Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Từ dòng suối thần linh Bưng Cù đến kiểm soát ô nhiễm nước

04/07/2014

     Bưng Cù là một con suối nhỏ nằm ở phía Nam thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, có chiều dài 4,35 km, bắt đầu từ phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An chảy qua thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên và đổ ra sông Đồng Nai ở cầu Bà Kiên.

     Suối Bưng Cù là một địa danh nổi tiếng của tình Bình Dương do cạnh con suối có miếu Ông Cù được dân làng xây dựng để tưởng nhớ vị thần linh đã tạo dựng ra dòng suối, mang dòng nước trong lành cho dân làng. Tuy nhiên, dòng suối linh thiên này đang dần chết, dòng nước mát trong lành đã biến thành dòng nước đen lẫn với rác thải sinh hoạt các loại.

     Từ khi tỉnh Bình Dương phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư, các nhà máy và khu công nghiệp được xây dựng thì suối Bưng Cù bắt đầu bị ô nhiễm. Năm 2005, nguồn nước suối Bưng Cù không còn được sử dụng và từ năm 2006, mức độ ô nhiễm trở nên trầm trọng. Theo tài liệu điều tra của Dự án trình diễn quản lý môi trường lưu vực suối Bưng Cù (VPEG), hiện nay có hơn 200 doanh nghiệp xả thải vào suối Bưng Cù với lưu lượng 5.000 m3/ngày, đêm (chiếm tỷ lệ 63%) và nước thải sinh hoạt của dân cư xả thải vào suối Bưng Cù khoảng 3.000 m3/ngày, đêm (chiếm tỷ lệ 37%).

     Trong số 47 nhà máy được điều tra, nếu xét các chỉ tiêu pH, COD, BOD, SS ở mức B2 của quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT của Bộ TN&MT, có 19 nhà máy (chiếm tỷ lệ 40% ) có chất lượng nước thải vượt quá quy chuẩn xả thải nước mặt. Bên cạnh đó, còn có nguồn nước thải từ các doanh nghiệp, nhà máy và nước sinh hoạt từ các khu nhà trọ, hộ dân. Quan trắc 4 điểm dọc theo dòng chảy suối Bưng Cù thì 3 điểm có chỉ tiêu COD, BOD vượt quá quy chuẩn B2. Vì thế, người dân sống dọc hai bên bờ suối là những người bị ảnh hưởng đầu tiên, họ phải khoan giếng lấy nước ngầm tưới ruộng.

     Bên cạnh đó, lượng nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình và các nhà trọ được cho là nguyên nhân chính gây ô nhiễm ở suối Bưng Cù. Mặt khác, hiện nay, những cán bộ làm công tác môi trường địa phương chưa có đủ năng lực và quyền hạn để giải quyết vấn đề mà dừng ở chỗ báo cáo vấn đề. Vấn đề được báo cáo và chờ đợi giải quyết sẽ phải trải qua nhiều thủ tục hành chính mà chưa chắc đã thực sự được giải quyết. Mỗi bước thực hiện đều liên quan tới quản lý, kỹ thuật, công nghệ và tài chính, do đó sẽ gặp khó khăn.

     Việc khôi phục và bảo vệ suối Bưng Cù sẽ phải tuân thủ theo hai luật là Luật BVMT (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước, các Nghị định và Thông tư liên quan tới các luật trên. Đặc biệt, dưới Luật Tài nguyên nước, đã có Nghị định số 25/2008/NĐ-CP và Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.

 

Suối Bưng Cù

 

     Theo Luật BVMT (sửa đổi), cần công khai các thông tin các nguồn thải từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong thông tư số 02/2009/TT-BTNMT quy định “khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là khả năng nguồn nước có thể tiếp nhận được thêm một tải lượng ô nhiễm nhất định mà vẫn bảo đảm nồng độ các chất ô nhiễm trong nguồn nước không vượt quá giá trị giới hạn được quy định trong các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng nước cho mục đích sử dụng của nguồn nước tiếp nhận”. Như vậy, suối Bưng Cù, với vị trí là nguồn nước tiếp nhận, cần có các giá trị giới hạn được quy định trong các quy chuẩn chất lượng nước.

     Về trách nhiệm, trong các Luật, Nghị định, Thông tư đều đề cập đến vai trò của cơ quan chức năng địa phương cấp tỉnh, nhưng cụ thể hóa các vai trò này đến các nguồn nước chưa rõ. Theo Điều 33 của Luật Tài nguyên nước, việc tổ chức đánh giá thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục thuộc UBND tỉnh.

     Suối Bưng Cù chỉ là ví dụ điển hình cho hàng nghìn con suối, kênh, rạch nhỏ ở cả nước đã bị ô nhiễm. Hiện nay, ô nhiễm nước từ các nguồn xả thải là chính. Nếu khống chế các nguồn này một cách hiệu quả, lượng xả thải sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, cần công khai các nguồn thải; cần có bản đồ các sông, suối, kênh rạch đang bị ô nhiễm trầm trọng tại mỗi huyện, mỗi tỉnh. Sau khi đã xác định được các điểm ô nhiễm, cần có kế hoạch triển khai khôi phục từng đoạn sông. Đặc biệt, trong tương lai, cần có một khung chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước riêng biệt, trước hết là kiểm soát xả thải nước thải công nghiệp và đô thị tại các điểm ô nhiễm là những sông suối kênh rạch nhỏ như suối Bưng Cù. Nên tập trung vào việc kiểm soát ô nhiễm nước, cụ thể hóa các chế tài để khôi phục các dòng sông và kiểm soát ô nhiễm nước; cụ thể hóa các vị trí cán bộ chịu trách nhiệm quản lý chất lượng nước các sông suối; gắn với nguồn tài chính để thực hiện các biện pháp. Trong đó, các Nghị định, Thông tư nên cụ thể và tránh trùng lặp để mọi người đọc có thể hiểu và thực hiện.

 

Huỳnh Công Hoài

Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiêm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

 

Ý kiến của bạn