Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 13/12/2024

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở CÀ MAU

10/12/2015

   Ngày 19/11/2001, UBND tỉnh Cà Mau đã ra Quyết định số 1116/QĐ-CTUB về việc phê duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2001 - 2010… đã tạo ra bước đột phá tích cực trong việc phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, môi trường đất, nước trong hệ thống canh tác bị ô nhiễm, suy thoái, cần được giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững.

Cà Mau khai thác lợi thế tiềm năng đất đai và các hệ sinh thái để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

   Phát triển nuôi trồng thủy sản

   Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế là phụ thuộc chủ yếu vào khai thác, chế biến các sản phẩm Nông - Lâm - Ngư từ nguồn tài nguyên đất ngập nước tại địa phương. Cơ cấu kinh tế năm 1999 có Nông - Lâm - Ngư 59,74%; công nghiệp xây dựng 20,46% và dịch vụ 19,81% (những năm trước chuyển dịch), đến năm 2014 có Nông - Lâm - Ngư 36,1%; công nghiệp xây dựng 36,3% và dịch vụ 27,6%.

   Sử dụng đất trong nông nghiệp từ năm 1999 đến năm 2014 đã có các bước chuyển biến rất mạnh mẽ. Diện tích đất canh tác nông nghiệp suy giảm nhanh chóng những năm đầu chuyển dịch sau đó tiến tới ổn định, đất lâm nghiệp tương đối ổn định do giữ rừng trong chuyển dịch và đặc biệt đất nuôi trồng thủy sản lại tăng rất nhanh những năm đầu chuyển dịch sau đó ổn định để phát triển vào chiều sâu thâm canh ở Cà Mau.

   Diện tích và sản lượng tôm nuôi giai đoạn 1999-2014 đã tăng lên rất nhanh. Năm 1999 diện tích nuôi tôm là 90.511 ha với sản lượng tôm nuôi là 19.720 tấn; năm 2001 diện tích nuôi tôm là 217.898 ha với sản lượng là 55.330 tấn; năm 2003 diện tích nuôi tôm là 248.028 ha với sản lượng là 62.241 tấn; năm 2005 diện tích nuôi tôm là 278.241 ha với sản lượng là 81.100 tấn; năm 2010 diện tích nuôi tôm là 296.300 ha với sản lượng 108.000 tấn và đến năm 2014 diện tích nuôi tôm là 296.000 ha với sản lượng tôm nuôi là 160.000 tấn (Hình).

   Như vậy từ năm 1999 đến năm 2014, diện tích nuôi tôm ở Cà Mau đã tăng lên 3,27 lần (327%) và sản lượng tôm nuôi tăng lên 8,11 lần (811%). Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu ở Cà Mau từ năm 1999 đến năm 2014 là hết sức ấn tượng: Năm 1999 kim ngạch xuất khẩu mới đạt khoảng 150 triệu USD; năm 2003 là 412 triệu USD, năm 2005 là 500 triệu USD, năm 2010 đã là 1.000 triệu USD; đến năm 2014 đã đạt 1.300 triệu USD (trong đó chủ yếu là xuất khẩu với sản phẩm con tôm) đưa Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng hàng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Các tác động môi trường

   Cà Mau có diện tích đất phèn 279.928 ha (chiếm 52,86%), đất mặn 212.877 ha (chiếm 40,2%) diện tích tự nhiên là các loại đất có vấn đề lan truyền phèn mặn trong quá trình canh tác sử dụng đất (tập trung ở các huyện Thới Bình, U Minh, Đầm Dơi, Trần văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển…). Khi tác động vào các loại đất phèn tiền tàng Pyrite (FeS2) và đất phèn hoạt động Jarosite (K/Na.Fe3/Al3(SO4)2.(OH)6) ở quy mô lớn sẽ diễn ra quá trình ôxy hóa mạnh làm giảm nhanh độ pH môi trường đất và nước gây tác hại nhạy cảm đối với tôm nuôi và các hệ sinh thái nông nghiệp. Quá trình đào đắp ao nuôi tôm, kênh rạch thủy lợi, sên vét nạo vét bùn thải tôm nuôi vào đầu và cuối vụ nuôi tôm… gây ra các vấn đề làm hàm lượng sắt (Fe), sulfua (H2S) tăng lên, hàm lượng ôxy trong nước thấp, độ đục rất cao khi thải bùn ra sông rạch không qua xử lý (có nơi đến 800-1.000mg/l), gây bồi lắng bùn thải tại các vùng giáp nước (V=O), đầm trũng và các cửa sông thông ra biển.

   Kết quả “Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản và đề xuất biện pháp xử lý” năm 2014-2015 cho thấy: Đối với các dòng sông chính trong tỉnh đang có xu hướng bị ô nhiễm bởi các thành phần các chất hữu cơ qua các thông số BOD5, COD, DO, N-NO2, N-NH4+, P-PO43-, tổng Coliforms,… đặc biệt là đoạn sông rạch chảy qua các khu vực tập trung đông dân cư và các nhà máy chế biến thủy sản (TP. Cà Mau, thị trấn Năm Căn, Sông Đốc…). Xu hướng nhiễm mặn hầu hết các sông rạch ở Cà Mau đặc biệt vào các tháng mùa khô chuyển sang mùa mưa có hàm lượng BOD5, COD, sắt tổng rất cao và pH thấp (TP. Cà Mau, U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời…). Các khu vực trên địa bàn tỉnh có có hàm lượng ôxy trong nước mặt thấp hoặc rất thấp (so với QCVN 38:2011/BTNMT) như sông Gành Hào, ngã ba Chùa Bà, ngã ba Hòa Trung, kênh xáng Phụng Hiệp, sông Tắc Thủ, kênh xáng Vồ Dơi, kênh So Đũa và kênh Giữa… Đặc biệt các điểm sông rạch có hàm lượng tổng dầu, mỡ khoáng cao tập trung tại khu vực như ngã ba chùa Bà, kênh xáng Phụng Hiệp, sông Tắc Thủ, sông Gành Hào, sông ông Đốc, kênh xáng Vồ Dơi... là nơi tập trung nhiều tàu thuyền neo đậu, chuyên chở vật tư, hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ cung ứng xăng dầu, ảnh hưởng đến chất lượng nước…

   Nước thải nuôi tôm chứa các thành phần độc hại và dịch bệnh có thể gây ô nhiễm môi trường khi thải ra sông rạch. Nước thải nuôi tôm công nghiệp có thành phần các chất hữu cơ cao (BOD5 12-35mg/l, COD 20-50mg/l), các chất dinh dưỡng (phốtpho, nitơ), chất rắn lơ lửng (12-70mg/l), amoniac (0,5-1mg/l), coliform (2,5.102 -3.104 MNP/100ml)… cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra nguồn tiếp nhận.

   Bùn thải nuôi tôm bao gồm: Bùn phù sa lắng đọng, phân của các loài tôm cá, thức ăn dư thừa thối rữa, các chế phẩm hóa học, thuốc kháng sinh tồn dư, các loại khoáng chất dùng trong canh tác (Diatomit, Dolomit…) lắng đọng, các khí độc H2S, NH3, CH4, Mecaptan… Bùn thải ao nuôi tôm công nghiệp có chứa khoảng 29,5%, Si 27.842 mg/kg, Ca 13.256 mg/kg, K 5.642 mg/kg, Fe 11.210 mg/kg, H2S 8,3mg/kg, N-NH3 36,1mg/kg, N-NO3 0,3mg/kg, N-NO2 0,1mg/kg, PO4 1,8mg/kg… là nguồn gây ô nhiễm cần phải được xử lý an toàn. Kết quả điều tra đánh giá ao nuôi tôm ở Cà Mau cho thấy: Nuôi tôm công nghiệp mặc dù đã được xử lý nước trước vụ nuôi, nhưng độ dày lớp bùn đáy ao là 0,074 m/vụ nuôi, nuôi tôm quảng canh cải tiến là 0,118 m/vụ nuôi và ao nuôi tôm quảng canh là 0,164 m/vụ nuôi… Lượng bùn thải ra trong nuôi tôm hàng năm khoảng 12 - 15 triệu m3/năm.Lượng đất được sên vét từ hệ thống kênh khoảng 7 - 8 triệu m3.Đây là nguồn ô nhiễm lớn, chứa các mầm bệnh có thể gây ra dịch bệnh tôm nuôi ở tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.

   Vấn đề dịch bệnh và tôm chết trong ở Cà Mau thời gian qua, xảy ra còn rất phổ biến.Năm 2002 có đến 63.385 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, có năm lên đến 45-50% diện tích nuôi tôm.Năm 2013 dịch bệnh diễn ra ở nuôi công nghiệp là 906 ha và nuôi quảng canh cải tiến là 12.356 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh… gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường.

   Đề xuất giải pháp và kiến nghị

   Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần gắn bó chặt chẽ với quy hoạch và kế hoạch BVMT, trên cơ sở quản lý tổng hợp vùng kinh tế ven biển đầy tiềm năng của tỉnh Cà Mau.

   Thực hiện phân vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản gắn liền với phân vùng sinh thái, đảm bảo các điều kiện thuận lợi và thích nghi để phát triển nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp… trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng đất đai và các hệ sinh thái để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Đảm bảo sự cân bằng sinh thái, khả năng tự làm sạch, sức chịu tải cho các sông rạch, kênh ngòi trong cấp thoát nước cho các vùng phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh. Ngăn ngừa phòng chống sự cố môi trường, suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản…

   Nâng cao vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong công tác BVMT. Các dự án đầu tư quy hoạch phát triển vùng sản xuất, dự án đầu tư thủy lợi, dự án phát triển công nghiệp đô thị, dự án nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp và thâm canh…cần phải đảm bảo yêu cầu ngăn ngừa và phòng chống ô nhiễm môi trường suy thoái môi trường một cách triệt để, tuân thủ quy trình thẩm định, đầu tư và giám sát chặt chẽ về môi trường. Trong đầu tư quy hoạch các khu nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh… bắt buộc phải đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp và nước thải, hệ thống xử lý bùn thải nuôi trồng thủy sản đúng quy định.

   Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát các hoạt động đào đắp vuông tôm, kênh rạch thủy lợi vùng nhiễm phèn, hoạt động sên vét bùn thải sau vụ nuôi, nạo vét kênh rạch vùng nuôi trồng thủy sản, hoạt động xử lý nước thải, chất thải và xử lý dịch bệnh… nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường cho vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản để dự báo chất lượng môi trường và kịp thời ngăn ngừa ứng phó các sự cố môi trường xảy ra phục vụ cho phát triển kinh tế thủy sản.

   Định kỳ tổng kết đánh giá, lựa chọn trên cơ sở khoa học thực tiễn đối với các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm - ngư hợp sinh thái, mô hình nuôi tôm sạch, mô hình lợi thế nuôi tôm sinh thái, mô hình nuôi tôm công nghiệp ít thay nước…để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững ở Cà Mau. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò xã hội hóa cộng đồng trong công tác BVMT, đặc biệt là trong các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ… nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng người dân nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

Phạm Đình Đôn - Phó Cục trưởng

Cục Môi trường miền Nam

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn