Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Tổng cục Môi trường: Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015

15/09/2015

     Ngày 6/1/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến chủ trì Hội nghị.   Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị        Theo Báo cáo Tổng kết, mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ như thắt chặt chi tiêu công, giảm chi quản lý hành chính... nhằm giảm lạm phát. Song, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, năm 2014 Tổng cục Môi trường đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Công tác quản lý nhà nước về BVMT trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.      Một số kết quả nổi bật năm 2014 của Tổng cục Môi trường      Tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT: Năm 2014 l ghi dấu ấn về những thành công của Tổng cục Môi trường trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT. Luật BVMT đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cũng đã được khẩn trương xây dựng. Đến nay, đã có 05 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được trình theo đúng tiến độ, 07 văn bản thuộc thẩm quyền cấp Bộ đang trong quá trình hoàn thiện.      Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT: Tổng cục Môi trường đã tổ chức 14 đoàn thanh tra tại 814 cơ sở; 06 đoàn thanh, kiểm tra, giám sát liên ngành về tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg tại 52 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 04 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về tình hình quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ có mục tiêu xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg đối với 46 dự án xử lý ô nhiễm triệt để; 02 đoàn kiểm tra về BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn 26 tỉnh và một số đoàn thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ. Tính đến nay, Tổng cục đã ban hành 561 kết luận và đang hoàn thiện 253 kết luận thanh tra; Tiến hành xử phạt đối với 302 đối tượng với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng; Tạm đình chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg, Tổng cục đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 42 cơ sở với tổng số tiền đề nghị xử phạt hơn 7 tỷ đồng.      Nâng cao chất lượng hoạt động đành giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Hoạt động ĐMC, ĐTM đã đi vào nề nếp, dần trở thành công cụ quản lý môi trường có hiệu quả. Tổng cục đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về ĐMC, ĐTM, cam kết BVMT và ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định.      Đẩy mạnh quản lý và BVMT lưu vực sông: Tổng cục Môi trường đã thành lập Chi cục BVMT tại các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014; Tổ chức thành công 03 hội nghị đánh giá tiến độ, kết quả triển khai Đề án BVMT lưu vực sông của Ủy ban BVMT lưu vực sông.      Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp đến năm 2020; Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; Đề xuất khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm đất; Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 về phí BVMT đối với nước thải. Hiện nay, trên cả nước đã có 148/194 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục tích cực hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tổ chức kiểm tra chuyên đề về BVMT làng nghề đối với 03 tỉnh/thành phố Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình. Tính đến tháng 9/2014, có 21 địa phương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án làng nghề.   Toàn cảnh Hội nghị         Chú trọng công tác quản lý chất thải rắn, thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường: Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai 11 tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và dự kiến định mức phân bổ vốn năm 2015 cho 13 tiểu dự án; Xử lý 58/240 khu vực môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho 49 dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu; Phê duyệt 03 Đề án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ phê duyệt trên 197 tỷ đồng; Cấp phép cho 30 doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải nguy hại...      Đối với công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học (ĐDSH): Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo tồn ĐDSH với nhiều văn bản được ban hành; Đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH và Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH; Tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 03 sự kiện ngô biến đổi gen; Phối hợp tổ chức thành công Lễ trao bằng công nhận Khu Ramsar Côn Đảo; Xây dựng, trình Ban thư ký xem xét 02 hồ sơ đề cử công nhận khu Ramsar cho Vườn quốc gia U Minh Thượng và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.      Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học công nghệ, khoa học quản lý về môi trường: Tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 tại TP. Hồ Chí Minh; Tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phi chính thức lần thứ 15 tại Lào. Bên cạnh đó, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 và chuỗi các sự kiện khác có liên quan vào tháng 9/2015; Hoàn thiện và kiện toàn tổ chức ASOEN Việt Nam và Văn phòng ASOEN Việt Nam; Hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ Kế hoạch hợp tác ASEAN về môi trường, kế hoạch hành động quốc gia về đất than bùn, Chương trình hành động Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường giai đoạn 2014 - 2015.      Ngoài ra, Tổng cục Môi trường đã triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT, bảo tồn ĐDSH, thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu và thông tin về môi trường.      Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến ghi nhận và đánh giá cao kết quả Tổng cục Môi trường đã đạt được trong năm 2014. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động Tổng cục Môi trường, đặc biệt là thế hệ trẻ cần phát huy tính nhân văn, dân chủ, nguyên tắc, trung thực và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về BVMT, góp phần vào sự phát triển của ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.      Phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2015      Năm 2015, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai và tổ chức tuyên truyền việc thực hiện Luật BVMT 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Ban hành các thông tư hướng dẫn; Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về quy chế phối hợp liên ngành trong công tác BVMT; Rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật BVMT, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;      Xây dựng và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị cấp phòng; Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương;      Tăng cường công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện tốt các thủ tục cấp phép về môi trường theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008;      Thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch BVMT trên phạm vi cả nước; Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao vai trò của các Chi cục môi trường lưu vực sông cũng như hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; Xử lý nghiêm, kịp thời và thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT;      Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMC, ĐTM, hồ sơ dự án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể về bảo tồn ĐDSH của cả nước; Hoàn thiện thể chế quản lý và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên mới, bảo vệ các hành lang ĐDSH. Đồng thời, xây dựng và hướng dẫn triển khai các văn bản về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đất, phát thải hóa chất nguy hại; Hướng dẫn áp dụng và đánh giá hiệu quả của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.      Ngoài ra, tổ chức thành công Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4 và các sự kiện bên lề; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 và các chuỗi hội nghị khác có liên quan; Hội nghị điển hình tiên tiến của Tổng cục Môi trường giai đoạn 2015 - 2020; Các sự kiện về môi trường trong năm 2015 như Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, xét tặng Giải thưởng môi trường Việt Nam và tuyên dương các điển hình tiên tiến trong công BVMT; Tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên toàn cầu hành động vì Trái đất 2015…      Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tổng  cục Môi trường trong thời gian tới, Tổng cục kiến nghị lãnh đạo Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai các nhiệm vụ công tác của Tổng cục; Xem xét, tạo điều kiện để Tổng cục kiện toàn tổ chức, bộ máy; Chỉ đạo xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở kế thừa và nhân rộng các kết quả đạt được của giai đoạn 2011 - 2015.      Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu phân bổ nguồn chi sự nghiệp môi trường theo hướng tăng mức chi để lại ở ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó, tăng cường ngân sách hàng năm từ sự nghiệp này cho Bộ TN&MT nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng; Xem xét, ban hành quy định của Bộ về phối hợp trong quản lý, tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ TN&MT; Thông tư của Bộ TN&MT về quản lý các nhiệm vụ, dự án từ nguồn chi sự nghiệp môi trường; Định mức kinh tế kỹ thuật (sửa đổi) đối với hoạt động quan trắc và phân tích môi trường.   Thu Hằng
Ý kiến của bạn