Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 02/01/2025

Ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động đốt rơm rạ tại Hà Nội và một số giải pháp xử lý

26/09/2022

    Thời điểm người dân Hà Nội bước vào thu hoạch mùa, cũng là lúc dọc một số tuyến đường thuộc quốc lộ 32 hay khu vực tập trung sản xuất lúa tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai... xuất hiện nhiều đám khói. Nguyên nhân là do nông dân đốt rơm rạ tại ruộng để giải phóng đất, kịp thời gieo cấy vụ mùa sau, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bởi khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C, H, O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy, biến thành khí NO2, NO3, SO2… Mặt khác, lượng tro sót lại chứa một ít P, K, Calci (Ca), Silic (Si)… do đốt ở nhiệt độ thấp, không cháy hết hoàn toàn, sẽ phát sinh ra hàng loạt chất ô nhiễm, trong đó có bụi PM10, PM2.5, CO2, kim loại (chì, thủy ngân, kẽm, asen…). Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho biết, bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông và là mầm mống gây bệnh tật cho con người, nhất là các bệnh về hô hấp, tim mạch.

    Vừa lãng phí tài nguyên, vừa ô nhiễm môi trường

    Trên địa bàn Hà Nội hiện còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố. Thao PGS.TS. Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng thuộc Dự án “Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội” do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, dưới sự hỗ trợ của Sở TN&MT Hà Nội và Trung tâm sống, học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) trong khuôn khổ Dự án Chung tay hành động vì không khí sạch được tài trợ bởi USAID, vụ Đông Xuân năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn Thành phố Hà Nội là 67.493 ha, chiếm khoảng 20% diện tích canh tác lúa (được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô). Tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng sau thu hoạch trung bình là 20%. Những quận, huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao từ 35 - 60% gồm Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ. Với 20% lượng rơm rạ bị đốt, sẽ phát sinh khoảng 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, đáng lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 - tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp, tim mạch. Vụ mùa năm 2020, diện tích canh tác lúa thấp hơn, nên lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng thấp hơn với 251.266 tấn, tỷ lệ rơm rạ bị đốt khoảng 2%. Trong vụ mùa 2021, kiểm tra thực tế do Sở TN&MT Hà Nội tiến hành cho thấy, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện còn khá phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh sau vụ Đông Xuân (hơn 710.676 tấn rơm rạ tươi). Nhiều huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như: Gia Lâm và Thường Tín (50%), Thạch Thất (45%), Chương Mỹ (37%)... Điều này khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao, cụ thể, khối lượng bụi mịn PM2.5 đo được là 86,9 tấn, khí CO2 là 12.326,8 tấn, khí SO2 khoảng 1.885 tấn và CO là 973,9 tấn. Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp khu vực nội thành, ảnh hưởng an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài…

Người dân huyện Sóc Sơn đốt rơm rạ ngay sát sân bay Nội Bài, gây ô nhiễm trực tiếp khu vực nội thành và ảnh hưởng an ninh hàng không

    Trong khi đó, nghiên cứu của một số nhà khoa học chỉ ra, rơm rạ là nguồn nguyên liệu đa dụng, không phải là rác thải. Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo 100 gam trọng lượng khô có 60 g cellulose, 14 g lignin, 3,4 g đạm,1,9 g chất béo. Nếu tính theo nguyên tố thì các bon chiếm 44%, hydro 5%, ôxy 49%, nitơ 0,92%, còn lại là chất vi lượng như phốt pho, lưu huỳnh, kali. Hiện nay, khoa học cũng đã chỉ ra nhiều cách tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch như ủ rơm kỵ khí làm thức ăn cho gia súc hoặc trồng nấm rơm, ước tính cứ 1 tấn rơm rạ đem đi trồng nấm sẽ thu được 780 kg nấm rơm tươi. Mặt khác, rơm rạ còn có thể tận dụng để vùi vào đất, giúp đất trồng có thêm đạm, chất hữu cơ hoặc sản xuất phân bón hữu cơ bằng cách cho chế phẩm vi sinh cùng với nước, phân NPK lên rơm, rạ rồi phủ ni lông, trát bùn kín. Sau 3 tuần rơm rạ sẽ mủn ra, dùng phân này để bón lót cho cây trồng sẽ giảm được 30% lượng phân bón hóa học, tăng năng suất lên 7%. Ngoài ra, rơm rạ còn có thể dùng để sản xuất than sinh khối, ethanol, giấy, vật liệu xây dựng (bê tông siêu nhẹ, đệm lót vận chuyển hàng hóa dễ vỡ, vận chuyển hoa quả…) cũng là một trong những giải pháp hữu ích được khuyến nghị áp dụng.

    Tăng cường giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí

    Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp. Tiêu biểu, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn.

    Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, thời gian qua, các huyện, thị xã trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch xử lý tình trạng đốt rơm rạ. Với một số huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai... ngoài việc tuyên truyền, địa phương đã huy động sự vào cuộc của cộng đồng, yêu cầu người dân cam kết chấm dứt việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng... Điển hình, từ tháng 9/2020, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm đốt rơm rạ, trong đó chỉ rõ: Hành vi đốt rơm rạ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Nội vụ kiểm tra, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện không đúng Chỉ thị số 15/CT-UBND.

Thu gom rơm rạ sau thu hoạch tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì

    Từ tháng 5/2020, Chi cục BVMT Hà Nội cũng phối hợp với Trung tâm Live&Learn đồng hành cùng các bên trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch và thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện giải pháp kỹ thuật hạn chế biện pháp đốt. Nhờ đó, vụ Đông Xuân năm 2021, ít nhất 6 huyện (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000 ha đồng ruộng đã áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt. Từ đây, nhiều mô hình nhỏ, sáng kiến địa phương đã được khuyến khích triển khai như Hội phụ nữ huyện Sóc Sơn với mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ; Hội Nông dân huyện Đan Phượng vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đảm bảo phù hợp với quy hoạch; nông dân Ba Vì áp dụng biện pháp thu rơm, phay rơm làm thức ăn cho gia súc; Hội Phụ nữ huyện Đông Anh dùng rơm làm mái nhà giáo xứ; Mỹ Đức có mô hình thu rơm hỗ trợ hoạt động nuôi ao cá… Đặc biệt, từ đầu năm 2021, huyện Đông Anh đã phối hợp với Live&Learn cùng nhiều doanh nghiệp xử lý rác thải triển khai Chương trình giảm rác tại cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ đốt rác tại địa phương. Tính đến tháng 8/2021, Chương trình được thí điểm triển khai tại 4 xã trên địa bàn huyện với các hoạt động phân loại, ủ rác hữu cơ. Kết quả kiểm kê rác tại 54 hộ gia đình chỉ ra rằng, sau khi phân loại, xử lý rác hữu cơ, khối lượng rác chuyển đến bãi chôn lấp giảm 50 - 70%. Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới chính sách/kế hoạch của các cấp và sự tham gia của các bên liên quan để giảm thiểu hoạt động đốt rơm rạ triệt để và bền vững.

    Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải; Văn bản số 1137/UBND-ĐT ngày 18/4/2022 về việc tăng cường giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí. Trong đó, Sở TN&MT được UBND Thành phố giao triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) hoàn thành trong năm 2022. Cùng với đó, Sở có nhiệm vụ tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố triển khai hiệu quả. Các đơn vị thuộc Sở hoàn thiện, vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng môi trường không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thành phố. Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND Thành phố giao chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra hoạt động đốt rơm rạ và tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn.

    Cũng trong năm 2021, Dự án “Chung tay hành động vì không khí sạch” do USAID tài trợ tiếp tục đồng hành cùng Thành phố Hà Nội hỗ trợ nhóm nghiên cứu khoa học, song song với quá trình xây dựng kế hoạch của các địa phương (cấp huyện/xã) và đơn vị truyền thông. Nhiều hoạt động được đưa ra, bao gồm hỗ trợ ngân sách, nhân lực từ địa phương, nhóm cộng đồng/hợp tác xã trực tiếp thí điểm giải pháp xử lý rơm rạ hoặc hướng dẫn người dân triển khai, trong đó, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh... là những huyện đã lập kế hoạch thúc đẩy giải pháp truyền thông, xử lý, kiểm soát hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng. Một số giải pháp kỹ thuật cũng được áp dụng, tiêu biểu như sử dụng chế phẩm vi sinh để biến rơm rạ thành phân bón; thu, cuốn rơm rạ để sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác và thu gom rơm làm thức ăn cho cá, làm mái nhà, sân chơi…

    Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường cũng như sức khỏe con người; khuyến khích phát triển mô hình sản xuất sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho những địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình đốt rơm, rạ, gây ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí tại địa phương.

Vũ Thị Hiền

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. https://quynhphu.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/van-hoa-xa-hoi/dot-rom-ra-lang-phi-tai-nguyen-o-nhiem-moi-truong.html

    2. https://baotintuc.vn/xa-hoi/dot-rom-ra-va-cac-giai-phap-thay-the-tai-ha-noi-20210605200028153.htm

    3. https://baodantoc.vn/ghi-nhan-su-chuyen-bien-trong-xoa-bo-tinh-trang-dot-rom-ra-o-ha-noi-1632996085953.htm

Ý kiến của bạn