Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Tập huấn nâng cao hiểu biết về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và bình đẳng giới dành cho lực lượng thu gom phi chính thức

03/12/2024

    Với sự tài trợ của Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (Global Plastic Action Partnership GPAP), ngày 3/12/2024, tại Hà Nội, VietCycle đã tổ chức Chương trình tập huấn nâng cao hiểu biết về sức khỏe, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bình đẳng giới cho lực lượng lao động thu gom phi chính thức. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Tiếp sức Chiến binh xanh”, nhằm mục tiêu nâng cao kỹ năng và sinh kế cho lao động thu gom phi chính thức. Tham dự Chương trình có ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle; ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle; bà Đặng Nguyệt Anh, đại diện Tổ chức GPAP - Quản lý Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), UNDP Việt Nam; đại diện của các thành viên tích cực thuộc nhóm thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bao trùm đến từ các tổ chức phi Chính phủ: Zero Waste, GreenHub, IUCN và 100 người lao động thu gom phi chính thức. 

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn

    Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle cho biết, Chương trình tập huấn ngày hôm nay là một cột mốc quan trọng khi chúng ta chính thức phát động Dự án “Tiếp sức Chiến binh xanh”, một sáng kiến ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho khối lao động thu gom phi chính thức tại Việt Nam - Lực lực lượng đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế tuần hoàn, góp phần xử lý tới 70% lượng rác tái chế. Dự án là một trong 2 dự án duy nhất tại Việt Nam vinh dự được nhận tài trợ từ GPAP, một sáng kiến toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới. Dự án không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà còn hướng tới việc thay đổi nhận thức xã hội về ngành thu gom và tái chế rác thải nhựa, góp phần xây dựng một tương lai bền vững hơn. Chúng tôi tự hào khi VietCycle được lựa chọn để triển khai Dự án, với sứ mệnh không chỉ nâng cao kỹ năng, sinh kế mà còn hỗ trợ hội nhập xã hội cho những người lao động phi chính thức. Với ý nghĩa đó, buổi tập huấn ngày hôm nay không chỉ là điểm khởi đầu của Dự án, mà còn là lời cam kết của VietCycle trong việc thúc đẩy sự bền vững và công bằng xã hội cho khối lao động thu gom phi chính thức. Với sự đồng hành của tất cả đại biểu, tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên những thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng - Chủ tịch VietCycle Hoàng Đức Vượng nhấn mạnh.

    Với chương trình tập huấn cho 100 người lao động thu gom phi chính thức, bao gồm các nữ lao động ve chai tự do, công nhân lao động tại các làng nghề tái chế và các chủ vựa phế liệu tại Hà Nội, VietCycle kỳ vọng buổi tập huấn đầu tiên sẽ giúp lao động thu gom phi chính thức nắm vững kiến thức về an toàn lao động, đặc biệt là PCCC và bảo vệ sức khỏe trong quá trình làm việc. Đồng thời, Chương trình hướng đến nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo cơ hội phát triển cho phụ nữ trong ngành. Đây là nền tảng để xây dựng một cộng đồng lao động an toàn, công bằng và bền vững hơn.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Dự án “Tiếp sức Chiến binh xanh”

    Theo Ngân hàng thế giới, khoảng 70% lượng rác tái chế tại Việt Nam được xử lý bởi lực lượng lao động phi chính thức, bao gồm các nhóm ve chai, đồng nát. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lực lượng này ước tính có khoảng 80.000 - 100.000 người, phần lớn là phụ nữ, chiếm tỷ lệ lên tới 60 - 70% trong ngành thu gom và tái chế rác thải nhựa (UNDP, 2021). Đáng chú ý, họ đều thuộc nhóm phụ nữ yếu thế, không có việc làm ổn định hoặc đến từ các vùng nông thôn, tìm kiếm cơ hội mưu sinh tại thành phố. Dù đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế tuần hoàn, họ thường phải làm việc trong điều kiện thiếu an toàn lao động, thu nhập thấp và đối mặt với nhiều bất bình đẳng giới. 

    Nhận thấy tầm quan trọng của nhóm lao động này, Chương trình GPAP, một sáng kiến toàn cầu trực thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới đã triển khai các dự án hỗ trợ nhằm cải thiện điều kiện sống cũng như làm việc cho khối lao động phi chính thức. Với bề dày kinh nghiệm cùng những dự án thiết thực trong nhiều năm qua, VietCycle đã vinh dự được lựa chọn để nhận khoản tài trợ từ GPAP. VietCycle cũng là đơn vị tiên phong xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét - Hệ thống quy trình khép kín từ thu gom, phân loại đến tái chế rác thải nhựa, bao gồm hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp và hàng vạn lao động thu gom, phân loại, tái chế trên cả nước. XanhNét tạo thành 1 chuỗi giá trị cùng chia sẻ lợi ích, hội nhập khối lao động phi chính thức, từng bước tăng thêm thu nhập và động viên tinh thần cho cộng đồng phụ nữ yếu thế. Tính đến nay, XanhNét đã xây dựng được mạng lưới thu gom bao gồm hơn 3.000 lao động ve chai (chiến binh xanh) - cách VietCycle vinh danh những người hùng thầm lặng đang ngày đêm thu gom rác thải, lực lượng không thể thiếu trong hành trình thực hiện sứ mệnh - “Vì một Việt Nam văn minh với rác”.

Thượng úy Bùi Anh Tuấn, cán bộ đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ,

Công An quận Thanh Xuân hướng dẫn về các biện pháp PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nguyên tắc an toàn lao động

    Thông qua nguồn tài trợ của GPAP, Dự án “Tiếp sức Chiến binh xanh” được VietCycle triển khai với mục tiêu nâng cao kỹ năng, nguồn lực và sinh kế cho khối lao động thu gom phi chính thức. Đây đồng thời cũng là cam kết của VietCycle và GPAP trong việc thúc đẩy sự bền vững, công bằng xã hội trong cộng đồng lao động phi chính thức, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò quan trọng của lực lượng này trong nền kinh tế tuần hoàn. Dự án bao gồm 2 buổi tập huấn chuyên sâu: Buổi 1 diễn ra tại Hà Nội với nội dung nâng cao nhận thức về an toàn lao động, PCCC và bình đẳng giới; Buổi 2 tạiTP. Hồ Chí Minh với nội dung cung cấp kỹ năng tài chính và kỹ thuật trong tái chế nhựa. Bên cạnh đó là Triển lãm sáng tạo, một sự kiện đặc biệt nhằm giới thiệu công việc của lao động ve chai và nâng cao nhận thức của giới trẻ về vấn đề rác thải, qua đó truyền cảm hứng cho cộng đồng về vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn.

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly, chuyên gia bình đẳng giới và hòa nhập xã hội cung cấp kiến thức, cơ hội

để thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò cũng như tiếng nói của phụ nữ trong cộng đồng lao động thu gom rác

    Trong buổi tập huấn đầu tiên của Dự án, các đại biểu đã chia sẻ những cảm nghĩ và tầm nhìn vì mục tiêu chung. Bà Đặng Nguyệt Anh, Quản lý Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa Việt Nam, UNDP Việt Nam bày tỏ: “Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP) và Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) luôn cam kết đồng hành cùng VietCycle trong quá trình thực hiện Dự án, không chỉ bởi VietCycle là thành viên trong nhóm kỹ thuật về bnh đẳng giới và phát triển bao trùm mà chúng tôi tin rằng, các cô chú, anh chị có quyền được hưởng môi trường làm việc an toàn, có cơ hội đào tạo và có thu nhập xứng đáng với công sức của mình.”

    Tiếp đó, đại diện GPAP, VietCycle và khối lao động thu gom phi chính thức đã cùng thực hiện nghi thức khởi động Dự án đầy ý nghĩa. Nghi lễ không chỉ đánh dấu sự chung tay sâu sắc của các bên trong việc thúc đẩy vai trò của những người thu gom mà còn khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn rác thải tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Chương trình tập huấn

    Sau nghi thức khởi động Dự án, các đại biểu tham dự đã được tập huấn về: (1). An toàn lao động, PCCC với sự hướng dẫn của Thượng úy Bùi Anh Tuấn, cán bộ đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công An quận Thanh Xuân về các biện pháp PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nguyên tắc an toàn lao động. (2) Tập huấn về bình đẳng giới và phát triển bao trùm. Trong phần này, bà Đoàn Vũ Thảo Ly, chuyên gia bình đẳng giới và hòa nhập xã hội đã cung cấp kiến thức, cơ hội để thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò cũng như tiếng nói của phụ nữ trong cộng đồng lao động thu gom rác. Nhiều trò chơi tương tác, bài tập được tổ chức lồng ghép để người tham dự có thể thực hành, áp dụng kiến thức đã học ngay tại chỗ.

    Thông tin về Đối tác hành động toàn cầu về nhựa - GPAP

    The Global Plastic Action Partnership (GPAP) - Quan hệ đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) là nền tảng của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhằm chuyển đổi các cam kết về ô nhiễm nhựa thành hành động cụ thể. Được thành lập bởi liên minh các đối tác công và tư, GPAP nổi lên như một nền tảng mới đầy tham vọng để đẩy nhanh phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đang gia tăng.

    Thông tin về VietCycle

    Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành thu gom - tái chế rác thải nhựa, VietCycle nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan quản lý, các đồng nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế chung tay xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chống ô nhiễm rác thải, tiết kiệm tài nguyên cho đất nước. Đối mặt với sự khủng hoảng về môi trường, thấu hiểu những khó khăn của đồng nghiệp và những người thu gom rác, VietCycle không ngừng nỗ lực xây dựng mạng lưới thu gom trên toàn quốc, hỗ trợ sinh kế cho lực lượng phi chính thức, liên kết hợp tác chặt chẽ với các nhà tái chế, cùng chia sẻ lợi ích và lan tỏa khát vọng “Vì một Việt Nam văn minh với rác”. Để hiện thực hóa khát vọng đó, VietCycle đang nỗ lực xây dựng và vận hành Hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét. Hiện nay XanhNét đã bao gồm hơn 3.500 người thu gom phi chính thức (Chiến binh xanh) và hơn 26 nhà máy tái chế tại Việt Nam. Ngoài ra, việc thực thi EPR cho các nhãn hàng và nhà sản xuất là một cơ hội để VietCycle có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR, giúp chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng.

Bùi Hằng - Chí Viễn

Ý kiến của bạn