Banner trang chủ

Các khu dự trữ sinh quyển cần có những động thái mạnh mẽ trong việc chống rác thải nhựa

23/12/2019

     Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới được UNESCO chính thức công nhận, trong đó có nhiều nơi thu hút đông đảo du khách tới tham quan như Cát Bà, Đồng Nai, rừng ngập mặn Cần Giờ… Tuy nhiên, do lượng khách du lịch tăng cao, một số KDTSQ đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Vì vậy, với vai trò, sứ mệnh của mình, các KDTSQ thế giới cần là hình mẫu về tiết giảm, hướng tới nói không với rác thải nhựa. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Trần Lan Hương - Điều phối bộ phận khoa học Văn phòng UNESCO tại Hà Nội về vấn đề này.

 

Bà Trần Lan Hương - Điều phối bộ phận khoa học Văn phòng UNESCO tại Hà Nội

 

     PV: Hiện nay, hầu hết các KDTSQ đều phát triển mạnh hoạt động du lịch, đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến áp lực từ rác thải nhựa. Vậy để cân bằng giữa khai thác và bảo tồn một cách hài hòa, các KDTSQ cần phải làm gì, thưa bà?

     Bà Trần Lan Hương: Các KDTSQ đều sở hữu cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, đi kèm đó là tính đa dạng sinh học cao, nên việc phát triển du lịch là điều tất yếu, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, ranh giới, địa hình trong hệ thống các KDTSQ ở Việt Nam rất đa dạng bao gồm núi, rừng, đồng bằng, ven biển, đảo… Vì vậy, việc ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung ở các KDTSQ rất dễ tác động xấu đến nguồn nước - yếu tố tác động rất lớn đến đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, tổn hại môi trường ở các khu sinh quyển đe dọa trực tiếp, làm tổn thương hệ sinh thái với rất nhiều hệ động, thực vật quý hiếm khiến môi trường mất cân bằng nghiêm trọng. Điều này tất yếu dẫn đến chất lượng môi trường sống của các đô thị, nông thôn lân cận các khu sinh quyển sẽ bị suy giảm.

     Trước những tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, UNESCO luôn khuyến cáo chính quyền ở các KDTSQ cần chủ động ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm. Không chỉ ở các KSTSQ, chúng tôi còn có hướng dẫn, khuyến cáo các di sản thiên nhiên thế giới nên hạn chế số lượng khách du lịch ở một ngưỡng nhất định. Hiện nay, ngoài Cù Lao Chàm đã khống chế không quá 3.000 khách/ngày ra đảo, Sơn Đoòng (Quảng Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hay Tràng An (Ninh Bình) cũng đã chứng minh hoạt động hiệu quả nhờ việc cân bằng lượng khách so với khả năng phục vụ của các điểm đến.

     Mặt khác, về phía các KDTSQ cần đi tiên phong trong việc chống rác thải nhựa và đưa ra những sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong cuộc sống cộng đồng, đồng thời là mô hình phát triển bền vững, điển hình ở các địa phương. Trong các KDTSQ, ngoài vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, còn có vùng đệm và vùng chuyển tiếp diễn ra các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động. Đây là các khu vực lý tưởng để thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa, từ đó cải thiện sinh kế, môi trường cho cư dân bản địa, giúp cho cả hệ sinh thái trong KDTSQ có được một chất lượng sống bền vững. Thực tế hiện nay, không chỉ Cù Lao Chàm - Hội An, các khu sinh quyển khác đều đang có những động thái mạnh mẽ để “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Nhiều sáng kiến, giải pháp xanh để tiết giảm, cũng như khuyến khích cộng đồng tham gia được lồng ghép sinh động như “đổi chai nhựa lấy quà”, “biến rác thành tiền”…

     PV: Thưa bà, việc tiết giảm rác thải nhựa ở các nơi vẫn chủ yếu đến từ việc tuyên truyền và phụ thuộc không nhỏ vào ý thức của cộng đồng, phải chăng chúng ta đang thiếu một khung pháp lý và tính răn đe  đủ mạnh?

     Bà Trần Lan Hương: Đây rõ ràng là một hạn chế khiến việc giảm thiểu rác thải nhựa chưa thể đạt được kết quả như kỳ vọng. Một bộ phận cộng đồng vẫn chưa xây dựng được ý thức tự giác về BVMT, nhất là khi vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa liên quan đến hành vi sinh hoạt hàng ngày. Ngoài việc tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức từ người dân, cần thiết phải có sự định hướng và cam kết cụ thể từ phía chính quyền các cấp. Thời gian qua, UNESCO cùng Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này, đây cũng là một cách để thúc đẩy các nhà quản lý xây dựng kế hoạch hành động, đó là nền tảng cơ bản để xử lý vấn đề căn cơ, đồng bộ. Về lâu dài, cần hình thành một khung pháp lý bài bản để kiểm soát rác thải nhựa, nhất là tại các KDTSQ và các chế tài quy định cụ thể đối với hành vi trái với quy định hạn chế rác thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường tại KDTSQ. Đơn cử như hiện nay tại Hồ Gươm (Hà Nội) đã tổ chức ghi hình, treo biển xử phạt người xả rác tại phố đi bộ, việc này bước đầu đem lại kết quả tích cực, người dân cũng như du khách chấp hành tốt hơn.

 

Du khách dùng giỏ nhựa đi chợ thay vì dùng túi ni lông ở Cù Lao Chàm

 

     PV: Xin bà cho biết, từ mô hình thành công ở Cù Lao Chàm, UNESCO cũng như Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam kỳ vọng gì vào việc xây dựng chương trình hành động trong thời gian tới của các khu sinh quyển?

     Bà Trần Lan Hương: Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên của Việt Nam đã nói không với túi ni lông. Tại thời điểm đó, hầu hết ở các địa phương khác vẫn chưa nhận thức và có động thái về vấn đề này. Cù Lao Chàm đã không dừng lại với những thành công bước đầu, mà cố gắng hướng đến mục tiêu cao hơn trong bối cảnh mới chính là giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ rác thải nhựa. Sự thành công ở Cù Lao Chàm đến từ chính nhận thức và sự hợp tác của cộng đồng. Có thể nói, xây dựng được nhận thức đúng đắn từ cộng đồng là yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu. Bắt nguồn từ một mô hình có phạm vi nhỏ, giờ đây đã lan tỏa ra ngoài phạm vi của địa phương. Cũng cần nhắc đến sự ủng hộ và vai trò tích cực của chính quyền địa phương, khi chỉ đạo triển khai mạnh mẽ cả một phong trào “nói không với túi ni lông”.

     Chúng tôi hy vọng từ mô hình thành công ở Cù Lao Chàm sẽ sớm có những cam kết cụ thể từ Ban Quản lý các khu sinh quyển, bên cạnh đó là xác định kế hoạch hành động, xây dựng sáng kiến liên quan đến xử lý rác thải nhựa để triển khai với các mốc thời gian cụ thể. Ở đây, ngoài vai trò của Ban Quản lý còn phải đề cập đến sự tham gia của chính quyền, người dân, doanh nghiệp địa phương, bởi chỉ khi có được sự tương tác, kết nối hiệu quả giữa các bên liên quan thì mới có thể trông đợi vào kết quả tích cực từ các chương trình hành động.

     PV: Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi!

 

Nam Việt (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn