Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Kinh nghiệm của một số quốc gia về triển khai thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

18/10/2022

    Tóm tắt: Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 26 (COP26) tại Anh vào tháng 11/2021 đã tái khẳng định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,50C theo Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các nước thành viên thông qua tại COP21 ở Pháp vào năm 2015. Đến nay, có khoảng hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết mục tiêu đưa mức phát thải ròng (PTR) về bằng “0” (net-zero emission - NZE) từ năm 2035 - 2070. Để thực hiện cam kết NEZ, các quốc gia đã xây dựng kế hoạch thực hiện với lộ trình, phương thức và giải pháp ưu tiên cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực và lợi thế của đất nước.

    ​Từ khóa: PTR “bằng 0”, trung hòa các-bon, phát thải khí nhà kính.

    Nhận bài: 12/9/2022; Sửa chữa: 20/9/2022; Duyệt đăng: 27/9/2022.

    1. Đặt vấn đề

    Giảm phát thải khí nhà kính (KNK), phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới PTR bằng “0” đã trở thành con đường phát triển chủ đạo của toàn thế giới. Tại COP26 được tổ chức ở Anh vào năm 2021, các quốc gia đã đưa ra cam kết giảm phát thải KNK. Theo số liệu cập nhật đến 31/8/2022 đã có 136 quốc gia đưa ra cam kết giảm phát thải, bao gồm: 107 quốc gia cam kết mức PTR bằng “0” (Net-zero), 14 quốc gia cam kết mục tiêu trung hòa các-bon (Carbon neutral), 1 quốc gia cam kết không phát thải các-bon (Zero carbon), 12 quốc gia cam kết mục tiêu trung hòa khí hậu (Climate neutral) từ năm 2030 - 2070, trong đó 117 quốc gia cam kết đạt mục tiêu từ năm 2050 - 2060.

    Để đạt mục tiêu giảm phát thải KNK, đặc biệt là NZE như cam kết, con đường tiên quyết mà các quốc gia hướng tới là giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Nhiều giải pháp, quy định đã và đang được áp dụng để yêu cầu các quốc gia phát triển kinh tế theo hướng các-bon thấp, sử dụng năng lượng sạch như: Đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu dựa trên các-bon; Thúc đẩy thương mại hàng hóa xanh; Xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; Hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, đảm bảo các đối tác thương mại áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao, phát thải các-bon thấp… Các biện pháp thương mại này đã được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng và đang được thúc đẩy để đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong Chương trình Nghị sự của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn kinh tế toàn cầu (WEF), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc... Cùng với đó, một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới (Nhóm các nước G7, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…) đã tuyên bố không tài trợ cho các dự án phát điện sử dụng than đá.

    Kể từ sau COP26, nhiều quốc gia trên thế giới như đã tích cực triển khai thực hiện cam kết về giảm phát thải KNK. Nội dung của cam kết đã được đưa vào các văn bản, quy định pháp lý như Luật, Nghị định, hoặc văn bản chính sách định hướng như chiến lược, kế hoạch hành động của quốc gia. Trong kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu NZE của các quốc gia có sự khác nhau về lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp, lựa chọn ưu tiên… Bài báo có mục đích tổng hợp và phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia trong triển khai thực hiện mục tiêu NZE.

    ​2. Kinh nghiệm của một số quốc gia về triển khai thực hiện mục tiêu PTR “bằng 0”

    a) Liên bang Đức

    Liên bang Đức là một trong những quốc gia khởi đầu cho thực hiện mục tiêu NZE vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu NZE, Đức ưu tiên đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ để giảm tối đa lượng phát thải KNK. Các biện pháp phổ biến được khuyến khích áp dụng tại Đức được kể đến như: (i) Chuyển đổi sang động cơ điện, sử dụng nguồn nhiên liệu điện trong giao thông; (ii) Phát triển công nghệ lưu trữ điện và nhiệt; (iii) Sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) trong các tòa nhà, xây dựng và sản xuất công nghiệp.

    Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu NZE của Đức là tiết kiệm năng lượng và phát triển NLTT, năng lượng mới. Bên cạnh đó, chính sách khí hậu của Chính phủ Đức còn hướng tới phát triển kinh tế xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường đầu tư công nghệ thân thiện với khí hậu để thực hiện đồng thời mục tiêu nâng cao hiệu quả, năng suất công việc và giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Phần lớn người dân Đức nhận thức được vai trò của hành động bảo vệ hệ thống khí hậu, bảo tồn đa dang dạng sinh học trong cuộc chiến chống lại BĐKH toàn cầu, góp phần xây dựng nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, đảm bảo sự thịnh vượng và phát triển đất nước.

    Là một trong những nhà tài trợ lớn cho các hành động khí hậu quốc tế, thời gian qua, Chính phủ Đức đã hỗ trợ nhiều dự án thông qua một số chương trình và quỹ song phương, đa phương, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải KNK…

    b) Anh

    Anh đã cam kết đạt mức PTR bằng “0” vào năm 2050. Để đạt mục tiêu NZE, Anh đã đề ra kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2035 với việc đầu tư phát triển đồng thời năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và triển khai các biện pháp lưu trữ năng lượng nhằm hạn chế tăng giá điện trong tương lai.

    Ngoài ra, Anh đã triển khai Chương trình hỗ trợ khử các-bon và tạo hydro nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất hydro, hoặc lưu trữ các-bon quy mô công nghiệp. Những ngành công nghiệp trọng tâm sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Chuyển đổi năng lượng để cải tiến công nghệ và phải đạt được NZE thông qua hệ thống trao đổi tín chỉ (ETS) của Anh. Mặt khác, Anh dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn hệ thống sưởi ấm bằng khí gas trong các tòa nhà vào năm 2035. Thay vào đó, hệ thống cấp nhiệt trong các tòa nhà sẽ sử dụng công nghệ bơm nhiệt mới với hệ thống sưởi các-bon thấp và được triển khai thực hiện thông qua những chương trình hỗ trợ của Chính phủ (Chương trình nâng cấp hệ thống nhiệt; chuyển đổi bơm nhiệt; nhà ở xã hội các bon thấp; Làng Hydrogen…).

    Trong lĩnh vực giao thông, Anh có kế hoạch sẽ loại bỏ phương tiện chạy bằng xăng, dầu diesel vào năm 2030 và đến năm 2035, không có phát thải từ các phương tiện giao thông. Đồng thời, Anh khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, đi bộ trong thành phố, phát triển hệ thống xe bus và tàu điện công cộng không phát thải. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng hỗ trợ người dân phát triển canh tác nông nghiệp các-bon thấp thông qua các quỹ đầu tư về thiết bị, công nghệ và hạ tầng nhằm tăng doanh thu, mang lại lợi ích môi trường và giảm phát thải KNK. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đầu tư tương đối lớn cho các hoạt động giảm phát thải KNK khác như cải tạo than bùn, trồng rừng, thu gom và xử lý rác thải tại hộ gia đình…

    c) Trung Quốc

    Chính phủ Trung Quốc cam kết mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2060. Để đạt được điều đó, Trung Quốc đã điều chỉnh hoạt động của nhiều lĩnh vực có liên quan như hoạt động kinh tế nói chung; cung cấp năng lượng; công nghiệp; giao thông; xây dựng và lâm nghiệp.

    Theo nghiên cứu của Ủy ban Chuyển đổi năng lượng (ETC), để đạt được mục tiêu NEZ trước năm 2060, Trung Quốc cần phải giảm phát thải bằng “0” trong sản xuất điện, hoặc các lĩnh vực sử dụng nhiều điện và hoạt động kinh tế - xã hội (KT - XH). Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên thực hiện: (1) điện khí hóa trong vận tải đường sắt và đường bộ; (2) nhiên liệu sinh học, nhiên liệu tổng hợp, hydrogen, hoặc ammoniac đối với vận tải hàng không và hàng hải đường dài; (3) chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguyên liệu thiết yếu như sắt thép, xi măng, phân bón, đồ nhựa,…; (4) điện, khí hydrogen, công nghệ thu hồi, lưu trữ các-bon (CCS) và năng lượng sinh học để đạt NEZ trong ngành công nghiệp nặng; (5) áp dụng rộng rãi công nghệ bơm nhiệt hiện đại và hệ thống cách nhiệt tân tiến trong các tòa nhà đối với lĩnh vực xây dựng.

    d) Hàn Quốc

    Với cam kết đạt mức PTR bằng “0” vào năm 2050, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra những chiến lược quan trọng đối với các lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng và công nghiệp. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng: Phát triển NLTT (năng lượng mặt trời, gió trên bờ, gió ngoài khơi…), loại bỏ dần điện than, chuyển sang sử dụng tuabin xanh trong các nhà máy điện khí tự nhiên, giảm dần công suất điện hạt nhân; Lĩnh vực giao thông: Thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; Lĩnh vực xây dựng: Áp dụng tiêu chuẩn cách nhiệt cải tiến để tăng khả năng thu hồi năng lượng trong các tòa nhà; đưa ra những yêu cầu về sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà thông qua hệ thống Chứng nhận Công trình năng lượng bằng “0” (ZEB); chuyển đổi sang nhiên liệu sưởi ấm khử các-bon nhờ các máy bơm nhiệt và hệ thống sưởi ấm tập trung; Lĩnh vực công nghiệp: Hyđro xanh sẽ dần thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các quy trình công nghiệp. Bên cạnh đó, Hydro xanh được sử dụng trong ngành điện như một kho lưu trữ lâu dài, bù đắp cho sự biến đổi theo mùa của NLTT và tối đa hóa tiềm năng NLTT.

    e) Singapo

    Để đạt mục tiêu PTR bằng “0” vào năm 2050, Chính phủ Singapo đề ra 3 chiến lược, gồm: Thực hiện chuyển đổi toàn diện trong phát triển KT - XH thông qua thúc đẩy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng trong tất cả các lĩnh vực, xác định cơ hội tăng trưởng mới, đổi mới công nghệ và thay đổi hành vi để thực hiện chuyển đổi thành công; Đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng các công nghệ các-bon thấp nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển NLTT và công nghệ loại bỏ khí thải các-bon; Thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các quốc gia trong lưu trữ các-bon, nhập khẩu năng lượng, áp dụng cơ chế thị trường trong BVMT nói chung và bảo vệ hệ thống khí hậu nói riêng.

    f) Thái Lan

    Thái Lan cam kết đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và PTR bằng “0” trước năm 2065. Để đạt được trung hoà các-bon, Thái Lan tập trung vào phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng các-bon thấp, lưu trữ các-bon (CSS), năng lượng sinh học; Ưu tiên giảm thiểu các-bon trong giao thông, thúc đẩy sử dụng phương tiện vận chuyển chạy điện, hệ thống trạm sạc nhanh, sử dụng nhiên liệu hydro. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Thái Lan đang xây dựng Kế hoạch Năng lượng Quốc gia như một khung chính sách chung nhằm hướng dẫn các cơ quan liên quan chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, góp phần hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon. Định hướng chính sách chung của Thái Lan là chuyển đổi năng lượng tập trung vào tăng tỷ trọng sản xuất điện tái tạo lên ít nhất 50%, tăng tỷ trọng xe điện lên ít nhất 30% vào năm 2030, giảm cường độ sử dụng năng lượng 30% vào năm 2037 và thúc đẩy chuyển đổi hệ thống năng lượng thông qua khử các-bon, chuyển đổi số, điện khí hóa, phân cấp hệ thống và bãi bỏ các quy định không phù hợp. Việc chuyển đổi năng lượng được thực hiện thông qua một số chuyển đổi hệ thống trong ngành điện, hệ thống năng lượng khí thiên nhiên, năng lượng dầu mỏ, phát triển NLTT, cải thiện hiệu suất năng lượng. Mục tiêu trung hòa các-bon của Thái Lan được xem là cơ sở quan trọng để đạt được NZE, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng.

    ​3. Khuyến nghị đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu PTR bằng “0” vào năm 2050

    Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện NZE của một số quốc gia, nhóm tác giả đã tổng hợp một số vấn đề chính mà Việt Nam có thể tham khảo:

    (1) Phát triển NLTT, năng lượng sinh học, nhiên liệu các-bon thấp là định hướng phát triển chung của các quốc gia.

    (2) Chuyển đổi năng lượng là giải pháp mà các quốc gia đều thực hiện trong tất cả các ngành, lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, giao thông, xây dựng…

    (3) Phát triển công nghệ các-bon thấp; đổi mới công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon, công nghệ sản xuất năng lượng từ hydro, lưu trữ năng lượng…là nền tảng cơ sở để thực hiện chuyển đổi năng lượng bền vững.

    (4) Nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng được xem là yếu tố quan trọng góp phần thực thi hiệu quả các chính sách khí hậu quốc gia.

    (5) Các quốc gia phát triển có tiềm lực về kinh tế (Anh, Đức, Liên minh châu Âu…) rất quan tâm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, phát triển công nghệ các-bon thông qua các chương trình hỗ trợ, quỹ đầu tư từ Chính phủ.

    Việt Nam cam kết đưa mức PTR về bằng “0” vào năm 2050. Gần một năm kể ngày đưa ra cam kết, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển đổi đồng bộ, tổng thể trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Một số văn bản mới được ban hành nhằm đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu NEZ như: Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

    Để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về BĐKH hướng tới đạt được NEZ đã cam kết, Việt Nam cần quan tâm một số nội dung sau:

    Thứ nhất, các ngành/lĩnh vực cần đưa ra mục tiêu và giải pháp cụ thể về giảm phát thải KNK nhằm thể hiện mức độ đóng góp vào mục tiêu NZE của quốc gia, đặc biệt là ngành năng lượng và ngành/lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng và phát thải KNK lớn như công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp… Nhiều văn bản định hướng liên quan đến giảm phát thải KNK trong giai đoạn 2021 - 2030 (Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các Bộ, ngành và địa phương…) đã được xây dựng, ban hành trước COP26, do đó cần cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu giảm phát thải KNK mà Thủ tướng đã cam kết tại COP 26. Bên cạnh đó, cần xác định được lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thực hiện giảm phát thải KNK. Nhiều quốc gia trên thế giới đều xác định năng lượng là lĩnh vực ưu tiên số một với các giải pháp trọng tâm về nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng mới, công nghệ các-bon thấp, thu hồi và lưu trữ các-bon…

    Thứ hai, chuyển đổi năng lượng xanh được xác định là vấn đề then chốt, mang tính chất quyết định đối với mục tiêu NZE. Vì vậy, chuyển đổi năng lượng vừa là mục tiêu, vừa là định hướng và yêu cầu trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sử dụng năng lượng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi chuyển đổi.

    Thứ ba, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ các-bon thấp (sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thu hồi và lưu trữ các-bon, sản xuất năng lượng từ hydro, phát triển NLTT, năng lượng sinh học…). Khoa học và công nghệ các-bon thấp được xem là nền tảng để thực hiện chuyển đổi năng lượng bền vững. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tiềm lực khoa học - công nghệ chưa cao, vì vậy cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ các-bon thấp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ phù hợp với nhu cầu của ngành, địa phương và quốc gia.

    Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thu hút nguồn lực đầu tư, chuyển giao công nghệ, đáp ứng hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các quốc gia phát triển có tiềm lực kinh tế như Anh, Đức, Liên minh châu Âu… hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, phát triển công nghệ các-bon thông qua các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thiết lập các quỹ đầu tư từ Chính phủ để khuyến kích đổi mới sáng tạo, triển khai sáng kiến công nghệ. Trong thời gian tới, Việt Nam cần xem xét thiết lập Quỹ quốc gia về giảm phát thải KNK nhằm hỗ trợ các dự án, sáng kiến góp phần thực hiện mục tiêu NZE theo ngành, lĩnh vực.

    Thứ năm, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH và giảm phát thải KNK. Để đạt được mục tiêu NZE, ngoài nỗ lực của Chính phủ, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng cũng được xem là yếu tố quan trọng góp phần thực thi hiệu quả các chính sách khí hậu nói chung, giảm phát thải KNK nói riêng. NZE là mục tiêu tham vọng và mới mẻ, dó đó, cần sự đồng tình, đóng góp của từng cá nhân, cơ quan/tổ chức, doanh nghiệp… trong việc thực hiện mục tiêu chung của quốc gia.

Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Nam, Nguyễn Sỹ Linh,

 Vũ Hoàng Thùy Dương, Lê Nam Thành

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2022)

EXPERIENCE OF SOME COUNTRIES ON IMPLEMENTING NET-ZERO EMISSION TARGETS

Nguyen Thị Thu Ha, Le Nam, Nguyen Sy Linh,

 Vu Hoàng Thuy Duong, Lê Nam Thanh

Institute of Strategy and Policy on Natural Resources and Environment

    Abstract: The 26th Convention on Climate Change (COP26) in the United Kingdom in November 2021 reaffirmed the goal of pursuing efforts to limit the temperature increase to 1.5 degrees Celsius above pre-industrial levels compared to holding the increase in the global average temperature to well below 2 degrees Celsius above pre-industrial levels in the Paris Agreement on Climate Change, which the Parties member adopted at COP21 in France in 2015. As of August 2022, more than 100 countries, including Vietnam, have committed to net zero emission targets from 2035 to 2070. To accomplish the commitment to net-zero emission targets, many countries have developed implementation plans with specific roadmaps, methods and priority solutions for each sector, field, and national advantage.

    Keywords: Net-zezo emission, carbon neutral, greenhouse gas emission.

        Tài liệu tham khảo

  1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  2. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

  3. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.

  4. Bổ sung thêm một số bài báo/báo cáo liên quan.

  5. Energy Transition Commission (2019). China 2050: A fully developed rich Zero-carbon economy.

  6. UK Committee on Climate change (2019). Net-zero: The UK's contribution to stopping global warming.

  7. Green Energy Strategy Institute, Institute for Green Transformation, NEXT Group, Agora Energiewende. 2050 Climate Neutrality Roadmap for Korea - K-Map Scenario: Implementing an ambitious decarbonization pathway for the benefit of future generations and the Korean economy.

  1. Federal Ministry for the Environment, Nature Conservation, Building and Nuclear Safety (BMUB). Climate Action Plan 2050 Principles and goals of the German government's climate policy

  2. HM Government, 2021. Net Zero Strategy: Build Back Greener

  3. Mid-century, Long-term Low Greenhouse Gas Emission Development Strategy in Thailand, 2021.

  4. National Climate Change Secretariat Strategy Group, Prime Minister’s Office, 2020. Charting Singapore’s low-carbon and climate resilient future.

  5. https://zerotracker.net/

  6. https://unfccc.int/process-and-meetings

 

 

Ý kiến của bạn