Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững trong các ngành công nghiệp

18/10/2022

    Ngày 14/10/2022, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Kết nối cung - cầu đối với sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, do Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm tìm ra các giải pháp kết nối cung - cầu cho các sản phẩm trung gian của chuỗi sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững trong các ngành công nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo

    Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. Trong đó, nền kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện thành công Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. 

    Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành khác đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Quá trình thực hiện tập trung chủ yếu vào công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên; thiết kế bền vững, sinh thái, để tái chế; thúc đẩy sản xuất hàng hóa, sản phẩm thân thiện môi trường; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững… Đến nay, Chương trình đã ghi nhận được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2022: có 24 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động chương trình SCP; xây dựng được các bộ tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp như: 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững, bộ tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì...

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Hội nghị “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp" là dịp để Bộ Công Thương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị cùng nhau xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ giao. Đồng thời, Hội nghị cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững trong giai đoạn tới.

    Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều giải pháp giúp thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn trong sản xuất và tiêu dùng bền vững; Giải pháp kỹ thuật áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, sản xuất và tiêu dùng bền vững; Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp; Giải pháp xanh - không dùng hóa chất, xử lý cáu cặn cho đường ống và thiết bị trao đổi nhiệt…

Doanh nghiệp giới thiệu giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong tiết kiệm năng lượng tại Triển lãm

    Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ Công Thương còn tổ chức Triển lãm “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua Triển lãm, nhiều công nghệ mới được giới thiệu, hứa hẹn đem lại kết quả khả quan khi triển khai tại doanh nghiệp. Sản phẩm trưng bày gồm hàng hóa thân thiện môi trường; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong tiết kiệm năng lượng; giải pháp chuyển đổi số; công nghệ ứng dụng tự động hóa…

Nam Việt

 

Ý kiến của bạn