Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu

19/02/2016

   Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, ngày 12/12/2015, đại diện195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Pari (Pháp) đã chính thức thông qua Thỏa thuận Pari. Thỏa thuận đã đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của LHQ suốt hơn 2 thập kỷ nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế gia tăng nhiệt độ Trái đất.

   Để hiểu rõ hơn về Thỏa thuận lịch sử này, cũng như cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH), Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT).

Ông Phạm Văn Tấn

Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH

   Xin ông cho biết, ý nghĩa và nội dung chính của Thỏa thuận Pari?

   Ông Phạm Văn Tấn: BĐKH là vấn đề sống còn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH. Mỗi quốc gia có điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau nên có những cách thức khác nhau để ứng phó với BĐKH. Nếu không thống nhất được cách thức giải quyết thì sẽ không thể nào tạo ra sức mạnh tổng hợp. Thỏa thuận Pari chính là công cụ để tất cả các quốc gia cùng thực hiện nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Thời điểm Thỏa thuận Pari được thông qua đã trở thành thời khắc lịch sử, đánh dấu nỗ lực của toàn thế giới về ứng phó BĐKH sau 21 năm đàm phán. Với 29 điều, Thỏa thuận tập trung giải quyết toàn diện các nội dung trong Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC). Kèm theo Thỏa thuận là một quyết định của COP 21, có hiệu lực ngay sau đó, nhằm hướng dẫn thực hiện nhiều nội dung quan trọng của Thỏa thuận, với các yêu cầu cho các quốc gia từ nay đến năm 2020.

   Có thể nói, Thỏa thuận Pari đã giải quyết cơ bản sự khác biệt về trách nhiệm giữa các nước phát triển, đang phát triển và xây dựng trên nền tảng các quốc gia cùng cam kết thực hiện những nỗ lực một cách tốt nhất. Thỏa thuận tái khẳng định mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2oC và kêu gọi các quốc gia nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đến 1,5oC. Các bên đã thống nhất chuyển đổi “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) thành “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) bao gồm các nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và nhiều nội dung khác. Đồng thời, các bên đã đồng thuận về báo cáo định kỳ mức phát thải, các tiến bộ đạt được trong việc thực hiện NDC và thông qua quá trình đánh giá quốc tế 5 năm một lần, với lần đầu tiên là năm 2023.

   Ngoài ra, các bên phải xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng với BĐKH của quốc gia, trong đó nêu chi tiết các ưu tiên thích ứng, hỗ trợ cần thiết và kế hoạch thực hiện. Thỏa thuận đã mở rộng cơ chế Vác-sa-va về tổn thất và thiệt hại do các tác động tiêu cực của BĐKH, tuy nhiên không quy định cho bất kỳ trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường thiệt hại nào do những tổn thất và thiệt hại từ BĐKH gây ra.

   Về tài chính, Thỏa thuận tái khẳng định các nghĩa vụ mang tính ràng buộc pháp lý của các nước phát triển trong khuôn khổ UNFCCC đóng góp để thực hiện nỗ lực ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển có thể tham gia đóng góp theo hình thức tự nguyện. Sau năm 2025, sẽ xem xét nghĩa vụ đóng góp từ tất cả các quốc gia, yêu cầu xem xét, điều chỉnh nguồn hỗ trợ tài chính và ODA theo hướng thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Pari. Về lâm nghiệp, các bên cần hành động để bảo tồn và tăng cường bể chứa KNK, đồng thời khuyến khích, cũng như hỗ trợ các bên trong hoạt động liên quan tới công tác bảo tồn, quản lý rừng bền vững, tăng cường dự trữ các-bon từ rừng tại các quốc gia đang phát triển.

   Bên cạnh đó, Thỏa thuận đã mở đường cho các bên tham gia kinh doanh tín chỉ phát thải quốc tế nhằm tránh tính toán kép các tín chỉ phát thải được tạo ra, đồng thời kêu gọi hình thành một cơ chế mới, tương tự như Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto, cho phép mức giảm phát thải của một quốc gia có thể được tính vào NDC của quốc gia khác. Thỏa thuận cũng đề ra các cơ chế chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH, trong đó khuyến khích hợp tác song phương, đa phương, khu vực để thúc đẩy thực hiện các nội dung của Thỏa thuận.

Đoàn đàm phán của Việt Nam tham dự COP 21 

   Ông có thể cho biết những đóng góp quan trọng, cũng như cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH tại Hội nghị?

   Ông Phạm Văn Tấn: Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam tham dự ở cấp cao và cấp kỹ thuật (chủ yếu tập trung trong hoạt động đàm phán xây dựng Thỏa thuận Pari). Tham dự Phiên họp cấp cao dành cho lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với BĐKH; nêu rõ quan điểm của Việt Nam ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia xây dựng một Thỏa thuận với sự bảo đảm đóng góp công bằng giữa các nước và có sự cân bằng trong những nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ. Thủ tướng nêu rõ, từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, Việt Nam vẫn tích cực triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch ứng phó với BĐKH trên nhiều lĩnh vực, với các biện pháp thiết thực và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong UNFCCC, Nghị định thư Kyoto. Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh trong giai đoạn 2016 - 2020.

   Ở cấp kỹ thuật, các thành viên Ban công tác đám phán của Việt Nam về BĐKH đã tích cực tham gia các phiên họp, nắm bắt quan điểm của mỗi nước, nhóm nước, trao đổi ý kiến với các đại biểu quốc tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo. Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể, kịp thời vào các điều khoản của Dự thảo Thỏa thuận Pari và đưa ra một số lựa chọn cho các điều khoản quan trọng có liên hệ trực tiếp tới lợi ích quốc gia và phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đoàn đàm phán Việt Nam đã ủng hộ các nội dung cơ bản của Dự thảo Thỏa thuận và đưa ra một số ý kiến như: Thỏa thuận cần phải tăng cường việc thực hiện và tôn trọng tất cả các nguyên tắc, điều khoản của Công ước; đồng thời, cần có một điều khoản riêng về tổn thất và thiệt hại liên quan tới tác động tiêu cực của BĐKH; Các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ về tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển sẽ đóng góp nguồn tài chính trên cơ sở tự nguyện. Những ý kiến của Đoàn đàm phán Việt Nam đã được Chủ tịch Ủy ban Pari hoan nghênh và ghi nhận.

   Ngoài ra, tại Hội nghị COP 21, Đoàn đàm phán Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề về Việt Nam ứng phó với BĐKH nhằm giới thiệu những thách thức và cơ hội do BĐKH mang lại; các sáng kiến, hoạt động và tiềm năng trong hợp tác song phương và đa phương nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH; chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về BĐKH, tiềm năng thực hiện tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon…

   Để thực hiện Thỏa thuận Pari, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa ông?

   Ông Phạm Văn Tấn: Trước hết, chúng ta cần làm các thủ tục trong nước để ký và phê duyệt Thỏa thuận trước tháng 4/2017. Đồng thời, điều chỉnh Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SPRCC) giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và các chương trình, dự án liên quan cho phù hợp với tình hình mới; Xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia theo hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Khí hậu để nhận hỗ trợ quốc tế và đặc biệt là Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Pari tại Việt Nam. Đây là vấn đề mới, cần hoàn thiện về thể chế, tổ chức, năng lực để thực hiện Thỏa thuận.

   Ngoài ra, các hoạt động ứng phó với BĐKH từ nay đến năm 2020 đối với Việt Nam sẽ tiếp tục được thực hiện theo hình thức tự nguyện, đồng thời, có những bước chuẩn bị kỹ càng, tạo đà cho việc thực hiện thành công Thỏa thuận Pari tại Việt Nam từ năm 2020 trở đi.

   Xin cảm ơn ông!

                G. Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn