Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

UNIDO với một số sáng kiến về quản lý chất thải điện tử

15/09/2015

     Trong hai thập kỷ qua, việc quản lý chất thải điện tử đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều nước phát triển và đang phát triển và trở thành vấn đề quan trọng cần được giải quyết ở quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia đã hạn chế việc nhập khẩu chất thải điện tử trên lãnh thổ của mình, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để ngăn chặn những tác động của chúng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chất thải điện tử là các thiết bị điện và điện tử không còn trong tình trạng sử dụng, trong đó có chứa cả các chất độc hại (thủy ngân, CFC, chì kính, pin...) và các chất có giá trị (vàng, bạc, palladium, bạch kim...). Vì vậy, việc tái chế, tái sử dụng và nâng cấp các thiết bị điện và điện tử cũ phải được xem xét khi đề cập đến vấn đề quản lý chất thải điện tử.      Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và xử lý các chất thải nguy hại có hiệu lực vào năm 1992 và được phê chuẩn tại Việt Nam vào năm 1995. Công ước quy định, bất kỳ quốc gia nào xuất khẩu các mặt hàng nguy hiểm thì phải đưa ra thông báo trước cho chính phủ của nước nhập khẩu và phải nhận được sự đồng ý nhập khẩu nhưng lại không cấm xuất khẩu chất thải nguy hại đến bất kỳ nơi nào. Công ước đã có tác động mạnh mẽ tới việc kinh doanh chất thải, tuy nhiên các điều khoản trong Công ước vẫn chưa có các quy định về các mặt hàng cũ và chất thải điện tử. Năm 1995, một bản sửa đổi bổ sung Công ước Basel đã nhận được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển và liên minh của các tổ chức phi chính phủ nhưng nó đã không có hiệu lực do không có đủ số lượng các bên tham gia phê chuẩn. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung là để áp dụng một lệnh cấm chuyển tất cả mặt hàng chất thải nguy hại đến các nước kém phát triển, bao gồm cả các hoạt động tái chế.      Thị trường điện tử ở Việt Nam bùng nổ từ năm 2000 và tăng trung bình hàng năm là 20%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đã đặt ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người và môi trường. Năm 2010 đã có khoảng 3,86 triệu thiết bị hoặc 114.000 tấn sẽ bị loại bỏ tại Việt Nam. Con số này được dự kiến sẽ cao hơn gấp bốn lần vào năm 2025, đạt 17,2 triệu thiết bị hoặc 567.000 tấn. Trong số chất thải điện tử bị loại bỏ năm 2013, điện thoại di động đứng đầu tiên với 3.295.727 chiếc, tiếp đó là ti vi (1.293.210 chiếc), máy giặt (937.420), tủ lạnh (689.466), máy tính (420.850) và ACS (209.548).      Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 tại 3 điểm tái chế chất thải điện tử của Việt Nam là Trang Minh (vùng ngoại ô TP. Hải Phòng), Đông Mai và Bùi Dầu (tỉnh Hưng Yên) đã cho thấy, sự xuất hiện chất polychlorinated biphenyls và chất chống cháy brôm trong sữa của những phụ nữ tham gia tái chế chất thải điện tử không phù hợp hoặc sinh sống ở gần các điểm tái chế đó. Hai chất này đều thuộc loại các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và sự tích tụ các hợp chất này do bị nhiễm bụi thông qua đường hô hấp và tiêu hóa. Điều đáng lo ngại là hầu hết, hoạt động tái chế chất thải ở Việt Nam vẫn còn thủ công, lạc hậu, bên cạnh đó, công tác quản lý và tiêu hủy chất thải thiếu sự kiểm soát đã tạo ra lượng khí thải độc hại cho môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.   Rác thải điện tử được đưa đến các nhà máy tái chế để lắp ráp thành những sản phẩm mới        Ở Việt Nam, đã áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát dòng chảy đến của các chất thải điện tử. Trong đó, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP tăng cường lệnh cấm nhập khẩu các thiết bị gia dụng cũ, bao gồm các mục đích nhập khẩu và tái sử dụng trực tiếp. Việt Nam nghiêm cấm nhập khẩu các chất thải điện, điện tử cho việc tái xuất khẩu với mọi mục đích, cũng như các hoạt động tiêu hủy chúng. Luật BVMT được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 đã cải thiện trách nhiệm của các nhà sản xuất điện và điện tử bằng cách buộc họ phải thu hồi sản phẩm của mình khi chúng đã lỗi thời hoặc bị bỏ đi.      Các sáng kiến quốc tế như RoHS đã kiềm chế việc sử dụng các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử. Trên thực tế, các công ty ở Việt Nam phải tuân theo luật RoHS để tiếp tục xuất khẩu sang các nước châu Âu và ngày càng nhiều nhà sản xuất đã chuyển hướng sang sản xuất xanh hơn và sạch hơn. Tuy nhiên, có một khoảng cách giữa các nguyên tắc trong chính sách và việc thực hiện trên thực tế. Việc buôn lậu các thiết bị điện, điện tử và sự tồn tại của các điểm tái chế không đúng cách đã và đang gây nguy hiểm cho môi trường. Chính phủ Việt Nam nên xem xét, điều chỉnh các quy định về việc lưu thông chất thải điện tử trong một bối cảnh hợp lý. Việc không tính đến nhập khẩu các sản phẩm cũ hoàn toàn không phải là lựa chọn khả thi nhất. Các sản phẩm cũ sẽ trở thành chất thải trung hạn và đó là lý do tại sao các hoạt động tái chế phù hợp nên được phát triển. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chính thức hóa các khu vực tái chế tại Việt Nam. Ba bước đầu tiên cho việc chính thức hóa các hoạt động tái chế sẽ là sự đăng ký của tất cả các cơ sở tái chế; thắt chặt các quy định về chất thải điện tử; thiết lập một khung thời gian đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn.      Triết lý “Best-of-Two-Worlds” là một giải pháp thực tế để xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam. Cách tiếp cận này được UNIDO hỗ trợ để tìm cách lồng ghép các lợi thế so sánh của các nước phát triển và đang phát triển trong xử lý chất thải điện tử. Do đó, nó khuyến khích sự kết hợp của quá trình tiền xử lý tốt nhất để tiêu hủy các chất thải điện tử thông thường ở các nước đang phát triển với quá trình hậu xử lý tốt nhất để xử lý các phân đoạn phế thải nguy hiểm và phức tạp ở các cơ sở xử lý tinh vi trên thế giới. Nói cách khác, các phân đoạn có thể tái chế được trong nước cần được xử lý ở cấp địa phương và chỉ có các phân đoạn không thể xử lý được trong nước (như các bộ phận nguy hiểm, màn hình CRT hoặc PWB) sẽ được xuất khẩu sang quốc tế để xử lý và phục hồi lần cuối các kim loại quý (cụ thể là cho PWB). Cách tiếp cận này có ba ưu điểm chính: Đầu tiên nó khuyến khích sự hợp tác tốt hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển trong việc xử lý chất thải điện tử. Thứ hai nó làm tăng hiệu suất thu hồi đối với các chất thải quý và có giá trị ở mức độ sơ chế khi phân loại và xử lý thủ công gây tổn thất kim loại ít hơn quá trình cơ học. Thứ ba, việc xử lý phế thải điện tử chứa chất nguy hại tại các cơ sở xử lý phế thải tinh vi hợp pháp trên thế giới làm giảm thiểu các tác động của việc tái chế đối với môi trường. Việt Nam là quốc gia lý tưởng để áp dụng triết lý “Best-of-Two-Worlds” vì nó kết hợp cả chi phí lao động thấp (thiết lập được các xử lý thông thường) và quy mô thị trường hạn chế (cho phép chuyển giao các phế thải điện tử nguy hại tới các cơ sở xử lý có kỹ thuật tiên tiến trên thế giới).      UNIDO có một mạng lưới quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất thải điện tử và là một thành viên của Sáng kiến Giải quyết vấn đề chất thải điện tử (STEP). UNIDO đã thực hiện một dự án ở Uganda nhằm xây dựng một hệ thống thu gom và thành lập một cơ sở xử lý thủ công các chất thải điện tử. Mục đích của dự án là thúc đẩy sự hình thành ngành công nghiệp dịch vụ môi trường và góp phần gia tăng tuổi thọ các thiết bị điện và điện tử, đặc biệt là máy vi tính. UNIDO cũng hỗ trợ các cơ sở tiêu hủy chất thải điện tử ở Tanzania và Ethiopia mở rộng quy mô hoạt động nhằm giúp họ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Ở khu vực Đông và Đông Nam Á, UNIDO đang lên kế hoạch thực hiện dự án phát triển các mô hình kinh doanh theo chu trình khép kín với mục đích nâng cao lợi ích chung của các nhà sản xuất và tái chế, đồng thời hướng dẫn việc thu gom, phân loại, chuyển giao và xử lý nhằm loại bỏ các chất thải hữu cơ khó phân hủy có trong các thiết bị điện và điện tử.      Với tình hình chất thải điện tử ở Việt Nam, UNIDO dự kiến sẽ khởi động một dự án mới với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Mục tiêu của dự án tương lai này là thiết lập một hệ thống quản lý môi trường nhằm giảm phát thải thủy ngân và các chất thải hữu cơ khó phân hủy trong công nghiệp để giảm thiểu các rủi ro cho người dân và hệ sinh thái. Chính xác hơn, UNIDO dự kiến xem xét, cập nhật và phát triển các quy định hiện hành về quản lý chất thải điện tử, đồng thời tiến hành một cuộc kiểm kê quy mô quốc gia về thủy ngân, các chất thải hữu cơ khó phân hủy mới có trong chất thải điện tử và giới thiệu các công nghệ hiện có tốt nhất (BAT), các hoạt động môi trường tốt nhất (BEP) cho các doanh nghiệp và các bên liên quan thí điểm nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam.   Alice Crochet, Nguyễn Thị Mỹ Hoàng Văn phòng UNIDO tại Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013    
Ý kiến của bạn