Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Thực trạng và giải pháp kiểm soát môi trường biển ven bờ tỉnh Thái Bình

04/09/2015

   Thái Bình là tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng với bờ biển dài 54 km, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường biển ven bờ nói riêng.

   Thực trạng môi trường biển ven bờ tỉnh Thái Bình

   Theo kết quả quan trắc của Chi cục Biển phối hợp với Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình thực hiện năm 2014 cho thấy, môi trường nước vùng ven biển tỉnh Thái Bình có dấu hiệu ô nhiễm do phát hiện nồng độ nhu cầu ô xy hóa học (COD), nồng độ chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng kim loại mangan (Mn), hàm lượng kim loại đồng (Cu), hàm lượng kim loại kẽm (Zn) tăng cao so với quy định cho phép đối với khu vực nuôi trồng thủy sản và bảo tồn biển (QCVN 10: 2008/BTNMT). Cụ thể các chỉ tiêu quan trắc như sau:

   Phân bố nồng độ nhu cầu ô xy hóa học (COD): Mùa mưa dao động trong khoảng 1,6 - 4,52 mg/l, nồng độ COD trung bình 2,89 mg/l. Nồng độ COD mùa khô dao động trong khoảng 1,8 - 4,7 mg/l, nồng độ COD trung bình đạt 2,96 mg/l. Tại một số điểm lấy mẫu nước biển phân tích cho thấy, nồng độ COD có giá trị cao hơn ngưỡng cho phép đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản và bảo tồn biển (QCVN 10: 2008/BTNMT) từ 1,2 - 1,63 lần.

   Nồng độ TSS: Có xu hướng giảm dần từ bờ ra khơi. Giá trị TSS quan trắc được trong mùa mưa dao động trong khoảng 42 - 62 mg/l, trung bình 49,2 mg/l. Vào mùa khô giá trị TSS quan trắc được có giá trị dao động trong khoảng 25 - 82 mg/l, trung bình 48,25 mg/l. Giá trị TSS quan trắc vùng ven biển Thái Bình tại một số khu vực có giá trị cao hơn tiêu chuẩn cho phép đối với khu vực nuôi trồng thủy sản và bảo tồn biển (QCVN 10: 2008/BTNMT) từ 1,1 - 1,64 lần.

   Hàm lượng kim loại mangan (Mn): Trong mẫu nước biển ven bờ dao động trong khoảng 0,05 - 0,27 mg/l, trung bình 0,13 mg/l. Vào mùa khô dao động trong khoảng 0,034 - 0,6 mg/l, trung bình 0,2 mg/l. Tại một số khu vực quan trắc được cho thấy nồng độ Mn đã vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam (QCVN 10: 2008/BTNMT) từ 1,1 - 2,7 lần.

   Hàm lượng kim loại đồng (Cu): Quan trắc vào mùa mưa dao động trong khoảng từ 0,008 - 0,074 mg/l, trung bình 0,03 mg/l. Vào mùa khô nồng độ Cu dao động trong khoảng 0,002 - 0,028 mg/l, trung bình 0,018 mg/l. Nồng độ Cu quan trắc được tại một số khu vực nuôi trồng thủy hải sản ven biển có giá trị cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam (QCVN 10: 2008/BTNMT) từ 1,2 - 2,46 lần.

Bãi biển Cồn Vành, Tiền Hải, Thái Bình

   Hàm lượng kim loại kẽm (Zn): Quan trắc vào mùa mưa dao động trong khoảng 0,03 - 0,08 mg/l, trung bình 0,045 mg/l; mùa khô dao động trong khoảng 0,025 - 0,06 mg/l, trung bình 0,048 mg/l. Kết quả quan trắc tại một số điểm trong mùa mưa có giá trị cao hơn tiêu chuẩn cho phép đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản (QCVN 10: 2008/BTNMT) từ 1,1 - 1,6 lần.

   Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015 xác định các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển Thái Bình chủ yếu bắt nguồn từ đất liền và các hoạt động trên biển, bao gồm:

   Nguồn thải sinh hoạt: Với dân số của tỉnh gần 2 triệu người tập trung trên diện tích nhỏ, mật độ dân số cao đã tạo ra nguồn thải sinh hoạt rất lớn.

   Cùng với đó, nhiều bãi rác ven sông, ven biển chưa được thiết kế phù hợp, chưa có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác cũng là nguồn bổ sung đáng kể các chất ô nhiễm cho vùng biển ven bờ Thái Bình.

   Nguồn thải nông nghiệp: Là địa phương có cơ cấu nông nghiệp cao với giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn khu vực ven biển tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 5%. Do vậy, nguồn thải nông nghiệp ra vùng biển ven bờ của Thái Bình gồm các loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, hiện nay Thái Bình có diện tích nuôi trồng thủy hải sản mặn lợ đạt 6.992 ha (trong đó nuôi ngao 3.000 ha) nên có một lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng phát thải từ hoạt động nuôi thủy sản ven biển.

   Nguồn thải công nghiệp: Những năm gần đây, Thái Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp với các khu công nghiệp tập trung Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải, Gia Lễ, Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn khu vực ven biển tăng trưởng bình quân 13,9 %/năm. Bên cạnh đó, Thái Bình cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống (chạm bạc, thêu, dệt, chiếu cói, thảm len, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ…). Do đó phát sinh nguồn thải công nghiệp, các chất thải nguy hại, trong đó có các kim loại nặng.

   Nguồn thải do sông: Thái Bình có 4 con sông lớn chảy qua (sông Hóa, sông Luộc, sông Hồng, sông Trà Lý) cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt đổ ra biển qua 5 cửa sông lớn (cửa Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lý, Lân và Ba Lạt). Do đó, nguồn ô nhiễm do sông mang ra vùng biển ven bờ Thái Bình rất lớn, đặc biệt là các chất COD và TSS.

   Các hoạt động trên biển: Thái Bình có hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải, lực lượng ngư dân khai thác hải sản tương đối đông với trên 1.200 tàu thuyền. Ngoài ra Thái Bình cũng có các cảng, bến Diêm Điền, Cửa Lân nên có hàng trăm tàu vận tải biển. Những hoạt động đánh bắt hải sản và vận tải biển cũng ít nhiều gây ô nhiễm cho vùng biển Thái Bình.

   Công tác BVMT biển Thái Bình

   Trong những năm gần đây, Thái Bình đã chú trọng đến công tác BVMT, trong đó có BVMT biển. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm ban hành và chỉ đạo các Sở, ban, ngành chuyên môn cụ thể hóa các văn bản quy phạm, văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách về BVMT ở địa phương. Tỉnh đã bố trí 1% tổng thu ngân sách hàng năm cho công tác BVMT. Các năm 2011, 2012 được Bộ TN&MT hỗ trợ 91,861 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 12 bệnh viện công lập, xây dựng trạm xử lý nước thải làng nghề trong đất liền. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan đơn vị chuyên môn thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những hoạt động trên bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý và BVMT nói chung và môi trường biển nói riêng.

   Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong kiểm soát, quản lý môi trường nói chung và môi trường vùng biển ven bờ ở Thái Bình như:

   Đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT tại các sở, ban, ngành, địa phương cấp huyện, xã còn thiếu về số lượng chưa đáp ứng tốt được khối lượng công việc cần phải giải quyết. Hiện nay, cấp tỉnh đã thành lập Chi cục BVMT (13/15 công chức), Chi cục Biển (7/8 công chức), Trung tâm Quan trắc phân tích Tài nguyên và môi trường (18/20 viên chức) thuộc Sở TN&MT; phần lớn lực lượng công chức, viên chức còn trẻ có chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực môi trường, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý. Cấp huyện (7 huyện, 1 thành phố) biên chế, hợp đồng từ 2 - 3 cán bộ chuyên trách về môi trường thuộc phòng TN&MT và cấp xã 100% số xã có cán bộ làm công tác môi trường nhưng đều có chuyên ngành đất đai, xây dựng... được giao kiêm nhiệm công tác quản lý môi trường ở địa phương.

   Về mặt thể chế chính sách: Ở địa phương việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác BVMT chủ yếu theo các văn bản pháp luật của Trung ương, trong khi đó các văn bản luật và dưới luật chưa hoàn thiện, nên việc cụ thể hóa văn bản pháp luật về BVMT rất hạn chế. Một số văn bản, cơ chế chính sách đã được ban hành và tổ chức thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chương trình, kế hoạch BVMT biển chưa được các địa phương, người dân giáp biển quan tâm đúng mức;

   Kinh phí đầu tư BVMT biển rất hạn chế. Kinh phí sự nghiệp môi trường của địa phương hàng năm tập trung phần lớn vào giải quyết các vấn đề môi trường trên đất liền. Các hoạt động điều tra phát thải ra môi trường biển, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong khu vực biển cũng chưa triển khai có kế hoạch do lực lượng còn giàn trải tập trung vào các hoạt động trong đất liền và cơ chế, thể chế, nguồn lực thực hiện điều tra, thanh tra, kiểm tra tại các khu vực biển còn hạn chế.

   Một số đề xuất kiểm soát môi trường biển tỉnh Thái Bình 

   Thứ nhất, hoàn thiện thể chế BVMT biển

   Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, nhận chìm ở biển.

   Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác BVMT biển

   Xét trên tính chất liên thông của biển và tính chất lan truyền ô nhiễm trên biển cần tăng cường cơ chế phối hợp trong BVMT biển trên cơ sở mối tương quan với khai thác bền vững tài nguyên biển và BVMT trên đất liền. Đặc biệt, nhất quán thực hiện Quyết định số 23/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo, Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành trong tỉnh có liên quan đến biển như: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

   Thứ ba, tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT biển Thái Bình

   Tăng cường huy động nguồn lực (từ trung ương, địa phương và vốn ngoài ngân sách nhà nước) đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác quản lý BVMT nói chung và BVMT biển nói riêng trên địa bàn tỉnh để chủ động nắm bắt kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương, tham mưu giúp chính quyền địa phương cụ thể hóa các văn bản của Trung ương.

   Thứ tư, tập trung triển khai công tác điều tra

   Cần tập trung triển khai thực hiện công tác điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển. Đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển, trầm tích, sinh thái và diễn biến môi trường vùng ven biển. Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường biển tại những khu vực rủi ro ô nhiễm cao để xác định các khu vực biển không có khả năng tiếp nhận chất thải, những khu vực dễ bị tổn thương.

   Thứ năm, kiểm soát các nguồn thải ra biển

   Kiểm soát tốt các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường phát sinh từ các hoạt động trên biển như kịp thời yêu cầu các chủ dự án phải tháo dỡ, vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định các công trình, thiết bị trên biển sau khi hết thời hạn sử dụng. Các chủ phương tiện hoạt động trong vùng biển tỉnh Thái Bình quản lý chỉ được hoạt động khi có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường bảo đảm không làm rò rỉ, thất thoát, tràn thấm xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, các chất độc và các chất khác có nguy cơ gây sự cố môi trường. Thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các cảng biển, doanh nghiệp, chủ phương tiện phát sinh chất thải rắn, nước thải, nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh từ tàu không đảm bảo quy định về môi trường. Chủ động thu gom, phân loại, phối hợp với các địa phương có biển xử lý kịp thời chất thải trôi đảm bảo quy định về BVMT.

   Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các tô chức, cá nhân phát sinh chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong đất liền. Các điểm xả nước thải đã được xử lý vào khu vực biển phải đảm bảo các điều kiện liên quan đến động lực, môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học, tính dễ bị tổn thương và khả năng chịu tải của khu vực biển.

   Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức BVMT biển

   Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức BVMT biển cho các cấp chính quyền trong tỉnh, doanh nghiệp khai thác biển và cộng đồng dân cư ven biển. Công tác tuyên truyền phải chú trọng đến nội dung khai thác bền vững tài nguyên và BVMT biển với nhiều hình thức (từ tổ chức các sự kiện liên quan đến biển đến phát sóng, phát hình về BVMT biển…). Đặc biệt cần nâng cao nhận thức, phát huy những mặt tích cực các thiết chế của các cộng đồng ven biển trong công tác BVMT biển tỉnh Thái Bình.

Vũ Hải Đăng  
Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

Ý kiến của bạn