Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề của Dự án Luật BVMT (sửa đổi)

12/10/2020

Chiều ngày 12/10/2020, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 49. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật BVMT (sửa đổi).

 

(Ảnh theo quochoi.vn)

    Về giấy phép môi trường, tại Dự thảo Luật xin ý kiến các Đoàn ĐBQH đã trình 2 phương án:

   Phương án 1: Chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính (TTHC) cấp phép về môi trường. Đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường (GPMT) đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

    Phương án 2: Vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.

    Kết quả xin ý kiến, đa số các Đoàn ĐBQH đề nghị quy định theo Phương án 1 (22/28 Đoàn có ý kiến).

    Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu tích hợp được 7 loại giấy phép như hiện nay thành một thì sẽ rút gọn nhiều giấy phép, đáp ứng được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực môi trường. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nếu theo “phương án 1” thì việc vướng mắc với Luật Thủy lợi, Chính phủ sẽ phải đưa ra giải pháp cụ thể để hài hoà được công tác quản lý của mình.

    Đối với đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), Dự thảo Luật trình 2 phương án:

    Phương án 1 (Chính phủ trình theo Tờ trình số 252/TTr-CP đã được chỉnh lý bổ sung): Thể hiện tại Điều 30a của dự thảo Luật, là phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C). Theo Phương án 1, thì các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

    Phương án 2 (Tiếp thu chỉnh lý để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29 Dự thảo Luật): Thể hiện tại Điều 30b của Dự thảo Luật là dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Phương án này ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí phân biệt mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đồng thời đã thể hiện lại “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thay cho “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư công và các Luật liên quan.

    Theo Phương án 2, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư.

    Vấn đề này, đa số ý kiến của các đoàn ĐBQH đề nghị thực hiện theo Phương án 2 (39/50 Đoàn có ý kiến). Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đưa ra lấy ý kiến trực tiếp của đại biểu Quốc hội để xem xét một cách khách quan.

    Về ngân sách nhà nước cho BVMT (Điều 149), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý quan điểm tăng chi NSNN cho BVMT theo khả năng NSNN và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng giai đoạn; đồng thời, cũng thống nhất với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tuy nhiên không nên quá chi tiết những nội dung chỉ dẫn đến các ngành sau này sẽ thành tiền lệ không đúng với luật ngân sách.

    Đối với nội dung kiểm toán trong dự thảo Luật, nội dung về kiểm toán môi trường trong Dự thảo Luật nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.

    Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đồng ý có kiểm toán nhà nước về lĩnh vực môi trường, song cần có sự tính toán cụ thể để công tác kiểm toán phù hợp, tránh dài trải, phủ rộng.

   Đối với các vấn đề khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo, đưa ra Quốc hội để lấy ý kiến đại biểu quốc hội sớm đưa ra Quốc hội để thông qua.

Trần Hương

Ý kiến của bạn