Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Giải pháp cho bài toán ngập và ô nhiễm môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh

01/09/2021

     Hiện nay, tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, kênh rạch ở TP. HCM vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, công tác chặn dòng để thi công các công trình phục vụ thoát nước cũng làm hạn chế và thu hẹp dòng chảy, gây ngập cục bộ tại một số khu vực. Vì vậy, TP. HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm giải quyết bài toán ngập và ô nhiễm môi trường.

     Đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải

     Tính đến hết năm 2020, tỉ lệ xử lý nước thải đô thị của TP. HCM mới chỉ đạt 13,2% tổng lượng nước sinh hoạt, trong đó, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (quận 12), công suất 131.000 m3/ngày (giai đoạn 1); Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh), công suất 141.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), công suất 46.000 m3/ngày.


Ngập và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối của TP. HCM

     Hiện TP. HCM đang thi công Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), nâng công suất nhà máy lên 469.000 m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa lên 180.000 m3/ngày. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, TP sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất xử lý 480.000 m3/ngày.

     Ngoài ra, TP còn triển khai thủ tục mời gọi đầu tư một số nhà máy xử lý nước thải khác như: Tây Sài Gòn; Bắc Sài Gòn 1, Tây Bắc, Suối Nhum…

     Cải tạo hệ thống thoát nước

     Để giảm ngập và ô nhiễm môi trường, các địa phương ở TP. HCM đã tích cực, chủ động triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh  rạch vì TP sạch và giảm ngập nước”. Tiêu biểu như quận Gò Vấp đã thực hiện các công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập tại các tuyến đường, hẻm và các khu vực thấp trũng chưa có hệ thống thoát nước hoặc hiện trạng hệ thống thoát nước đã xuống cấp, không đồng bộ, thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ do mưa và triều cường. Đồng thời, quận đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân tại các dự án, các công trình đê bao, nạo vét kênh rạch phục vụ tiêu thoát nước để hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của “Dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP. HCM” do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP làm chủ đầu tư…

     Hiện TP. HCM cũng đang tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch giai đoạn 2021 - 2025 với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96 km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5 km. Mục tiêu của TP trong năm 2021 là đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu trên địa bàn; tăng cường duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống vào mùa khô để tăng khả năng thoát nước. Đồng thời, tổ chức vận động người dân không bỏ rác trước miệng thu nước để đảm bảo khả năng thoát nước, không để chất thải rắn xuống lòng các tuyến kênh rạch phục vụ thoát nước; tăng cường kiểm tra và có các biện pháp chế tài, xử lý đối với các trường hợp cố tình làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai công tác ứng cứu trong mùa mưa, triều cường khi xảy ra ngập nước…

Từ năm 2022, sẽ thu phí thoát nước và xử lý nước thải

     Tháng 6/2021, UBND TP. HCM đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp như sau: Năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25% và năm 2025 là 30%.

     Đối tượng thu bao gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước. Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, tiếp tục thu phí BVMT theo quy định.

     Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này. 

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn