Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Đồng Nai: Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành công nghiệp

18/10/2022

    Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030.

    Mục tiêu chính của Kế hoạch là thúc đẩy quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên, vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng; khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên, vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; phát triển, phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm ổn định, việc làm xanh; nâng cao chất lượng, cuộc sống người dân, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

    Cụ thể, Kế hoạch sẽ được chia thành hai giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025: giảm từ 5 - 8% mức tiêu hao nguyên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu - bia - nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng được từ 20 - 30 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; 80% đơn vị cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững. Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2025 - 2030, với mục tiêu trọng tâm giảm từ 7 - 10% mức tiêu hao nguyên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu - bia - nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản. Đồng thời, 100% khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% đơn vị cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững.

    Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Đồng Nai xác định cần hoàn thành các nhiệm vụ như: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên liệu có thể tái tạo, tái sinh; thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiệt môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; đẩy mạnh mua sắm bền vững. Cùng với đó, nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển khoa học công nghệ thức đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Trần Hương

Ý kiến của bạn