Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản

13/01/2023

    Ngày 11/1/2023, tại TP. Nam Định, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo “Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa (RTN) đại dương ngành thủy sản”. Tham dự Hội thảo có ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định và đại diện Viện nghiên cứu, trường Đại học thuộc Bộ NN&PTNT; Khu bảo tồn (KBT) biển Cù Lao Chàm, Ban quản lý Cảng cá các tỉnh Đà Nẵng, Phú Yên cùng các cơ quan/tổ chức truyền thông cùng các nhà tài trợ: Tổ chức GreenHub, WWF Việt Nam, IUCN Việt Nam…

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định có đường bờ biển dài 72 km, trong đó trên 17 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, có 4 cửa sông và Vườn Quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái đa dạng… đây là các điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản bền vững. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển thì việc tác động trong quá trình sản xuất thủy sản đối với môi trường rất lớn, đặc biệt là các nguy cơ ô nhiễm từ RTN.Với tinh thần hợp tác, liên kết để BVMT, “Diễn đàn thường niên về RTN đại dương ngành thủy sản” được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái, hạn chế nguồn ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đại dương.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định phát biểu khai mạc Hội thảo

    Tại Diễn đàn, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản trình bày nội dung về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quản lý RTN đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021. Thực hiện Kế hoạch, các hoạt động quản lý, giảm thiểu RTN đã được Tổng cục Thủy sản triển khai như: Tiến hành rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý RTN; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu, công trình trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức thực hiện các nghiên cứu mang tầm quốc gia, liên vùng về RTN; diễn đàn hàng năm để chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan trong giảm thiểu RTN… Ngành cũng xây dựng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong hoạt động sản xuất thủy sản; tăng cường thu gom, sử dụng các sản phẩm xanh, thu gom, tái sử dụng và xử lý rác thải nhựa. Đẩy mạnh nghiên cứu tác động của vi nhựa đối với các chuỗi sản xuất thủy sản; Điều tra, đánh giá phục vụ xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý RTN đại dương ngành thủy sản… Cùng với đó, các mô hình Cộng đồng ngư dân thực hành giảm thiểu RTN; tái sử dụng vật liệu nhựa trong nuôi trồng thủy sản; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thực hiện cam kết hạn chế RTN cũng sẽ được triển khai…

    Chia sẻ về hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi về giảm rác nhựa đại dương tại Việt Nam, bà Trần Thị Hoa - Giám đốc GreenHub cho biết, Ocean Conservancy - GreenHub đã hỗ trợ thực hiện Chương trình Kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030 -NAP, nhằm mục đích thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng đến thực hành giảm RTN từ nguồn. Kế hoạch đặt ra mục tiêu, giảm thiểu 75% RTN trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc ngư cụ bị thải bỏ xuống biển vào năm 2030. Với những nỗ lực giảm thiểu RTN, nhiều hoạt động đã được GreenHub triển khai như: Truyền thông thay đổi nhận thức cho cộng đồng cư dân ven biển ở Phú Yên; Chiến dịch làm sạch bờ biển thông qua các hoạt động dọn rác tại Phú Yên; trường học không rác thải; kết nối các bên liên quan chung tay hỗ trợ Kế hoạch hành động quốc gia giảm rác thải biển.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Đại diện đến từ KBT biển Cù Lao Chàm Chu Mạnh Trinh chia sẻ về thực tiễn triển khai các dự án tài trợ nhỏ tại địa phương và khuyến nghị nhân rộng. Theo đó, các mô hình thực tiễn gồm: Đường phố, khối phố, thôn, xóm phân loại rác tại nguồn; hộ gia đình làm phân compost; kiểm toán rác thải; trường học với kinh tế tuần hoàn; vườn hoa đường phố từ “bãi rác”; làm sạch bãi biển, bến sông, đường phố; trồng chuối lấy lá cho gói, bọc thực phẩm thay cho bao bì ny lông; xách giỏ đi chợ; bình nước sinh thái đã được cộng đồng thực hiện, góp phần mang lại môi trường sống trong lành.

    Ngoài ra, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản tại địa phương. Đặc biệt, Tổ chức Global Ghost Gear Initiative (GGGI) - Greenhub sẽ chia sẻ “Sáng kiến về ngư cụ ma”. Đại học Phenikaa trình bày kết quả nghiên cứu vi nhựa trong các dự án liên quan đến rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.

    Sau khi nghe các báo cáo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị về các chính sách giảm thiểu RTN đại dương của ngành thủy sản. Tại phiên cuối của Diễn đàn, Tổng cục Thủy sản đã thống nhất định hướng quản lý RTN đại dương ngành thủy sản trong thời gian tới như: Giảm nhựa trong hoạt động khai thác thủy sản, qua việc triển khai các hoạt động: Áp dụng thực hiện quản lý RTN cho tàu cá, cảng cá; thực hiện phụ lục V Côngước Marpol; Xây dựng quy trình thu gom, phân loại, xử lý RTN trên tàu cá và giao nhận RTN từ tàu cá tại cảng cá; chính sách thu gom TRN từ tàu cá lưới kéo; Chính sách khuyến khích thu đổi, tái chế trong ngành thủy sản; tái chế và tái sử dụng vật liệu nhựa trong khai thác thủy sản; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, ký quỹ…; giảm thiểu vật liệu, thay thế xốp trong nuôi biển…

Châu Loan

Ý kiến của bạn