Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Thực thi chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam

19/11/2015

   Thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học (ĐDSH)” báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2015, ngày 19/10/2015, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo Thực thi chính sách, pháp luật về ĐDSH ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp.

   Luật ĐDSH được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 ngày 13/11/2008 thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ĐDSH ở Việt Nam hiện nay. Qua hơn 6 năm thực hiện Luật ĐDSH năm 2008, công tác quản lý nhà nước về ĐDSH đã có chuyển biến tích cực. Các cơ quan chức năng đã ban hành trên 20 văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành Luật ĐDSH năm 2008, trong đó có những văn bản quan trọng như Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể về bảo tồn ĐDSH, Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở cho việc ban hành Kế hoạch, quy hoạch bảo tồn ĐDSH ở các địa phương... Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức quản lý ĐDSH được hình thành ở Trung ương và địa phương trong cả ngành môi trường và ngành lâm nghiệp; ĐDSH được quan tâm quản lý và bảo vệ; ĐDSH bước đầu đã được khai thác, sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, môi trường, khai thác nguồn gen, phát triển chăn nuôi...

   Tuy nhiên, qua thực tiễn việc thực thi chính sách pháp luật về ĐDSH còn bộc lộ nhiều bất cập như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực thi Luật ĐDSH năm 2008 còn chậm; Có sự chồng chéo trong các quy định quản lý ĐDSH gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi pháp luật; Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn còn thiếu và chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ bảo tồn ĐDSH; Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐDSH chưa rõ ràng giữa Bộ chủ trì và các Bộ chuyên ngành, giữa các cơ quan chức năng ở địa phương; Tài chính đầu tư cho bảo tồn ĐDSH còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước về ĐDSH; Hoạt động của các khu bảo tồn chưa phát huy hiệu quả; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ĐDSH còn bộc lộ nhiều bất cập.

   Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên, đồng thời tìm ra các giải pháp khắc phục những hạn chế bất cập để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thực thi pháp luật về ĐDSH có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Hiến pháp năm 2013; Luật BVMT năm 2014.

                N. Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn