Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 14/10/2024

Diễn đàn kết nối và giao lưu phát triển kinh tế xanh của nữ doanh nhân Việt Nam - Lào - Campuchia

05/07/2024

    Ngày 5/7/2024, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển tổ chức Diễn đàn kết nối và giao lưu Nữ doanh nhân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với chủ đề “Nữ doanh nhân và kinh tế xanh”.

    Phát triển kinh tế xanh (KTX) là một xu hướng quan trọng và tất yếu trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu. Không năm ngoài dòng chảy mới này, Việt Nam, Lào và Campuchia đều đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững. Cùng với cộng đồng doanh nhân - lực lượng xung kích trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, các nữ doanh nhân đóng vai trò quan trọng góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững.

    Diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với chủ đề “Nữ doanh nhân và KTX là sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Lào và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển tổ chức chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp và đưa ra các đề xuất để phát huy vai trò và kết nối nữ doanh nhân và Hiệp hội Nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong phát triển KTX; tăng cường sự quan tâm và phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp nữ nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết về phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển KTX.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ về phát triển KTX hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào phát triển KTX của đất nước như: vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.

    Nhiều sáng kiến, ý tưởng về “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, mô hình “phụ nữ sống xanh” được phụ nữ cả nước hưởng ứng. Ngày khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền KTX” năm 2019, “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm 2022, “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, đặc biệt “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 được phát động và tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Hội. Sáng kiến Ngày khởi nghiệp đã khuyến khích phụ nữ cả nước tham gia, trong đó có các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh gắn với nông nghiệp bền vững, các mô hình tận dụng vật liệu tái chế (như biến rác thành Bảo hiểm y tế, thành Sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo…).

    Đặc biệt, trong những năm gần đây, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,  Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Diễn đàn

    Phát biểu tại Diễn đàn, bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,  Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, nữ doanh nhân là lực lượng không thể tách rời trong chiến lược tăng trưởng xanh, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững. Do đó, việc phát huy giá trị vốn có của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, thúc đẩy một cộng đồng nữ doanh nhân quyết tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh có giá trị vượt trội và có trách nhiệm với môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

    Để phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ trong việc phát triển mô hình KTX, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, “Hội Phụ nữ ba nước sẽ tích cực phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và hỗ trợ hội viên, phụ nữ về phát triển KTX, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện vai trò kết nối các nữ doanh nhân với Chính phủ, chính quyền các cấp, giữa các nữ doanh nhân ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.”

Aly Vongnobountham, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Lào

    Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Aly Vongnobountham, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Lào cho biết, phụ nữ chiếm 45,3% lực lượng lao động tại Lào, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế quốc gia. Hiện nay, Chính phủ Lào đã đề ra kế hoạch chiến lược dài hạn trong phát triển kinh doanh vừa và nhỏ để khuyến khích phát triển kinh tế trong nước thông qua  chính sách tập trung vào công nghệ - sáng tạo; tiếp cận tài chính; khuyến khích tiếp cận dịch vụ phát triển kinh doanh; tiếp cận và phát triển thị trường... Hội LHPN Lào đã cũng xây dựng nhiều kế hoạch nhằm khuyến khích tạo việc làm, tiếp cận nguồn vốn và cung cấp dịch vụ tài chính cho phụ nữ và gia đình; thực hiện thi đua 3 tốt gắn với công tác 3 xây, BVMT bền vững, khuyến khích vai trò nam - nữ trong phát triển phụ nữ và gia đình…

Bà Kyong Sorita, Quốc vụ Khanh Bộ Phụ nữ Campuchia

    Trao đổi về mô hình kinh tế số, KTX, bà Kyong Sorita, Quốc vụ Khanh Bộ Phụ nữ Campuchia cho biết, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế số, xây dựng một nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số sôi động bằng cách thúc đẩy việc áp dụng và thay đổi kỹ thuật số trong xã hội, đặc biệt tập trung vào cải tiến sự tiếp cận và tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kỹ thuật số. Bên cạnh đó, nhận thức được phụ nữ và trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, Campuchia đang củng cố tiềm năng của khuôn khổ hợp tác với các đối tác phát triển cho các hoạt động KTX, bao gồm đầu tư xanh, tài chính xanh và thương mại xanh, phát triển công nghệ xanh, tạo việc làm xanh và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các hoạt động tiếp theo bao gồm phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp xanh và vừa, sản xuất sơ cấp bền vững, hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng du lịch sinh thái, đánh giá môi trường chiến lược cho các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học, cũng như phát triển đô thị và cộng đồng hướng tới phát triển bền vững.

Phùng Quyên - An Bình

Ý kiến của bạn