Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo chất lượng nước trên nền tảng delft fews cho lưu vực sông Thị Vải

02/12/2022

 

    Tóm tắt: Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng mô hình Delft FEWS để tích hợp các dữ liệu thủy động lực học và chất lượng nước đo đạc trên lưu vực sông Thị Vải vào 2 mùa mưa và khô 2021. Mô hình này đã áp dụng thành công trong việc xây dựng mô phỏng các quá trình thuỷ động lực, lan truyền, khuếch tán và biến đổi của các quá trình của oxy hòa tan, các nhóm dinh dưỡng hoà tan (NH4+, NO3-, PO43-). Kết quả mô hình dự báo là cơ sở theo dõi số liệu và dự báo, cảnh báo sự cố liên quan đến chất lượng môi trường nước sông Thị Vải.

    Từ khóa: Dự báo, Delf Few, sông Thị Vải.

    Nhận bài: 7/11/2022; Sửa chữa: 17/11/2022; Duyệt đăng: 21/11/2022.  

  1. Mở đầu

    Sông Thị Vải nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, có chiều dài dòng chính khoảng 31,5 km và đổ ra cửa biển tại vịnh Gành Rái. Vùng tả ngạn sông Thị Vải có trục quốc lộ 51 - tuyến đường huyết mạch nối liền thành phố biển Vũng Tàu với các trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa cùng với hệ thống cảng nước sâu nên quá trình phát triển công nghiệp và cảng dọc theo lưu vực sông đang diễn ra mạnh mẽ. Quá trình phát triển công nghiệp trong khu vực đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung, mặt khác lại là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực đối với môi trường, đặc biệt là sự suy giảm chất lượng nước sông Thị Vải.

    Theo thống kê của Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Nam, trên lưu vực sông (LVS) Thị Vải hiện có 21 Khu công nghiệp (KCN) và 2 Cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động có nước thải đổ vào lưu vực. Nguồn thải chính vào LVS Thị Vải là nước thải công nghiệp với tổng lượng phát sinh khoảng 76.400 m3/ngày. Do đó, việc kiểm soát chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý nước thải của các KCN, CCN và các cơ sở có nguồn thải vào lưu vực sông Thị Vải có vai trò quan trọng nhằm theo dõi, kiểm tra, giám sát đầy đủ tình hình chất lượng nước thải sau xử lý trước khi thải vào sông Thị Vải, đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông Thị Vải, đồng thời kịp thời phát hiện các sự cố trong việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung để cập nhật cơ sở dữ liệu, dự báo, cảnh báo chất lượng nguồn nước mặt sông Thị Vải phục vụ công tác quản lý môi trường trong vùng.

    Các vấn đề môi trường ngày càng lớn và phức tạp, thiệt hại từ những vụ việc, sự cố môi trường không chỉ là những thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư các khu vực lân cận, gây tâm lý bất ổn cho người dân nói chung. Hành vi vi phạm pháp luật BVMT, gây hậu quả nghiêm trọng của công ty Vedan được phát hiện năm 2008, khiến 15 km sông Thị Vải từ sau khu vực hợp lưu suối Cả - sông Thị Vải khoảng 2km đến KCN Mỹ Xuân đã trở thành “sông chết” và gây ra nhiều thiệt hại cho người dân trong vùng. Sau sự cố trên, các nỗ lực ngăn ngừa ô nhiễm đã cho một số kết quả tích cực, thể hiện qua một số khu vực ô nhiễm nặng nay đã phục hồi. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt Thị Vải giai đoạn 2014 – 2019 so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (loại B2) cho thấy chất lượng nước tại đây đã được cải thiện, cơ bản hồi phục tốt, mặc dù vậy vẫn còn một số điểm ô nhiễm mang tính cục bộ nhưng đang được khắc phục triệt để.

    Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện việc dự báo sớm chất lượng nước dựa trên số liệu của các trạm quan trắc tự động, quan trắc định kỳ, dữ liệu về thủy động lực và các nguồn thải. Sự cố ở lưu vực sông Ohio ở Mỹ vào năm 1977 (Sự rò rỉ đáng kể carbon tetrachloride từ một cơ sở lưu trữ hóa chất ra sông Kanawha, đã di chuyển xuôi dòng vào sông Ohio trong khoảng thời gian vài tháng) đã dẫn đến sự phát triển của các hệ thống cảnh báo sớm (Early Warning System - EWS) nguồn nước ở Hoa Kỳ [1]. Tương tự, các hệ thống cảnh báo sớm khác được thành lập trên khắp thế giới để đối phó với các sự cố ô nhiễm, cũng như là một cơ chế để phát hiện sự hiện diện của chất gây ô nhiễm hoặc các bất thường về chất lượng nước mặt. Ví dụ, vào năm 1986, một vụ hỏa hoạn tại Công ty Sandoz ở Thụy Sĩ đã dẫn đến một sự cố tràn hóa chất lớn ở sông Rhine và các giám sát và EWS trên sông Rhine đã được thực hiện sau đó [1]. Các EWS lớn khác cũng đã được thành lập tại Nhật Bản, Canada, Hà Lan và các nơi khác trên thế giới. Đặc điểm cốt lõi của một EWS hiệu quả là: (1) cung cấp phản hồi nhanh, (2) đủ độ nhạy để phát hiện các chất gây ô nhiễm và (3) hoạt động như một hệ thống tự động, cho phép giám sát từ xa.

    Các hệ thống cảnh báo sớm (EWS) đã được công nhận như những công cụ quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực gây ô nhiễm nguồn nước cho các hệ thống cấp nước (Grayman et al. 2001) [2]. EWS có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách xác định các tác động gây ô nhiễm chính theo thời gian thực và tạo ra thông tin cho người vận hành và cộng động, vì vậy các quyết định đã được thông báo có thể được làm (USEPA, 2005) [3]. Các phân tích được thực hiện bởi Grayman et al. (2001) trên số liệu từ 153 hệ thống cấp nước từ Mỹ, Canada và Anh cho thấy 90% các công ty đã áp dụng xem EWS như là một công cụ quan trọng [4].

    Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới chỉ cung cấp thông tin về hiện trạng và diễn biến chất lượng nước dựa trên số liệu từ mạng lưới điểm quan trắc định kỳ. Hàng ngày, một lượng lớn dữ liệu quan trắc được truyền về các cơ quan quản lý. Các loại dữ liệu này đa dạng về loại định dạng, cấu trúc dữ liệu. Một số dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động cần phải cập nhật theo thời gian thực. Công tác xử lí các loại dữ liệu này cung cấp đầu vào cho các mô hình dự báo, cho công tác hiển thị dữ liệu để đánh giá, phân tích, đồng bộ hóa dữ liệu… khá khó khăn, mất nhiều công sức và thời gian trong khi đối với công tác dự báo, cảnh báo sớm có rất ít thời gian từ khi nhận được số liệu đến khi công bố thông tin. Do đó, cần có công cụ hỗ trợ xử lý các tác vụ cập nhật nhanh chóng, thuận tiện với nhiều nguồn số liệu.

    Phần cốt lõi của hệ thống dự báo là các mô hình thủy động lực và chất lượng nước. Một số mô hình có thể kể đến như mô hình Delft3D, MIKE, Mô hình QUAL2K và QUAL2Kw [5], WASP [6], QUASAR [7],… Đây là các mô hình từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong mô phỏng, dự báo chất lượng nước tại Việt Nam. Với sự phát triển của khoa học máy tính đã giúp cải tiến năng lực tính toán của các mô hình mô hình này. Mỗi loại mô hình đều có các ưu, nhược điểm khác nhau, do đó dự báo viên thường sử dụng kết hợp nhiều loại công cụ. Tuy nhiên, điều khó khăn xuất phát chính từ sự đa dạng này. Do đó, đòi hỏi cần có công cụ hỗ trợ tích hợp các mô hình dự báo. Hỗ trợ dự báo viên thiết lập khởi chạy nhiều loại mô hình trên một giao diện chung.

    Trên thế giới, các nhà khoa học cũng như các cơ quan, trung tâm dự báo đã xây dựng một số hệ thống hỗ trợ mô phỏng, dự báo chất lượng nước có thể xử lí các vấn đề tồn tại đã nêu. Một số hệ thống có thể kể tới như MIKE Operation -Đan Mạch [8], hệ thống quản lý nước (CWMS) - Mỹ [9], Nền tảng quản lý dữ liệu cho các ứng dụng tài nguyên nước AQUARIUS – Mỹ [10], hệ thống Delft FEWS – Hà Lan [11]. Các hệ thống này đều có ưu điểm là dễ sử dụng, giao diện thân thiện, quản lý tốt các dữ liệu. Tuy nhiên, hệ thống AQUARIUS và CWMS không được linh động cho các khu vực khác nhau, chỉ được thiết lập cho các lưu vực nhất định tại Mỹ. Hệ thống MIKE Operation và Delft FEWS có khả năng linh động thiết lập cho nhiều khu vực khác nhau nhưng MIKE Operation không có khả năng tích hợp nhiều loại mô hình số dự báo khác nhau, trong khi hiện nay có khá nhau các mô hình dự báo với ưu nhược điểm khác nhau. Dù vậy, Delft-FEWS cho thấy thế mạnh trong việc có thể tích hợp rất nhiều mô hình khác nhau, đặc biệt là Delft3D, bộ mô hình cùng thuộc hệ sinh thái các công cụ của công ty Deltares, Hà Lan. Ngoài ra, đây là một hệ thống mã nguồn mở, do đó không mất nhiều chi phí về bản quyền. Tính linh hoạt đạt được thông qua việc tích hợp các mô hình, các thuật toán thu thập, xử lí dữ liệu vào hệ thống. Hệ thống Delft-FEWS được công ty Deltares (Hà Lan) xây dựng và phát triển dựa trên cách tiếp cận này [12].

    Mục đích chính của Delft-FEWS là cung cấp một nền tảng mà qua đó có thể xây dựng các hệ thống dự báo hoạt động và cho phép sự linh hoạt trong việc tích hợp các mô hình và dữ liệu. Hệ thống Delft-FEWS không bao gồm các mô hình dự báo sẵn có trong đó. Thay vào đó, nó hoàn toàn dựa vào sự tích hợp của các thành phần mô hình (bên thứ ba) [13,14] . Kể từ khi được giới thiệu ở dạng hiện tại vào năm 2002/2003, hệ thống này đã được áp dụng tại nhiều đơn vị tại Việt Nam như hỗ trợ dự báo lũ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hỗ trợ dự báo lũ LVS Mê Kông tại Ủy ban sông Mê Kông (MRC),  phục vụ dự báo mặn tại Bến Tre và Trà Vinh, hỗ trợ dự báo cảnh báo lũ LVS Vu Gia Thu Bồn tại Quảng Nam.

    Với những ưu điểm trên, bài báo trước tiên cung cấp cung cấp tổng quan về cấu trúc và tính năng quan trọng nhất của Delft-FEWS, và ứng dụng của hệ thống Delft-FEWS trong nghiên cứu và trong công tác dự báo chất lượng nước, cụ thể là ứng dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Thị Vải.

    2. Phương pháp nghiên cứu

    2.1 Tổng quan hệ thống Delft FEWS Thị Vải

    Kiến trúc cơ sở dữ liệu FEWS - Thị Vải cung cấp thông tin về độ mặn và chất lượng nước cập nhật cho các nhà quản lý nước, nông dân và các bên liên quan khác, thông qua các báo cáo dự báo đơn giản. FEWS – Thị Vải bao gồm các thành phần sau:

  • Mô đun nhập dữ liệu
  • Mô đun tiền xử lý và kiểm định
  • Bộ kết nối / tích hợp mô hình
  • Lưu trữ và hiển thị dữ liệu
  • Mô đun xuất dữ liệu

Hình 1. Các thành phần FEWS - Thị Vải để quản lý dự báo

Hình 2. Các tác vụ cần phải thực hiện trong một ca dự báo

    2.2. Dữ liệu phục vụ nghiên cứu

    Các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau được tích hợp vào hệ thống gồm các dữ liệu thực đo, dữ liệu từ nguồn toàn cầu, dữ liệu dự báo từ mô hình.

    2.2.1 Dữ liệu thực đo

  • Dữ liệu thuỷ động lực (Vị trí các trạm tại khu vực nghiên cứu thể hiện qua Hình 3). 2 đợt đo đạc, 5 trạm đo thủy lực (lưu lượng, mực nước, vận tốc dòng), 4 trạm đo chất lượng nước (12 yếu tố):
  • Đợt 1: 26 – 29/6/2021;
  • Đợt 2: 26 – 29/10/2021.

Hình 3. Các trạm quan trắc hiển thị trên hệ thống

Hình 4. Dữ liệu mực nước và lưu lượng thực đo tại các trạm dọc sông Thị Vải

  • Dữ liệu chất lượng nước

    Dữ liệu thực đo tại các trạm: Dữ liệu chất lượng nước được đo vào ngày 26/6/2021 tại các vị trí dọc sông Thị Vải vào thời điểm triều lên và triều xuống. Dữ liệu này được tóm tắt qua Hình 5. Dữ liệu chất lượng nước này được dùng để hiệu chỉnh mô hình chất lượng nước.

Hình 5. Phân bố hàm lượng các chất trong nước giai đoạn triều lên và triều xuống dữ liệu thực đo 26/06/2021

    2.2.2 Dữ liệu từ nguồn toàn cầu

    Các hệ thống dự báo hiện nay đều yêu cầu nhập dữ liệu vào hệ thống. Dữ liệu này được sử dụng để phân tích điều kiện hiện trạng khí tượng thủy văn và là đầu vào cho các mô hình thủy văn và thủy lực. Trong hầu hết các hệ thống, dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau được cân nhắc thu thập và sử dụng với các định dạng khác nhau. Việc nhập dữ liệu từ các nguồn khác nhau này đặt ra một thách thức đáng kể, không chỉ bởi hiện nay có nhiều định dạng dữ liệu được sử dụng mà trong nhiều trường hợp còn do sự khác biệt trong loại dữ liệu được cung cấp. Mô-đun nhập liệu của Delft-FEWS có thể xử lý với hầu hết các tiêu chuẩn dữ liệu hiện tại và chuyển các dữ liệu này vào bộ lưu trữ của hệ thống. Trong cộng đồng khí tượng, các tiêu chuẩn định dạng dữ liệu đã được chuẩn hóa và sử dụng chung như GRIB, GRIB2, định dạng BUFR, NetCDF với các quy ước CF (dự báo khí hậu). Các tiêu chuẩn này đã được áp dụng rộng rãi cho dữ liệu không gian địa lý và có thể dễ dàng nhập liệu và lưu trữ trong hệ thống Delft-FEWS [15]. Các dữ liệu dự báo toàn cầu được nhập vào hệ thống Delft FEWS Thị Vải bao gồm:

  • Số liệu khí tượng dự báo GFS hạn 10 ngày từ Trung tâm Quốc gia về Dự báo Môi trường Hoa Kỳ (NOAA) gồm các yếu tố lượng mưa, gió, áp suất với bước thời gian 3 giờ.
  • Dữ liệu dự báo hải văn của HYCOM của Trung tâm Nghiên cứu Dự báo Khí quyển-Đại dương Hoa Kỳ gồm các yếu tố nhiệt độ nước, độ mặn, dòng chảy (U, V), nước dềnh với bước thời gian 3 giờ.
  • Dữ liệu dự báo chất lượng nước biển từ nguồn CMEMS bao gồm Chlorophyll, Dissolve Iron, Nitrate, Total Primary Production of phyto, DO, pH, Total Phytoplankton, Photphate, Dissolve Silicat, Surface CO2.
  • Dữ liệu dự báo sóng từ nguồn NOAA (sử dụng mô hình WWIII) bao gồm độ cao sóng, hướng sóng và chu kì sóng.

    ​2.2.3 Dữ liệu dự báo từ mô hình

    Mô hình chất lượng nước sử dụng trong hệ thống FEWS – Thị Vải được xây dựng dựa trên bộ mô hình Delft3D với 02 module chính là module thủy lực D-Flow và module chất lượng nước D-Waq. Do đó, hệ thống FEWS Thị Vải đã tích hợp lần lượt hai module D-Flow và D-Waq của bộ mô hình dự báo chất lượng nước đã được hiệu chỉnh Delft3D (D-Waq): Bộ mô hình dự báo chất lượng nước được xây dựng trong khuôn khổ đề tài TNMT.2019.04.01 .

    Một tính năng chính của Delft-FEWS là khả năng chạy các mô đun bên ngoài để cung cấp chức năng dự báo thiết yếu. Bộ điều hợp chịu trác nhiệm trao đổi dữ liệu với các mô đun, chạy các mô đun và bộ điều hợp của chúng. Hệ thống DELFT-FEWS không có khả năng để triển khai cụ thể các mô đun này. Thay vào đó hệ thống là một hệ thống mở, coi các mô đun bên ngoài là trình cắm thêm để có thể sử dụng nếu cần.

    Việc giao tiếp giữa Bộ điều hợp chung và mô đun được thiết lập thông qua PI. Đây là một  định dạng trao đổi dữ liệu trên XML. Bộ điều hợp chung sẽ được cài đặt để chung cấp dữ liệu cần thiết để một mô đun chạy ở định dạng PI. Bộ điều hợp mô đun sau đó sẽ dịch dữ liệu từ PI dang định dạng gốc của mô đun. Ngược lai, kết quá sẽ được xuất dang định dạng PI bởi bộ điều hợp mô đun trước khi Bộ điều hợp chung nhạp chúng lại Delft-FEWS. Các dữ liệu dự báo được nhập trở lại hệ thống và hiển thị cho người dùng theo dõi và có thể thực hiện các chức năng khác.

Hình 6. Mô đun được kết nối với Delft-FEWS qua Bộ điều hợp chung và một phần của cấu hình FEWS

    3. Kết quả

    3.1 Kết quả tích hợp dữ liệu thực đo, hỗ trợ cập nhật theo thời gian thực

    Đối với kiến trúc cơ sở dữ liệu được thiết kế, nguồn cấp dữ liệu từ các mạng lưới trạm quan trắc hoặc dữ liệu thực đo của Đề tài sẽ được nhập, lưu trữ và hiển thị trong hệ thống FEWS - Thị Vải. Dữ liệu quan trắc theo thời gian cần được cung cấp ở định dạng CSV để chia sẻ qua FTP.

Hình 7. Hiển thị các dữ liệu tại các trạm thực đo trên hệ thống

    3.2  Kết quả tích hợp kết quả dự báo mưa, triều và mô hình dự báo thay đổi nguồn thải trên lưu vực và sông Thị Vải (trước 3 ngày)

    Dữ liệu toàn cầu (dữ liệu dự báo khí tượng, mưa, hải văn và chất lượng nước)

    Bên cạnh các dữ liệu thực đo, hệ thống hỗ trợ dự báo được cấu hình để thu thập bổ sung tự động các nguồn số liệu tái phân tích và dự báo gồm: Số liệu khí tượng dự báo GFS hạn 10 ngày, dữ liệu dự báo hải văn của HYCOM gồm các yếu tố nhiệt độ nước, độ mặn, dòng chảy (U, V), mực nước, các yếu tố chất lượng nước từ nguồn CMEMS bao gồm Chlorophyll, Dissolve Iron, Nitrate, Total Primary Production of phyto, DO, pH, Total Phytoplankton, Photphate, Dissolve Silicat, Surface CO2 có hạn dự báo là 3 ngày. Các dữ liệu này sẽ hỗ trợ dự báo viên và quản lý có thể tổng quát hóa các biến động thủy động lực và môi trường tại khu vực và hỗ trợ đầu vào cho mô hình.

Hình 8. Dữ liệu dự báo toàn cầu hiển thị trên hệ thống

    3.3 Kết quả tích hợp tích hợp dữ liệu dự báo chất lượng nước

    Dựa trên cơ sở nguyên tắc hệ thống FEWS kết nối với các mô hình thông qua bộ điều hợp (adapter), bộ module thủy lực D-Flow đã được tích hợp vào hệ thống. Hệ thống FEWS Thị Vải chuẩn bị các biên đầu vào và tiến hành gọi mô hình chạy dự báo, trích xuất các điểm trạm và nhập ngược lại vào hệ thống. Hình 9 mô tả vị trí các điểm trích dự báo.

Hình 9. Vị trí các trích xuất từ mô hình hiển thị trên hệ thống

Hình 10. Hiển thị kết quả tính toán theo điểm/trạm trên hệ thống

Hình 11. Các kết quả hiển thị theo dạng bảng và đồ thị trên hệ thống tại từng điểm/trạm

    Hệ thống FEWS cho phép hiển thị so sánh nhiều trạm của một yếu tố trên một đồ thị, hoặc nhiều yếu tố của một trạm trên một đồ thị để người sử dụng có thể so sánh, đánh giá. Bên cạnh đó, bảng các giá hiển thị bên cạnh đồ thị giúp người dùng dễ dàng theo dõi.

    Vị trí các điểm trích xuất trong module chất lượng nước tương tự như module thủy lực D-Flow. Hệ thống FEWS Thị Vải cung cấp các tác vụ tích hợp mô hình, các kết quả mô hình và các công cụ hỗ trợ hiển thị kết quả dự báo.

Hình 12. Các kết quả chất lượng nước hiển thị theo dạng bảng và đồ thị trên hệ thống tại từng điểm/trạm

    Kết quả từ bộ mô hình chất lượng nước D-Waq (bộ kết quả các kịch bản dự báo nguồn thải) khác nhau được tích hợp vào hệt thống. Người sử dụng có thể theo dõi các kết quả dự báo tại các điểm trích xuất từ mô hình (MC4-MC7) với các thông số gồm: Amoni, Nitrat và Phosphat với hạn dự báo là 3 ngày.

    4. Kết luận

    Nghiên cứu đã trình bày nền tảng hỗ trợ dự báo chất lượng nước Delft FEWS cho LVS Thị Vải. Hệ thống có khả năng cung cấp công cụ hỗ trợ các dự báo viên, nhà quản lý có những thông tin dự báo từ nhiều nguồn khác nhau một cách nhanh chóng, trực quan nhất. Hệ thống được thiết kế với nhiều chức năng khác nhau, có thể giải quyết nhiều vấn đề mà một hệ thống hỗ trợ dự báo chất lượng nước đặt ra như thu thập, xử lí các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau (thực đo tại các trạm, dự báo toàn cầu), liên kết tích hợp mô hình dự báo và hỗ trợ xuất các dữ liệu để phục vụ hiển thị dự báo trên WebGIS. Hệ thống đảm bảo sự linh hoạt đối với những sự thay đổi, nhất là trong sự phát triển công nghệ đo đạc, công nghệ lưu trữ dữ liệu hay công nghệ dự báo (mô hình số) hiện nay mà không cần xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới.

    Tuy nhiên, hệ thống có những giới hạn nhất định. Để duy trì được hệ thống yếu tố rất quan trọng và không thể thiếu là dữ liệu nhằm thiết lập hệ thống và thiết lập các kịch bản mô phỏng. Trong quá trình thực hiện, các dữ liệu về nguồn thải, các dữ liệu từ các trạm quan trắc môi trường nước được truyền về liên tục và đầy đủ luôn rất khó khăn. Điều này khiến nhóm thực hiện gặp nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Ngoài ra, với mỗi một mô hình dự báo, hệ thống Delft FEWS sẽ yêu cầu một bộ điều hợp (adapter) khác nhau và không phải bộ mô hình nào cũng sẵn có. Đối với trường hợp không sẵn có, người thiết lập hệ thống sẽ cần phải tự phát triển bộ điều hợp. Đây là công việc khó khăn, yêu cầu nhiều nguồn lực, kỹ thuật để có thể phát triển bộ điều hợp cho mô hình. Vì vậy, các đơn vị liên quan và đơn vị phát triển cần cân nhắc mục tiêu và yêu cầu để lựa chọn loại mô hình phù hợp. Mặc dù, hệ thống Delft FEWS Thị Vải là hệ thống hỗ trợ dự báo chất lượng nước đắc lực, có tiềm năng lớn để ứng dụng tại các lưu vực sông khác tại Việt Nam.

    Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự tài trợ của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ là đề tài: "Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo chất lượng nước LVS Thị Vải phục vụ công tác quản lý môi trường LVS” do Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 1903/QĐ-BTNMT phê duyệt ngày 27/8/2020.

Nguyễn Xuân Lộc1, Trần Ngọc Anh1*, Nguyễn Hồng Quân 2, Lê Hoài Nam 3, Phạm Ngọc Hà4

1 Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội  

2 Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM

3 Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Nam, Tổng cục Môi trường;

4 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2022)

DELF-FEWS MODEL APPLICATION TO ESTABLISH THE WATER QUALITY FORECASTING SYSTEM IN THI VAI RIVER BASIN

Nguyen Xuan Loc1, Tran Ngoc Anh1*, Nguyen Hong Quan2, Le Hoai Nam3,  Phạm Ngoc Ha4

1 Center for Environmental Fluid Dynamics, VNU University of Science, Vietnam National University, Hanoi;

2 Institute for Circular Economy Development (ICED), VNU-HCM

3South Centre for Environmental Monitoring, Vietnam Environment Administration

4Ho Chi Minh City University for Natural Resources and Environment

    Abstract: In this study, we used the Delft FEWS model to integrate the hydrodynamic and water quality data measured in the Thi Vai river basin in the rainy and dry seasons of 2021. This model provided reliable results in the simulation of the hydrodynamic propagation, diffusion, and transformation processes of dissolved oxygen and soluble nutrient groups (NH4+, NO3-, PO43-). The results of the forecasting model are the basis for data monitoring and forecasting and warning of incidents related to water quality in Thi Vai river.

    Keywords: Forecasting, Delf-FEWS, Thi Vai river. 

    Tài liệu tham khảo

    [1] EPA, Drinking Water Treatment Source Water Early Warning System State of the Science Review Report, September 2017.

    [2] Grayman, W.M., Deininger, R.A., Males, R.M., 2001. Design of early warning and predictive source-water monitoring systems (No. 90878), Monitoring and Analysis. AWWA Research Foundation, Denver, CO.

    [3] U.S. EPA, 2005. Technologies and Techniques for Early Warning Systems to Monitor and Evaluate Drinking Water Quality: A State-of-the-Art Review (EPA/600/R-05/156). U.S. EPA, Office of Water, Washington DC.

    [4] Carlos Velez, Leonardo Alfonso, Arlex Sanchez, Alberto Galvis and Gilberto Sepulveda, Centinela: an early warning system for the water quality of the Cauca River, Journal of Hydroinformatics, 2014.

    [5] Fidel-Huertas MA (2015) Ứng dụng của Qual2KW trong mô hình hóa chất lượng nước của sông Guacaica, bộ phận Caldas, Colombia. Bằng cấp Khoa Kỹ thuật và Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Quốc gia Colombia. Colombia 100 p.

    [6] Di Toro DM, JJ Fitzpatrick yRV Thomann (1981) Chương trình mô phỏng phân tích chất lượng nước (WASP) và Chương trình xác minh mô hình (MVP) - Tài liệu. Hydroscience, Inc., Westwood, NY, cho Hoa Kỳ EPA, Duluth, MN, Hợp đồng số 68-01-3872.

    [7] P.G. Whitehead, R.J. Williams, D.R. Lewis, Quality simulation along river systems (QUASAR): model theory and development, Science of The Total Environment, Volumes 194–195, 1997.

    [8] DHI, https://www.mikepoweredbydhi.com/products/mike-operations.

    [9] Thomas Evans, Bill Oakley, Jerry Cotter, Edie Zagona. Integration Of Riverware Into The Corps Water Management System, Proceedings of the. Third Federal Interagency Hydrologic Modeling Conference. April 2-5, 2006. Reno, Nevada USA.

    [10] Fred S Conte, Abbas Ahmadi. AQUARIUS: A Decision Support System for Aquaculture. 21st Century Watershed Technology: Improving Water Quality and Environment Conference Proceedings, 21-24 February 2010, Universidad EARTH, Costa Rica  701P0210cd.(doi:10.13031/2013.29390).

    [11] Peter Gijsbers, M. G. F. Werner, J. Schellekens. Delft FEWS: A proven infrastructure to bring data, sensors and models together. 4th International Congress On Environmental Modelling And Software - Barcelona, Catalonia, Spain - July 2008.

    [12] Werner, M., Heynert, K., 2006, Open model integration e a review of practical examples in operational flood forecasting, In: Gourbesville, P., Cunge, J., Guinot, V., Liong, S. (Eds.), 7th International Conference on Hydroinformatics, Nice, France, 155-162.

     [13] VD Vĩnh, NV Quân, 2015. Đặc điểm thủy động lực và khả năng trao đổi nước khu vực đầm Nại (Ninh Thuận)-kết quả từ mô hình Delft3D. Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển 15 (3), 250-256.

     [14] T. T. Kim, P. T. M. Diễm, T. T. T. An, N. C. Toại, P. Ngọc, and N. T. Bảy, “Đánh giá chất lượng nước mặt trên hệ thống các sông rạch chính khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ứng với quy hoạch khu công nghiệp và phát triển dân cư,” Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng, vol. 18, no. 9, pp. 11–16, 2020.

    [15] Daryl T. Kleist, David F. Parrish, John C. Derber, Russ Treadon, Wan-Shu Wu, and Stephen Lord, 2009, Introduction of the GSI into the NCEP Global Data Assimilation System, Weather and Forecasting, Vol 24, Issue 6, 1691 - 1705.

Ý kiến của bạn