Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 16/10/2024

Hướng dẫn kỹ thuật Lập Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam

12/08/2024

    Ngày 12/8/2024, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP-Việt Nam) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng (RIFEE) tổ chức họp Tham vấn chuyên gia Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Mạng lưới dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học Pha II” (BET-Net II).

    RIFEE là đơn vị tư vấn triển khai hoạt động “Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam, áp dụng thí điểm tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp” nhằm hỗ trợ cho Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường trong việc xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở để trình Bộ TN&MT phê duyệt và ban hành, hỗ trợ cho các địa phương trên cả nước trong việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái.

    Mục tiêu của nhiệm vụ là xác định được tên gọi, địa danh của hệ sinh thái tự nhiên cung ứng dịch vụ hệ sinh thái; Đánh giá được hiện trạng, đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên cung ứng dịch vụ hệ sinh thái; Xác định được các loại hình dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được cung ứng; Xác định được danh sách, cá nhân được hưởng lợi và phải chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái được cung ứng; Xác định được các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên; Xác định được mức chi trả, hình thức chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái được cung ứng; Xây dựng được phương án sử dụng nguồn thu từ Chi trả dịch vụ hệ sinh thái.

Quang cảnh buổi họp Tham vấn

    Phát biểu tại buổi họp Tham vấn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách có tính chiến lược và đột phá của Việt Nam trong việc tạo ra thay đổi về mặt tư duy, nhận thức về mối quan hệ giữa chủ rừng với vai trò là bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ môi trường rừng như là đầu vào quan trong cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó huy động được nguồn lực xã hội to lớn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp lý và bắt đầu được triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2010. Qua 13 năm triển khai, số tiền mà bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng lên. Tính đến hết năm 2023, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thu được đã lên tới 26.402 tỷ đồng (trung bình 2.030 tỷ đồng/năm) và tổng diện tích rừng được chi trả lên tới 7,17 triệu ha (tương đương với 48% tổng diện tích rừng cả nước).

    Tiếp nối thành công của chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách về Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 nhằm tạo ra nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Theo đó, các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm: (i) Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng của hệ sinh thái rừng áp dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; (ii) Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; (iii) Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; (iv) Dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; (v) Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên có trách nhiệm lập Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho khu vực áp dụng chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định nội dung chính của Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở bao gồm: (i) Tên gọi, địa danh của hệ sinh thái tự nhiên; (ii) Thông tin chung về khu vực cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; (iii) Các loại hình dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được cung ứng; (iv) Danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; (v) Các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên; (vi) Dự kiến mức chi trả, hình thức chi trả và (vii) Phương án sử dụng nguồn thu từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên…

Hương Mai

Ý kiến của bạn