Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam

20/12/2024

    Ngày 20/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Văn phòng FAO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động và tham vấn kỹ thuật Dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá một trong những đồng bằng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo của thế giới. Dù có nhiều lợi thế về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như lúa gạo, trái cây, thuỷ sản nhưng vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trở ngại như phát triển vùng thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt là xây dựng các nhà máy thủy điện, thủy lợi… làm cho lượng phù sa về vùng ngày càng giảm, tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng, mưa cực đoan cùng hệ thống sản xuất nông nghiệp chưa được quy hoạch, định hướng phát triển phù hợp.

    Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng thuận thiên, dựa vào tự nhiên dựa trên tiếp cận quản lý cảnh quan tổng hợp, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được giao chủ trì phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO) tại Việt Nam hoàn thiện văn kiện Dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Dự án có thời gian thực hiện trong 5 năm (2024 - 2028) với mục tiêu chung là hỗ trợ chuyển đổi vùng sản xuất lúa gạo chủ đạo ở vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long sang mô hình sản xuất và quản lý tổng hợp cảnh quản quan bền vững, thích ứng, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nhằm mang lại các lợi ích về môi trường và xã hội.

TS. Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

    Nhấn mạnh về vai trò của tài nguyên, môi trường, TS. Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng, tài nguyên, môi trường là đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp nên BVMT, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu cần thiết để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để thực hiện mục tiêu quản lý tổng hợp cảnh quan, phát triển hệ thống sản xuất lương thực bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, Văn phòng FAO tại Việt Nam mong muốn nhận được góp ý, tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự án này.

    Chia sẻ về Dự án, TS. Nguyễn Sỹ Linh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Phó Giám đốc Dự án cho biết, Dự án được thực hiện gồm 4 hợp phần chính: (1) Thiết lập môi trường thuận lợi cho thực hiện quản lý tổng hợp cảnh quan, với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và nguồn lực sản xuất cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp và quản lý tài nguyên, môi trường; xây dựng các chuỗi giá trị; (2) Thúc đẩy thực hành sản xuất lương thực bền vững và chuỗi giá trị có trách nhiệm để đóng góp vào quản lý tổng hợp cảnh quan và lợi ích môi trường toàn cầu (GEBs); (3) Bảo tồn, quản lý và phục hồi rừng, vùng đất ngập nước và hệ thống canh tác có lợi cho dịch vụ hệ sinh thái nhằm tăng cường năng lực bảo tồn, quản lý và phục hồi rừng, vùng đất ngập nước và hệ thống canh tác; (4) Quản lý tri thức; Giám sát và đánh giá, với mục tiêu triển khai áp dụng thí điểm mô hình quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện; chia sẻ kiến thức, kết quả thực hiện mô hình quản lý tổng hợp cảnh quan ở cấp độ toàn cầu và quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi các nội dung về kế hoạch thực hiện và khung giám sát, đánh giá; Xác định các rủi ro trong quá trình triển khai Dự án và đề xuất biện pháp giảm thiểu; Cơ hội, tiềm năng phối hợp với các bên… 

    Góp ý cho Dự án, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) lưu ý, trong quá trình thực hiện Dự án cần chú trọng xây dựng tài liệu hướng dẫn dựa trên bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp Trung ương nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích quốc gia, lợi ích ngành mà phương pháp tiếp cận tổng hợp trong sản xuất và quản lý cảnh quan mang lại. Đồng thời, có chương trình tập huấn và nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp tỉnh về quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững và áp dụng quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vào quá trình lập kế hoạch và ra quyết định.

    Đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động từ con người ở lưu vực sông Mê Công, vùng đất này đang đứng trước nhiều khó khăn khi dần mất đi nhiều lợi thế sẵn có. Do đó, Dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” được thực hiện có ý nghĩa to lớn, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 120/NĐ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quá trình thực hiện Dự án, đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cũng lưu ý, cần xây dựng khung quản lý linh hoạt nhiều cấp độ dựa trên chỉ số và tiêu chuẩn bền vững đã được cải thiện và điều chỉnh phù hợp với địa phương. Đồng thời, xây dựng, triển khai các chiến lược truyền thông, chia sẻ bài học kinh nghiệm và quản lý tri thức…

Hương Mai

Ý kiến của bạn