Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai

19/11/2020

     Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp thực hiện Chiến dịch truyền thông “Nhân nhựa,” với thông điệp “Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai.”

     Chiến dịch gồm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I (30/10 - 18/11/2020), cung cấp kiến thức xoay quanh vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) trên sông Sài Gòn; giai đoạn II (19/11 - 27/12/2020), cung cấp những kiến thức ô nhiễm RTN tại Việt Nam; giai đoạn III (tháng 1 - 3/2021), khuyến khích công chúng trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các giải pháp hướng đến giảm thiểu RTN, góp phần BVMT.

     Trong giai đoạn đầu, Chiến dịch triển khai hàng loạt các sản phẩm truyền thông sáng tạo, thú vị như: Trang mạng trực tuyến với tên miền https://www.nhannhua.com, nơi mọi người cùng với nhà khoa học tìm hiểu thông tin về thực trạng ô nhiễm nhựa và vi nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là tại sông Sài Gòn; video hoạt hình tên “Nhân nhựa”, kể về hành trình của các nhà khoa học tìm hiểu nguồn gốc của loài sinh vật “Nhân nhựa.” Qua đó, giúp mọi người hiểu hơn về quá trình tiêu thụ và xử lý RTN tại Việt Nam; Hai bộ tranh sinh động cung cấp khái niệm chi tiết về vi nhựa và phản ánh thực trạng ô nhiễm vi nhựa trên sông Sài Gòn tại TP. Hồ Chí Minh ra mắt trong tháng 11 trên fanpage CHANGE: https://www.facebook.com/CHANGEvn.

 

Poster của Chiến dịch “Nhân Nhựa” (Ảnh: CHANGE)

 

     Chiến dịch Nhân nhựa là một hợp phần của Dự án COMPOSE - “Xây dựng Hệ thống quan sát RTN trong xã hội và môi trường” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng,  nhằm xây dựng một hệ thống quan trắc sự chuyển động về mặt xã hội và môi trường của nhựa tại Việt Nam; từ đó đưa ra dữ liệu đáng tin cậy và kiến thức khoa học, phục vụ việc nâng cao nhận thức và góp phần vào các chính sách công giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

     Theo nghiên cứu của COMPOSE, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ có 48 trong số 250 nghìn tấn RTN mỗi năm được chôn lấp, số còn lại được tái chế hoặc thải thẳng ra môi trường. Đặc biệt, mỗi năm có khoảng 7,5 - 13 nghìn tấn RTN được thải thẳng ra sông Sài Gòn, biến con sông này trở thành con sông có lượng RTN đứng thứ 5 tại Việt Nam và thứ 45 trên thế giới. Mỗi lít nước sông Sài Gòn đổ ra biển có lượng vi nhựa gấp 1.000 lần sông Seine ở Pari. Tùy theo mùa mà số lượng vi nhựa dạng sợi trên dao động từ 22 - 519 sợi vi nhựa/lít nước sông. Các nghiên cứu khoa học cho biết, khi hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ giải phóng các chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người như mất cân bằng hoóc môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch…

 

Nguyễn Văn Thùy

 

     Được biết, hàng năm thế giới thải ra môi trường trung bình khoảng 300 triệu tấn RTN, trong đó có khoảng 8 triệu tấn bị thải ra biển. Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy dự báo, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn RTN; đến năm 2050 sẽ có hơn 12 tỷ tấn RTN được chôn lấp hoặc xả thẳng ra đại dương.

     Việt Nam thuộc top 4 các quốc gia xả RTN nhiều nhất trên toàn thế giới với 1,8 triệu tấn rác thải, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ 41.3 kg nhựa/năm, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng RTN tăng đến 200%.

 

Ý kiến của bạn