Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/04/2024

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

09/05/2022

    Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 (Chiến lược) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2009. Kết quả thực hiện Chiến lược cho thấy, 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, 12% trong số này đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm lượng năng lượng tiêu thụ và nguyên nhiên liệu trên mỗi đơn vị sản phẩm, 100% các tỉnh/thành phố có cán bộ chuyên trách hướng dẫn về sản xuất sạch hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

    Nhằm tiếp nối những thành công mà Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã đạt được, ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình). Trong đó, xác định mục tiêu “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

    Mục tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025: (1)Xây dựng chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể: các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất; các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về nhãn sinh thái; các tiêu chuẩn về du lịch bền vững; các tiêu chuẩn về nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; xây dựng ít nhất 10 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các chính sách thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; các quy định về mua sắm công xanh. (2) Giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản. (3) 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững. (4) Xây dựng, áp dụng 20 - 30 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững. (5) 80% tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống tiêu dùng bền vững. (6) 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại. (7) 70% tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các văn bản chính sách, pháp luật tại địa phương; 50% tỉnh, thành phố có đơn vị phụ trách, chủ trì thực hiện Chương trình. (8) Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.

    Giai đoạn đến năm 2030: Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy, chế biến thủy hải sản và một số ngành sản xuất khác; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy; 90% tỉnh/ thành phố xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các văn bản chính sách, pháp luật tại địa phương; 70% tỉnh/thành phố có đơn vị phụ trách, chủ trì thực hiện Chương trình.

    Để triển khai thực hiện, Chương trình đã xác định được 15 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái. Đồng thời, phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dung, mua sắm bền vững; Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải. Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; Tăng cường hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

    Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Chương trình nhằm thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; Bộ xây dựng và giao nhiệm vụ đến tường đơn vị trực thuộc; làm việc với Bộ Tài chính nhằm thống nhất các nội dung chi và định mức chi theo các quy định hiện hành; xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm nhằm thực hiện tốt các mục tiêu từng giai đoạn của Chương trình. Trên cơ sở kế hoạch 5 năm, Bộ Công Thương xác định các mục tiêu dài hạn và các nhóm hoạt động để triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra như: Nhóm về truyền thông, nhóm về thiết kế bền vững, nhóm về khai thác bền vững, nhóm về sản xuất bền vững, nhóm về tiêu dùng bền vững, hay các nhóm về tái chế, tái sử dụng,…trong đó trú trọng đến xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp trong các ngành có tiềm năng lớn.

    Ngoài ra, để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững tại địa phương, Bộ Công Thương đã hỗ trợ, hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 tại địa phương nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động từ Trung ương đến địa phương.

    Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình và với nguồn kinh phí còn hạn chế nhưng kết quả thực hiện Chương trình hết sức đáng khích lệ. Cụ thể: Bộ Công Thương đã hỗ trợ và hướng dẫn được 24 tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn; xây dựng các phóng sự và tổ chức các talk show phát định lỳ trên Đài truyền hình Trung ương về sản xuất và tiêu dùng bền vững; viết và đăng tải hàng trăm tin, bài viết chuyên sâu về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên trang thông tin của Bộ Công Thương, của Chương trình (www.scp.gov.vn) và trên các trang thông tin của các đơn vị báo chí trực thuộc Bộ; xây dựng và phát hành Bản tin sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành Công Thương; xây dựng 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững (ngành thủy sản, điện tử, bao bì, khai thác khoáng sản và ngành bia); xây dựng được bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững; xây dựng được bộ bài giảng đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho giảng viên, tuyên truyền viên của các tỉnh, thành phố; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, áp dụng xây dựng cho ngành phân bón; xây dựng tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì,..

    Với các kết quả đã đạt được trong năm 2021, năm 2022 Bộ Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các nhóm nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi thói quen tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức cộng đồng và thúc đẩy quá trình sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Cụ thể các nhóm nhiệm vụ sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm 2022: đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức trên Đài truyền hình Trung ương và các phương tiện truyền thông; đẩy mạnh mua sắm bền vững với các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng và thúc đẩy mô hình sản xuất bền vững trong một số ngành; tổ chức các triển lãm kết nối cung cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp; xây dựng các mô hình tái chế trong côn nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn,….

Lợi ích của Kinh tế tuần hoàn:

- Đối với quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

- Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

- Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...

Cù Huy Quang

Phó Chánh văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

 Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

Ý kiến của bạn