây dựng và thương mại An Phát, tiểu khu 8, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) đã được chuyển giao dây chuyền công nghệ. Đến nay, Dự án đã sản xuất thử nghiệm được trên 10.000 viên gạch, tiếp thu, làm chủ và áp dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất gạch không nung bằng công nghệ đất hóa đá từ nguyên liệu sẵn có của địa phương. Kết quả nghiên cứu của Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; chất lượng gạch được đánh giá tương đương và cao hơn gạch nung truyền thống cùng loại, sử dụng ít diện tích mặt bằng, chi phí đầu tư giảm; không sử dụng nhiệt nên tiết kiệm năng lượng, có thể tận dụng được nguồn đất sẵn có của địa phương.

     Mặc dù, có những thay đổi tích cực, tuy nhiên, việc sử dụng VLXD xanh, thân thiện với môi trường nói chung và gạch không nung nói riêng trong xây dựng còn nhiều khó khăn, thách thức do quá trình phát triển công trình xanh chưa được quan tâm cả về góc độ quản lý nhà nước và hoạt động doanh nghiệp. Công tác đầu tư phát triển sản xuất đối với một số loại VLXD xanh chưa hợp lý, quy mô còn nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao; công nghệ sản xuất VLXD xanh ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới, đòi hỏi phải thay thế, đổi mới. Đồng thời, do người dân chưa có thói quen trong sử dụng VLXD xanh, trong khi những lợi ích mà sản phẩm VLXD truyền thống vẫn chiếm ưu thế; vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất khai thác chế biến đá xây dựng, đá ốp lát, gốm sứ xây dựng có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.

     Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững VLXD xanh

     Để phát triển bền vững các VLXD xanh, Bộ Xây dựng đang dự thảo lấy ý kiến về Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược là công cụ quan trọng để định hướng phát triển VLXD xanh theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và BVMT. Chiến lược được ban hành sẽ là căn cứ để xây dựng các kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành, địa phương và quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng mới VLXD xanh.

      Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng VLXD xanh, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường nói chung và gạch không nung nói riêng. Đặc biệt, đối với công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể, có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng VLXD xanh; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất VLXD; sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao vào sản xuất, từng bước áp dụng các giải pháp của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

      Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến công tác về đào tạo chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng VLXD mới; công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng VLXD xanh để người dân và doanh nghiệp hình thành thói quen thay thế vật liệu xây dựng cũ bằng các loại VLXD thân thiện với môi trường. Đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng, việc dán nhãn xác nhận đối với VLXD xanh cũng là giải pháp hữu ích nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về sử dụng vật liệu ít tác hại tới môi trường.

     Đồng thời, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, từng bước loại bỏ cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp; phát triển các cơ sở sản xuất VLXD xanh phải gắn với vùng nguyên liệu, điều kiện cơ sở hạ tầng và thực hiện phân bố vào các khu, cụm công nghiệp; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển VLXD. Đối với vật liệu gạch không nung, cần tiếp tục ban hành tiêu chuẩn hướng dẫn thiết kế, thi công, nghiệm thu các kết cấu công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung; có ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại gạch không nung; ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất gạch không nung và bắt buộc sử dụng vật liệu gạch không nung vào các công trình xây dựng theo tiêu chí cụ thể; phổ biến cho người dân ưu điểm của gạch không nung, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung; tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng gạch xây không nung, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững.

 

Nguyễn Hải Hà

Đại học Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn