Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và định hướng xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030

16/01/2021

     Ngày 15/1/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020 và định hướng xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021-2030”. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đã đến dự và chủ trì Hội thảo.

     Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1250/TTg-CP ngày 31/7/2013, trong đó đã đề ra quan điểm, mục tiêu đến năm 2020 và nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Chiến lược đặt ra tầm nhìn đến 2030 là “25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; ĐDSH được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” và mục tiêu đến năm 2020: “Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc Hội thảo

     Để thực hiện các mục tiêu này, Chiến lược đã xác định cụ thể các nhóm nhiệm vụ chủ yếu về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH; bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại Quyết định số 1250/TTg-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT giúp Thủ tướng Chính phủ chủ trì, điều phối, thống nhất tổ chức thực hiện Chiến lược,tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào cuối năm 2020.

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, trong hơn 7 năm qua, kể từ khi ban hành Quyết định số 1250/TTg-CP, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đã được tổ chức thực hiện rộng rãi trên quy mô toàn quốc. Đến nay, có trên 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược hoặc thực hiện các các nhiệm vụ chủ yếu trong Chiến lược đã được ban hành. Các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH đã được cụ thể hơn trong các quyết định về phát triển kinh tế, xã hội, các dự án về đầu tư. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài, việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược là rất quan trọng và cần thiết, nhằm xác định những tiến bộ đạt được và đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác bảo tồn ĐDSH phù hợp với bối cảnh của đất nước, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

     Trong giai đoạn 2013 - 2020, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể là diện tích rừng ngập mặn đã được tăng lên; diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đã được phục hồi vượt mục tiêu; số lượng 10 Vườn Di sản ASEAN được thành lập. Công tác thu thập và lưu giữ nguồn gen có xu hướng phát triển, đặc biệt là hướng tới nghiên cứu bảo tồn, tạo giống tốt, chia sẻ và khai thác sử dụng nguồn gen cho sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội. Hệ thống khu bảo tồn đã có xu hướng phát triển; chương trình nhân nuôi sinh sản các loài hoang đã được quan tâm; chương trình bảo tồn nguồn gen đã đạt được những kết quả khả quan; cơ chế chi trả dịch vụ môi tường rừng đã đạt được những kết quả triển vọng… Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ĐDSH được quan tâm xây dựng hoàn thiện. Các bộ luật liên quan trực tiếp tới bảo tồn ĐDSH là Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 được sửa đổi Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản 2003 được sửa đổi năm 2017. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua…

 Toàn cảnh Hội thảo

     Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức để đạt được các mục tiêu bảo tồn ĐDSH đặt ra. Diện tích và độ phủ rạn san hô cũng như thảm cỏ biển có xu hướng bị suy giảm mạnh. ĐDSH vẫn bị tiếp tục bị suy giảm thể hiện ở hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái hoặc giảm diện tích. Số lượng cá thể các loài nguy cấp suy giảm, số lượng các loài bị đe dọa tăng lên. Hiệu quả quản lý khu bảo tồn chưa cao, vẫn còn những vụ khai thác trái phép gỗ và động vật hoang dã ở một số khu bảo tồn, thậm chí ở vườn quốc gia. Sự du nhập các loài ngoại lai và biện pháp giảm thiểu sự phân bố, tác động của chúng chưa được kiểm soát. Tập quán sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa thay đổi, thể hiện là mức độ khai thác quá mức và trái phép các dạng tài nguyên, trong đó có tài nguyên sinh vật, tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, các sản phẩm của chúng vẫn gia tăng. Khả năng thực thi pháp luật ĐDSH còn thấp, công tác xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn còn chưa hiệu quả là nguyên nhân ngày càng gia tăng những vụ khai thác, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và các sản phẩm của chúng. Cơ sở dữ liệu về ĐDSH của Việt Nam còn tản mạn, phân tán.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho báo cáo kết quả thực hiện, làm rõ những mặt được, những tồn tại, hạn chế của việc tổ chức thực hiện Chiến lược trong giai đoạn vừa qua; đồng thời xác định các cơ hội, thách thức, những mục tiêu trọng tâm và giải pháp cụ thể về bảo tồn ĐDSH cho giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học tốt và tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhằm thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về bảo tồn ĐDSH.

     Để giải quyết vấn đề của thực tế hiện nay, đồng thời định hướng việc xây dựng Chiến lược giai đoạn tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài chỉ đạo và nhấn mạnh việc xây dựng Chiến lược cần dựa trên quan điểm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH nhằmthích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững. Theo đó, Chiến lược sẽ định hướng việc sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật tại các khu vực ĐDSH cao, cácvùng đất ngập nước quan trọng, các cảnh quan sinh thái quan trọng; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan.

Nguyễn Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                          

Ý kiến của bạn