Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/04/2024

Ngành Tài nguyên và Môi trường: Phát huy tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân trên các lĩnh vực

01/01/2021

     Ngày 30/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo ngành TN&MT. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

     Biến thách thức thành cơ hội

     Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt với thế giới cũng như Việt Nam. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, ngành TN&MT nói riêng. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân”, tích cực rà soát, đánh giá thực tiễn, xác định đúng đâu là nút thắt, điểm nghẽn, kẻ hở, khoảng trống trong chính sách, pháp luật của từng lĩnh vực; chủ động, sáng tạo để hóa giải các thách thức, chuẩn bị nền tảng tăng tốc bứt phá, tạo ra dấu ấn quản lý rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Nhờ đó, toàn ngành không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn về đích hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2021.

     Theo đó, để hoạch định những chủ trương, chiến lược cho phát triển đất nước, toàn ngành đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 nghị quyết quan trọng về TN&MT, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI; Kết luận số 56-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XI; bổ sung nhiều chủ trương, giải pháp mới vào trong các văn kiện Đại hội đảng các cấp. Cùng với đó, trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, Luật BVMT (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới, thể chế hóa được chủ trương phát triển hài hòa dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; Thiết lập hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng sự hài lòng cả người dân.

     Vấn đề cải cách hành chính cũng được ưu tiên đẩy mạnh ngay từ những năm đầu thực hiện kế hoạch với trọng tâm là cải cách thể chế, hiện đại hóa nền hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ. Toàn ngành đã thực hiện đơn giản hóa 80,1% thủ tục hành chính; bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm 1/3 - 1/2 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thủ tục về môi trường, qua đó tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

     Trong 5 năm qua, ngành đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, song phương về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu; đóng góp nhiều sáng kiến liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6… Đặc biệt, năm 2020, mặc dù chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp nhiều sáng kiến ở quy mô toàn cầu, khu vực về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước... Qua đó, khẳng định, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khu vực.

     Công tác thanh tra, kiểm tra về TN&MT cũng được triển khai trọng tâm, trọng điểm, huy động, kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, không còn để xảy ra chồng chéo, trùng lặp về đối tượng thanh tra. Nội dung thanh tra đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về BVMT trong các dự án đầu tư, khai thác trái phép khoáng sản; tăng cường thanh tra đột xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này. Trong năm 2020, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, ngành đã chủ động rà soát, điều chỉnh Kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng giảm bớt số lượng đối tượng thanh tra định kỳ; tập trung thanh tra đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chủ động chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo sự răn đe, phòng ngừa, đồng thời phát hiện vướng mắc, bất cập của chính sách để sửa đổi, hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu

     Bên cạnh đó, xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá trong phát triển hội nhập trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, trong 5 năm qua, ngành TN&MT đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành, tổ chức thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động hợp tác quốc tế trong bảo vệ các hệ sinh thái biển và đại dương, phối hợp hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

     Từ sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và những lo lắng của nhân dân về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đa dạng sinh học, toàn ngành đã tập trung rà soát, đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật BVMT (sửa đổi), quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác BVMT trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững. Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ trong bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý sinh vật biến đổi gen, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Xây dựng Chiến lược quy hoạch BVMT quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, tổng thể quan trắc môi trường quốc gia để bảo vệ, phục hồi môi trường sống, bảo vệ sinh thái cho các thế hệ tương lai.

     Với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, nhất là từ các địa phương, sự hỗ trợ đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, công tác BVMT đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát nguồn thải lớn để đảm bảo an toàn cho môi trường, đóng góp cho tăng trưởng. Thực hiện việc công bố thông tin chất lượng môi trường, trong đó có môi trường không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử thông qua việc xây dựng, đưa vào khai thác Ứng dụng VN air trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN AQI) trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng và Ứng dụng Envisoft dùng cho cơ quan quản lý để theo dõi, quản lý dữ liệu, giám sát các số liệu quan trắc môi trường trên toàn quốc. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành, nội thị đạt khoảng 92%; tại khu vực ngoại thành của các đô thị đạt khoảng 66%; nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 12 dự án với công suất gần 15 nghìn tấn/ngày. Tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung đạt 90%, tăng 12,7% so với năm 2016, trong đó, số lượng khu công nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt 78,2% (tăng 50% so với năm 2016); hoàn thành xử lý triệt để 340/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (tăng 30,2% so với năm 2016)…

     Phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo

     Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030. Do đó, ngành TN&MT sẽ tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuyển dịch mô hình phát triển, chuyển đổi số, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Toàn cảnh Hội nghị

     Về công tác BVMT, toàn ngành sẽ tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp trực tiếp đạt 30% so với lượng chất thải được thu gom; 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, xử lý; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý; 70% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp... Bảo đảm 91% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung; 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường…

     Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết cho việc triển khai Luật BVMT năm 2020 để các quy định mới của Luật đi vào thực tiễn cuộc sống; Tập trung triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi BVMT, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với BVMT trong thu hút các dự án đầu tư, phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Tăng cường quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đối tượng có quy mô xả thải lớn, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải; áp dụng chế tài để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ. Thúc đẩy các có chế khuyến khích ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải; hình thành thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Thúc đẩy phát triển một số đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải. Ngoài ra, triển khai xây dựng hệ thống quan trắc về môi trường; Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, kiểm kê, kiểm soát, di dời các nguồn ô nhiễm, nâng cao quy chuẩn khí thải từ phương tiện giao thông, đảm bảo quy chuẩn quy hoạch cây xanh, không gian công cộng trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn; Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đặc hữu, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên.

     Phát biểu Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ TN&MT với tư cách là bộ quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết đến người dân và doanh nghiệp đã lấy kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Đồng thời, thể hiện được bản lĩnh vững vàng để chuyển hóa được những thách thức thành cơ hội để góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ TN&MT

     Đối với phương hướng phát triển của ngành cho năm 2021 và giai đoạn 5 năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể:

     Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thư XIII của Đảng; Xây dựng ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020 để có hiệu lực đồng thời với Luật.

      Thứ hai, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch TN&MT vùng bờ, quy hoạch BVMT, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông.

     Thứ ba, thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó, cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường và mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá việc quản lý sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh; Tiến hành thanh tra đột xuất để giải quyết bức xúc trong dư luận; các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chuyển hoạt động thanh, kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tặng Cờ Thi đua của Bộ TN&MT cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020 ngành TN&MT

     Về BVMT, tổ chức đánh giá, lượng hoá được các chi phí phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; phải xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với BVMT trong thu hút các dự án đầu tư. Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; kiểm soát sác nguồn thải lớn, phòng ngừa  nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ BVMT và tái chế chất thải. Đồng thời, tích cực thực hiện các chương trình, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình cải thiện môi trường lưu vực sông, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đặc hữu, các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên…

     Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen cho Bộ TN&MT vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bộ TN&MT tặng Cờ thi đua cho cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020 ngành TN&MT.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn