Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Nghiên cứu ứng dụng phương pháp ôxy hóa nâng cao kết hợp ôzôn và tia UV trong xử lý nước thải dệt nhuộm khu công nghiệp Phố Nối

07/01/2021

     TÓM TẮT

     Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng phương pháp ôxy hóa nâng cao kết hợp ôzôn và tia UV để xử lý COD trong nước thải dệt nhuộm khu công nghiệp Phố Nối B (Tỉnh Hưng Yên). Các thông số ảnh hưởng đến lớn đến quá trình này là tác nhân oxy hóa (UV, ôzôn và ôzôn/UV kết hợp), thời gian phản ứng, pH và liều lượng khí ozon được khảo sát. Kết quả thực nghiệm cho thấy, phương pháp sử dụng ôzôn kết hợp với tác nhân tia UV cho hiệu  quả xử lý COD cao hơn hẳn so với phương pháp sử dụng UV đơn lẻ và ôzôn đơn lẻ. Ở giá trị pH = 8 và liều lượng sục khí ozon 3,5 lit/phút.lit nước thải, COD đầu ra của nước thải giảm từ 624 mg/L xuống còn 198 mg/L, tương ứng với hiệu quả xử lý đạt 69,2% trong thời gian 60 phút, đạt QCVN 13:2015/BTNMT. 

     Từ khóa: Nước thải dệt nhuộm, phương pháp oxy hóa nâng cao, COD.

ABSTRACT

     The paper presents the results of an investigation of using advanced oxidation processes treatment using O3 in combination with UV of textile wastewater of Pho Noi B Industrial Park (Hung Yen province). The parameters that greatly affect this process as the oxidizing agent (UV, O3 and O3/UV combined), reaction time, pH and ozone dosage were investigated. Experiment showed that the highest effectiveness was achieved in the O3/UV combination compared to single agents as O3 and UV.  At pH = 8 and ozone dosage of 3.5 liters/min.liter of wastewater, output  COD reduced from 624 mg/L to 198 mg/L, equivalent to COD removal efficiency of 69.2% for 60 minutes reaction, reaching QCVN 13:2015/BTNMT.

     Keywords: Textile wastewater, advanced oxidation processes, COD.

     1. Đặt vấn đề

     Ngành Dệt may Việt Nam trong những năm gần đây liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến nay đã vươn lên trở thành ngành kinh tế hàng đầu cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đóng góp từ 10 - 15% GDP hàng năm. 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018 [1].

     Song song với sự phát triển mạnh mẽ của ngành là các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm nước thải ở các nhà máy dệt nhuộm vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Lượng nước thải phát sinh từ các công đoạn dệt nhuộm rất lớn, ước tính từ 50 - 300 m3/tấn vải. Thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải dệt nhuộm rất phức tạp, bao gồm H2SO4, CH3COOH, NaOH, NaOCl, H2O2, Na2CO3, Na2SO3…, các loại thuốc nhuộm, chất hoạt động bề mặt, chất ngấm, chất cầm màu, chất tẩy giặt…. Nhìn chung, nước thải dệt nhuộm có độ kiềm cao (pH dao động từ 9 - 12), hàm lượng chất hữu cơ cao (COD có thể lên tới 1000 - 3000 mg/l), độ màu của nước thải khá lớn (có thể lên tới vài chục ngìn Pt-Co), hàm lượng cặn lơ lửng cao (có thể đạt giá trị 2000 mg/l) [2]. Các phương pháp hóa học, hóa lý truyền thống như trung hòa điều chỉnh pH, đông keo tụ, hấp phụ, ôxy hóa được áp dụng phổ biến để xử lý nước thải dệt nhuộm. Tuy nhiên, độ màu và một số chất hữu cơ khó phân hủy sinh học trong nước thải dệt nhuộm rất khó xử lý, gây màu tối cho nguồn tiếp nhận, ảnh hưởng tới quá trình quang hợp của các loài thủy sinh, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan và môi trường.

     Các quá trình ôxy hóa nâng cao là công nghệ mới được phát triển trong khoảng 20 năm trở lại đây và thể hiện nhiều ưu điểm trong xử lý nước thải dệt nhuộm so với các phương pháp xử lý nước thải truyền thống dựa vào phản ứng tạo ra các gốc tự do hoạt động hydroxyl *OH ngay trong quá trình xử lý. Gốc *OH là một tác nhân ôxy hóa mạnh (thế ôxy hóa bằng 2,80 V), có khả năng ôxy hóa không lựa chọn với mọi hợp chất hữu cơ, cả những chất khó phân hủy hoặc không phân hủy sinh học, biến chúng thành những hợp chất vô cơ như CO2, H2O, các axit vô cơ...[3].

     Trong số các tác nhân ôxy hóa thì O3 được chứng minh mang lại hiệu quả cao trong việc phá vỡ các liên kết thẳng và không bão hòa trong các phân tử thuốc nhuộm, gây ra sự mất màu nhanh chóng của nước thải dệt nhuộm [4]. Ozon hấp thụ mạnh tia UV (nhất là ở bước sóng 254 nm) sản sinh ra H2O2, và ngay lập tức H2O2 phân hủy tạo thành gốc *OH:

O3 +  hv     →  O2  +  O

O  +  H2O  →  H2O2  →  2*OH

     Trong môi trường axit, ôzôn ôxy hóa trực tiếp các hợp chất hữu cơ bằng phân tử ôzôn hòa tan trong nước. Trong khi đó, ở điều kiện pH cao, hoặc trong những điều kiện có các tác nhân tạo thuận lợi cho quá trình tạo gốc *OH  như H2O2, UV, chất xúc tác… con đường ôxy hoá gián tiếp thông qua gốc hydroxyl sẽ là chủ yếu và hiệu quả oxy hoá được nâng cao. Do đó, thay vì sử dụng ôzôn một mình, nhiều công trình nghiên cứu đã tìm kiếm các tác nhân phối hợp với ôzôn hoặc chất xúc tác nhằm tạo ra gốc *OH để nâng cao hiệu quả ôxy hóa của ôzôn khi cần xử lý những hợp chất bền vững, khó phân huỷ trong nước và nước thải [4].

     Khi sử dụng nguồn UV là đèn thủy ngân thấp áp có bước song 254 nm, hệ số hấp thụ phân tử của ôzôn cao (3300 l/M.cm) rất thích hợp cho việc tạo ra gốc *OH. Hiệu suất tạo gốc *OH (hệ số tạo gốc *OH là 2) cao hơn rất nhiều so với hệ H2O2/UV (hệ số tạo gốc là 0.09).

     Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý COD trong nước thải dệt nhuộm bằng phương pháp ôxy hóa nâng cao kết hợp ôzôn và tia UV.

     2. Thực nghiệm

     2.1. Hóa chất và vật liệu

     Nước thải được dùng để thí nghiệm trong nghiên cứu này là nước thải dệt nhuộm được lấy tại Công ty CP Dệt kim Hanosimex (thuộc Khu Công nghiệp Dệt May Phố Nối B, Yên Mỹ, Hưng Yên). Mẫu nước thải dệt nhuộm được lấy tại bể điều hòa của trạm xử lý nước thải của Công ty (Hình 1).

Hình 1. Vị trí lấy mẫu nước thải tại Công ty CP Dệt kim Hanosimex

     Nước thải được lấy đầy vào can nhựa 10 lít. Kỹ thuật lấy mẫu được thực hiện theo TCVN 5999:1995: Chất lượng nước - Lấy mẫu - Hướng dẫn lấy mẫu nước thải. Mẫu nước được vận chuyển và bảo quản trong Phòng Thí nghiệm môi trường - Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải theo TCVN  6663-3:2008: Chất lượng nước - Lấy mẫu - Phần 3: Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu. Các thông số pH và COD của nước thải dệt nhuộm được phân tích tại Phòng thí nghiệm môi trường và được trình bày trong Bảng 1.

     Bảng 1. Các thông số đầu vào của nước thải dệt nhuộm

Thông số đầu vào

Giá trị

Đơn vị

QCVN 13:2015/BTNMT (Cột B)

COD

624

mg/l

200

pH

8

 

5,5-9

 

     Các hóa chất sử dụng trong thực nghiệm thuộc loại tinh khiết dùng cho phân tích.

     2.2. Nội dung thí nghiệm

     Thí nghiệm so sánh hiệu quả xử lý nước thải dệt nhuộm của các quá trình sử dụng ôzôn đơn lẻ, UV đơn lẻ và ôzôn/UV kết hợp. Mẫu nước thải thể tích 400 ml được nạp vào 3 bình, một bình chỉ xử lý bằng ôzôn, một bình chỉ xử lý bằng tia UV, một bình xử lý bằng ôzôn/UV kết hợp, các điều kiện thí nghiệm khác giữ nguyên (liều lượng khí ôzôn trong bình chỉ xử lý bằng ôzôn và bình xử lý bằng ôzôn/UV kết hợp duy trì ở giá trị 3,5 L/phút.L nước thải). Sau các thời gian phản ứng 5, 20, 40 và 60 phút lấy mẫu nước thải sau xử lý để phân tích COD. So sánh để lựa chọn phương pháp có hiệu quả cao nhất.

     Thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng các điều kiện thí nghiệm đến hiệu quả xử lý COD của phương pháp đã được lựa chọn, bao gồm:

     + Thời gian phản ứng: Tiến hành thí nghiệm với thời gian phản ứng là 6h, lấy mẫu nước thải sau từng khoảng thời gian phản ứng để phân tích COD. Xác định thời gian phản ứng thích hợp để nước thải sau xử lý đạt QCVN 13:2015/BTNMT [5].

      + pH: Tiến hành thí nghiệm ở các giá trị pH bằng 4, 6, 8, 9, 10. Các điều kiện thí nghiệm khác (thời gian phản ứng thích hợp,  liều lượng khí ozon, nồng độ COD đầu vào) giống nhau. Các bình chứa nước thải được điều chỉnh về các giá trị pH trên bằng dung dịch H2SO­4 và NaOH.  Lấy mẫu nước thải sau xử lý để phân tích COD. So sánh để lựa chọn giá trị pH cho hiệu quả xử lý cao nhất.

     + Liều lượng sục khí: Tiến hành với các liều lượng sục khí từ 1,0 - 7,5 L/phút.L nước thải với thời gian phản ứng và pH thích hợp đã xác định ở trên. Các liều lượng sục khí khác nhau được tạo ra bằng cách thay đổi lưu lượng sục khí và thể tích phản ứng. Lấy mẫu nước thải sau xử lý để phân tích COD. So sánh để lựa chọn liều lượng sục khí cho hiệu quả xử lý cao nhất..

     2.3. Mô hình thí nghiệm

     Để thực hiện các nội dung thí nghiệm trên, sử dụng mô hình thí nghiệm được bố trí như trên Hình 2.

Hình 2. Mô hình thí nghiệm

     Ôzôn được sục trực tiếp vào nước thải nhờ máy tạo ozon (A.OZONE) có kích thước 30x15x45 cm, công suất tạo ôzôn 7.5 g/h, sử dụng phương pháp tạo ozon bằng plasma trong buồng phóng điện khí rung siêu thanh. Nguồn phát tia UV là đèn UV công suất 10W, phát bức xạ ở bước sóng 245 nm.

     Các bước để tiến hành thí nghiệm như sau:

     Cho nước thải dệt nhuộm vào bình phản ứng, đặt 2 đầu phân phối khí vào bình phản ứng để cho khí ôzôn có thể phân phối đều trong dung dịch nước thải.

     Đặt đèn UV vào vị trí, dùng lồng chắn tia UV phủ lên cả đèn và bình phản ứng.

     Mở van khí để lưu lượng khí ổn định đến giá trị mong muốn, rồi bật đồng thời máy ôzôn và đèn UV.

     Sau từng khoảng thời gian phản ứng, dừng sục khí và tắt đèn UV để tiến hành lấy mẫu và phân tích.

     2.4. Các phương pháp phân tích

     Hàm lượng COD trong các thí nghiệm được xác định theo TCVN  6491: 1999 [6]. pH được đo trực tiếp bằng máy đo pH (TOADKK HM-25R).

     Hiệu suất xử lý COD (H, %) được được tính toán theo công thức:

     Trong đó: CODo và CODt là hàm lượng COD tại thời điểm ban đầu và tại thời điểm t phút trong các thí nghiệm (mg/L); V là thể tích mẫu nước thải trong mỗi thí nghiệm (L).

     3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

     3.1. So sánh hiệu quả xử lý nước thải dệt nhuộm của các phương pháp ôxy hóa bậc cao sử dụng ôzôn đơn lẻ, UV đơn lẻ và ôzôn/UV kết hợp

     Hiệu quả xử lý nước thải dệt nhuộm của các phương pháp ôxy hóa bậc cao sử dụng ôzôn đơn lẻ, UV đơn lẻ và ôzôn/UV kết hợp được thể hiện trên Hình 3.

     Từ đồ thị hình 2 ta thấy các mẫu xử lý bằng UV đơn lẻ, ôzôn đơn lẻ và Ozon/UV hiệu suất xử lý COD sau 5 phút lần lượt là 10,7%; 17,8% và 27,2%; hiệu suất xử lý COD sau 40 phút lần lượt là 16,4%; 40,2% và 47,8%; hiệu suất xử lý COD sau 60 phút lần lượt là 20,0%; 41,2% và 54,3%. Các kết quả này cho thấy, sau từng khoảng thời gian phản ứng hiệu suất xử lý COD của phương pháp sử dụng kết hợp ôzôn/UV là tốt nhất, UV đơn lẻ là kém nhất.

Hình 3. So sánh hiệu suất xử lý COD của các phương pháp ôzôn, UV và ôzôn/UV

     Kết quả này phù hợp với lý thuyết về ảnh hưởng của tia UV, của ôzôn và ôzôn/UV kết hợp [7]. Tia UV đơn lẻ có tác dụng yếu đến các hợp chất hữu cơ no hoặc các chất hấp thụ bức xạ UV, nên độ giảm COD của nước thải khi được xử lý bẳng tia UV chỉ được thể hiện trong vài phút đầu còn trong khoảng thời gian tiếp theo hiệu suất tăng không đáng kể. Trong khi đó, hiệu suất xử lý COD khi sử dụng ôzôn đơn lẻ cao hơn nhiều so với UV đơn lẻ. Điều này được giải thích bởi tính ôxy hóa mạnh của ôzôn (thế oxy hóa của ôzôn bằng 2.08V).  Bên cạnh đó, ở giá trị pH không quá cao (pH = 8) của nước thải dệt nhuộm trong nghiên, một lượng nhỏ ôzôn có khả năng phân hủy tạo thành gốc *OH có thế ôxy hóa cao hơn ôzôn (thế ôxy hóa của *OH bằng 2,8 V) [8] theo phương trình phản ứng:

3O3 + OH- + H+ à 2 *OH + 4 O2

     Trong khi dưới tác dụng đồng thời của ôzôn và tia UV, hiệu quả tạo gốc *OH là rất cao nhờ phản ứng:

O3 + hυ → O2 + O

O + H2O → H2O2 → 2*OH

     Và nhờ tính ôxy hóa mạnh mẽ của gốc *OH mà hiệu suất xử lý của phương pháp ôzôn/UV kết hợp vượt trội so với dùng UV đơn lẻ và cao hơn so với dùng ôzôn đơn lẻ.

     3.2.  Ảnh hưởng của thời gian phản ứng đến hiệu suất xử lý COD bằng phương pháp ôzôn/UV kết hợp

     Nghiên cứu được tiến hành với nước thải dệt nhuộm có nồng độ COD ban đầu bằng 624 mg/L và pH =8, liều lượng khí ôzôn bằng 3,5 L/phút/L nước thải. Ảnh hưởng của thời gian phản ứng đến hiệu suất xử lý COD được thể hiện trọng Bảng 2 và Hình 4.

     Bảng 2. Ảnh hưởng của thời gian phản ứng đến hiệu quả xử lý COD

Thời gian phản ứng

0 phút

5 phút

1 h

2 h

3 h

4 h

5 h

6 h

Hàm lượng COD, mg/L

624

385

245

232

219

207

192

178

Hiệu suất xử lý COD, %

0

38,3

60,7

62,8

64,9

63,3

69,2

71,5

 

     Số liệu Bảng 2 cho thấy, hiệu suất xử lý COD thay đổi theo thời gian phản ứng.  Giá trị COD giảm mạnh trong 1 giờ đầu tiên và hiệu suất xử lý đạt 60,7%. Đặc biệt, kết quả thí nghiệm cho thấy phản ứng diễn ra với tốc độ nhanh nhất trong 5 phút đầu (hiệu suất xử lý đạt 38,3%). Trong các giờ tiếp theo, COD tiếp tục giảm nhưng tốc độ phản ứng chậm. Hiệu suất sau 6 giờ đạt 71,5%, tức là trong 5 giờ tiếp theo hiệu suất quá trình chỉ tăng thêm 10,7%. Do vậy, có thể dừng thí nghiệm sau 60 phút vì nếu tiếp tục thì hiệu suất cũng được tăng thêm không đáng kể.

Hình 4. Đồ thị biến thiên giá trị COD theo thời gian phản ứng

   Từ đồ thị hình 4 nhận thấy xu hướng của đường biến thiên COD là rất dốc trong khoảng thời gian đầu và độ dốc giảm dần theo thời gian, thể hiện rằng hiệu quả quá trình khử COD mạnh hơn trong thời gian đầu tiên, và càng về sau thì tốc độ giảm COD càng chậm lại. Điều này có thể được giải thích bởi thành phần các chất hữu cơ dễ phân hủy và khó phân hủy trong dung dịch nước thải. Ngoài các chất hữu cơ dễ phân hủy, trong nước thải dệt nhuộm còn có chứa các chất ô nhiễm với cấu tạo hóa học phức tạp. Để xử lý các chất hữu cơ này cần thời gian để các gốc *OH bẻ gãy các liên kết bền vững, chất hữu cơ mới được tạo thành có cấu tạo hóa học đơn giản hơn lại tiếp tục tham gia phản ứng oxy hóa. Do đó trong thời gian đầu các chất hữu cơ dễ phân hủy tham gia phản ứng oxy hóa khiến COD giảm nhanh và trong nước thải còn lại chủ yếu là các chất hữu cơ khó phân hủy. Việc ôxy hóa các chất hữu cơ này đòi hỏi thời gian phản ứng dài hơn khiến tốc độ giảm COD chậm đi và đường biến thiên COD theo thời gian có xu hướng sát với đường nằm ngang.

     3.3. Ảnh hưởng của pH đến hiệu suất xử lý COD bằng phương pháp ôzôn/UV kết hợp

     Thí nghiệm được tiến hành với các bình phản ứng chứa nước thải dệt nhuộm, pH được điều chỉnh nhờ dung dịch NaOH và H2SO4. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của pH đến hiệu quả xử lý COD của nước thải dệt nhuộm được trình bày trong Bảng 3 và Hình 5.

     Bảng 3. Ảnh hưởng của pH đến hiệu quả xử lý COD

pH

Hiệu quả xử lý COD (%) sau thời gian phản ứng

0 phút

5 phút

20 phút

40 phút

60 phút

4

0

22,6

33,3

39,6

47,9

6

0

27,2

40,0

46,8

49,7

8

0

38,3

46,5

52,6

60,7

9

0

36,5

43,3

50,0

52,9

10

0

33,0

41,2

47,4

51,3

 

     Từ Bảng 6 ta thấy, sau 60 phút, hiệu suất xử lý COD bằng phương pháp Ozon/UV kết hợp tại với các giá trị pH bằng 4, 6, 8, 9 và 10 lần lượt là 47,9%, 49,7%, 60,7%, 52,9% và 51,3%. Ở pH = 8 ta thấy hiệu suất xử lý COD đạt cao hơn ở các pH còn lại  và COD đầu ra là 245 mg/L, gần ngưỡng quy chuẩn thải cột B (Hình 5).

Hình 5. Khả năng xử lý COD tại các giá trị pH khác nhau

     Kết quả này tương đối hợp lý vì theo lý thuyết của quá trình oxi hóa nâng cao, trong môi trường kiềm thì hiệu quả của quá trình sản sinh gốc *OH là tốt hơn  theo phản ứng:

3O3 + OH- + H→ 2OH + 4O2

     3.4. Ảnh hưởng của liều lượng khí ôzôn đến hiệu suất xử lý COD bằng phương pháp ôzôn/UV kết hợp

     Liều lượng khí ôzôn  là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý COD. Khảo sát ảnh hưởng của liều lượng khí ôzôn đến khả năng xử lý COD trong mẫu nước thải với nồng độ COD ban đầu là 624 mg/L, pH =8. Khoảng liều lượng khí ozon khảo sát từ 2,5 - 7,5 (L O3/phút.L nước thải). Kết quả thí nghiệm được thể hiện trình bày trong Bảng 4 và Hình 6.

     Bảng 4. nh hưởng của liều lượng sục khí ôzôn đến hiệu quả xử lý COD

Mẫu

pH

Liều lượng khí ôzôn  (L/phút.L nước thải)

Hàm lượng COD (mg/L) sau thời gian phản ứng

0 phút

5 phút

20 phút

40 phút

60 phút

1

8

7,5

624

312

287

253

198

Hiệu suất xử lý COD (%)

0

50,0

54,0

59,5

69,2

2

8

3,5

624

385

332

296

245

Hiệu suất xử lý COD (%)

0

38,3

46,8

52,6

60,7

3

8

2,5

624

454

365

326

285

Hiệu suất xử lý COD (%)

0

27,2

41,5

47,8

54,3

 

     Từ Bảng 4 cho thấy, khi tăng liều lượng sục khí ôzôn từ 2,5 (L/phút.L nước thải) đến 7,5 (L/phút.L nước thải), COD đầu ra có xu hướng giảm dần, sau 60 phút hàm lượng COD lần lượt giảm còn 285 mg/L và 198 mg/L, tương ứng hiệu quả xử lý COD tăng từ 54,3% lên 69,2% (hình 6). Như vậy, hiệu quả xử lý COD tăng khi liều lượng ozon tăng vì nồng độ ôzôn trong nước tăng có vai trò thúc đẩy quá trình tạo gốc *OH mạnh mẽ hơn. Như vậy, sục ôzôn với liều lượng 7,5 (L/phút.L nước thải) sau 60 phút, COD đầu ra đạt 198 mg/L, đạt QCVN 13:2015/BTNMT cột B.

Hình 6. Ảnh hưởng của liệu lượng sục khí ôzôn đến hiệu quả xử lý COD

     4. Kết luận

     Từ kết quả nghiên cứu khả năng xử lý COD trong nước thải dệt nhuộm bằng các phương pháp ôxy hóa nâng cao (ôzôn đơn lẻ, UV đơn lẻ và ôzôn/UV kết hợp)  có thể rút ra một số kết luận sau:

     Hiệu suất xử lý COD của phương pháp sử dụng kết hợp ôzôn/UV là cao nhất so với phương pháp sử dụng UV đơn lẻ và ôzôn đơn lẻ.

     Hiểu quả xử lý COD bằng phương pháp kết hợp ozon/UV phụ thuộc vào thời gian phản ứng, pH và liều lượng sục khí ôzôn. Kết quả cho thấy ở giá trị pH = 8, thời gian phản ứng 60 phút và liều lượng khí ôzôn bằng 7,5 L/phut.L nước thải là điều kiện tối ưu, cho phép xử lý COD trong nước thải dệt nhuộm đạt quy chuẩn xả thải theo QCVN 13:2015/BTNMT cột B.

Th.S Nguyễn Thị Phương Dung, TS. Lư Thị Yến,  ThS. Phạm Thị Ngọc Thùy

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2020)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2019), Báo cáo tình hình phát triển ngành dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019.

     [2]. Trần Văn Nhân, Ngô Thị Nga (2002). Giáo trình Công nghệ xử lý nước thải. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

     [3]. Trần Mạnh Trí, Trần Mạnh Trung (2006), Các quá trình ôxy hóa nâng cao trong xử lý nước và nước thải, NXB khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

     [4]. Vũ Thị Bích Ngọc, Hoàng Thị Hương Huế, Trịnh Lê Hùng (2016).  Xử lý màu nước thải dệt nhuộm thực tế bằng phương pháp ôxy hóa nâng cao. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 32, Số 4, Tr. 97-103.

     [5]. QCVN 13:2008/BTNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt may. Hà Nội - 2008.

     [6]. TCVN 6491: 1999. Chất lượng nước – Xác định nhu cầu oxy hóa học. Hà Nội – 1999.

     [7]. Mohamed A. Hassaan, Ahmed El Nemr (2017). Advanced Oxidation Processes for Textile Wastewater Treatment. International Journal of Photochemistry and Photobiology, 2(3), 85-93.

     [8]. Baig S, Liechti P. A (2001). Ozone treatment for biorefractory COD removal. Water Sci. Technol, 43, 197–204.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn