Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Sự tham gia của các tôn giáo vào các hoạt động bảo vệ môi trường: Quá trình thế tục hóa theo hướng tích cực

15/09/2015

     Xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật đang dần thay thế cho các lý luận của tôn giáo trong việc kiến giải các vấn đề liên quan đến vũ trụ và đời sống xã hội. Yếu tố thần thánh - điều đã từng duy trì sự hưng vong của tôn giáo đang ngày càng thu hẹp tầm ảnh hưởng trong đời sống hiện đại. Trong bối cảnh đó, để bảo vệ sự tồn tại của mình, các tôn giáo bắt buộc phải có những hành động thiết thực hơn gắn với các hoạt động thường nhật của đời sống xã hội. Tham gia vào hoạt động BVMT chính là một trong số các hoạt động trong tiến trình thế tục hóa giúp các tôn giáo tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại.      1. Quá trình thế tục hóa      Khái niệm thế tục hóa ra đời gắn với quá trình tìm hiểu và suy đoán của các học giả xã hội học cổ điển về vai trò của tôn giáo trong xã hội hiện đại. Những quan điểm ban đầu cho thấy, thế tục hóa chính là hậu quả của quá trình hiện đại hóa, khi mà khoa học đã dần thay thế tôn giáo trong việc lý giải các hiện tượng xã hội. Thế tục hóa về bản chất bao gồm sự thay đổi từ sự hiểu biết tôn giáo trên thế giới (dựa trên đức tin vào những gì không thể chứng minh trực tiếp) đến sự hiểu biết khoa học (dựa trên kiến thức về những gì có thể chứng minh trực tiếp). Có nghĩa, thế tục hóa đồng nghĩa với việc thu nhỏ phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo và có thể đi kèm với những tiên đoán về sự suy tàn của các tôn giáo trên thế giới.      Tuy nhiên, quá trình vận động và phát triển của xã hội lại cho thấy những hiệu ứng khác trong sự thế tục hóa của các tôn giáo trên thế giới. Bằng chính việc thực hiện thế tục hóa, xóa bỏ những quan điểm lạc hậu, tiếp cận với cuộc sống hiện tại, các tôn giáo lại khẳng định vị trí và vai trò của mình nhiều hơn trong xã hội hiện đại. Đó là khi Giáo hội Công giáo bãi bỏ tiếng La tinh trong hành lễ để ủng hộ tiếng nói chung hay khi nhiều tôn giáo cho phép phong chức cho phụ nữ và đặc biệt là những hành động thiết thực của các tôn giáo trong phát triển xã hội và BVMT. Khi đó, thế tục hóa lại chứa đựng những yếu tố tích cực.      2. Sự thế tục hóa của một số tôn giáo trên thế giới trong hoạt động BVMT      Đạo Phật hiện nay thu hút hơn 1,2 tỷ tín đồ bao gồm chính thức và không chính thức. Là một trong những tôn giáo nhận thức khá sâu sắc quy luật “thành trụ hoại không” (có thành ắt có trụ, có phát triển thì sẽ có diệt vong) nên Phật giáo đã thực hiện những bước chuyển mình phù hợp với xã hội. Với lợi thế từ hệ thống kinh sách, giáo lý chứa đựng nhiều tư tưởng thân thiện với môi trường, các tín đồ hay nhà sư trong xã hội hiện đại cũng tỏ ra rất thức thời với các hoạt động BVMT. Trong cộng đồng Phật giáo, tư tưởng đạo đức môi trường, lòng từ bi, bác ái đối với chúng sinh, muôn loài... thấm nhuần trong tâm thức của Phật tử. Do vậy, hoạt động BVMT của Phật tử thể hiện qua những hành động thường ngày như không chặt cây, bẻ lá, phóng sinh… Ở phạm vi rộng lớn hơn, các tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới thể hiện sự đóng góp đối với BVMT bằng những hành động thiết thực như bảo tồn môi trường của các nhà sư ở Mông Cổ, điển hình là hoạt động bảo tồn loài báo tuyết của các tu viện Phật giáo trên cao nguyên Tây Tạng, hay hoạt động tài trợ của Hiệp hội bảo tồn truyền thống Phật giáo đại thừa (FPMT) cho các phong trào BVMT dành cho trẻ em và thanh thiếu niên…; Phong trào sinh thái của đạo Phật ở Thái Lan trong bảo tồn các khu rừng, lưu vực sông và động vật hoang dã cũng như khắc phục hậu quả từ ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người.     Thiên Chúa giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới hiện nay với nhóm đông đảo tín đồ cư trú ở khắp các quốc gia trên thế giới. Thiên Chúa giáo có hệ thống giáo lý và kinh sách đồ sộ, trong đó bao hàm nhiều tư tưởng gần gũi với môi trường. Sự thế tục hóa của Thiên Chúa giáo đối với BVMT không chỉ được thể hiện qua việc phát triển hệ thống kinh sách, giáo lý liên quan đến môi trường mà còn thể hiện đặc biệt rõ qua các lời kêu gọi, các hành động cụ thể được lồng ghép trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là lời kêu gọi của Giáo hoàng Phaolô VI về việc kề vai sát cánh gánh vác trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của thế giới năm 1967 qua thông điệp “Bát thập niên” hay kêu gọi ứng phó thiên tai thảm họa môi trường của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran trong lá thư gửi Phật tử chúc mừng lễ Phật đản năm 2010… Bên cạnh đó, các tổ chức Thiên Chúa giáo cũng tham gia hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu như tổ chức ROCHA với các dự án nghiên cứu về động vật hoang dã và giáo dục nâng cao nhận thức con người về bảo tồn thiên nhiên; Tổ chức Mạng lưới về môi trường đạo Tin lành (EEN) vận động tín đồ Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên dựa trên những lời răn dạy của Kinh thánh về vấn đề này… Riêng với các tín đồ Kitô, việc gìn giữ, bảo vệ chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả bởi khi đó họ sẽ được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng.   Hội thảo Phật giáo và BVMT tổ chức tại Long An        Ngoài các hoạt động riêng lẻ mang tính đặc thù cho từng tôn giáo, một số tổ chức tôn giáo trên thế giới còn phối hợp hành động hoặc hình thành những liên minh để thực hiện thế tục hóa trong hoạt động BVMT. Điển hình có thể kể đến vai trò và những đóng góp của Liên minh các tôn giáo và Bảo tồn thiên nhiên (ARC) - đây là một tổ chức thế tục, thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ các tôn giáo lớn trên thế giới xây dựng và triển khai các chương trình về môi trường dựa trên các bài học, tín ngưỡng và thực hành cốt lõi của các tôn giáo đó. Liên minh được thành lập bởi Hoàng tử Philip năm 1995, với 12 tổ chức tôn giáo là thành viên. Tổ chức này hiện đang thực hiện các hỗ trợ liên quan đến phát triển giáo dục về nguồn nước và vệ sinh ở các trường tôn giáo. Những nỗ lực BVMT mà Liên minh đang thực hiện chính là sự thể hiện cao nhất xu hướng thế tục hóa tiến bộ của các tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới.      3. Sự thế tục hóa của một số tôn giáo ở Việt Nam trong hoạt động BVMT      Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đồng thời cũng là một quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Cũng vì thế, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các tôn giáo có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của xã hội. Trong đó, nổi bật là các hoạt động của tổ chức Phật giáo và Thiên chúa giáo. Với đông đảo tín đồ phân bố ở khắp các địa phương trên cả nước (số liệu thống kê năm 2009, số lượng tín đồ của Phật giáo khoảng hơn 6,8 triệu người và xấp xỉ 5,7 triệu tín đồ Công giáo), các tôn giáo có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trong các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường. Đây là cơ sở của quá trình các tôn giáo thực hiện sự thế tục hóa theo xu hướng tích cực.      Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các tổ chức tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực thi nhiều chính sách tôn giáo phù hợp, thừa nhận tự do tín ngưỡng của cư dân Việt cũng như khuyến khích các hoạt động của các cộng đồng tôn giáo đối với sự phát triển của xã hội. Năm 2012, Vụ Khoa học và Công nghệ Môi trường thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm phát triển xã hội và môi trường vùng đã triển khai nghiên cứu:“Nâng cao hiệu quả BVMT thông qua các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”. Nghiên cứu đã khẳng định vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động BVMT địa phương, đặc biệt là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tổ chức và thực hiện các mô hình thu gom rác thải... Tuy nhiên, hoạt động này của các tổ chức tôn giáo trên thực tế vẫn thiếu các thể chế phù hợp để phát triển. Do đó những hoạt động BVMT với sự tham gia của các tổ chức tôn giáo còn mờ nhạt và chưa được thực hiện thường xuyên.      Cùng với quá trình nhận định về vai trò cũng như những khó khăn, thuận lợi của các tổ chức tôn giáo, nghiên cứu đã tiến hành xây dựng và thực hiện các mô hình hỗ trợ như mô hình truyền thông về BVMT trong cộng đồng tôn giáo và mô hình cung cấp các dụng cụ vệ sinh môi trường phục vụ cho hoạt động thu gom rác thải. Kết quả bước đầu của các mô hình này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng của các hoạt động BVMT ở các cộng đồng tôn giáo. Mặt khác còn cung cấp nhiều tư liệu, kinh nghiệm để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức tôn giáo trong nhiệm vụ BVMT. Nghiên cứu này cũng cung cấp những dẫn chứng xác thực về quá trình thế tục hóa tích cực của các tổ chức tôn giáo trong xã hội hiện đại. Những đóng góp và sự tham gia của các tổ chức này không chỉ tạo nguồn lực trong quá trình phát triển xã hội và BVMT mà còn là cách thức để các tổ chức tôn giáo khẳng định và giữ vững vị thế của mình cùng với sự tiến triển của thời đại.      Trong thế kỷ XXI, khi khoa học kỹ thuật ngày càng chứng tỏ ưu thế trong quá trình nhận thức và khám phá thế giới, tôn giáo vẫn khẳng định sự tồn tại của mình song hành cùng sự phát triển của khoa học. Điều đó không chỉ bởi tôn giáo mang trong mình sức mạnh tinh thần giúp con người giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Mặt khác, quá trình đồng hành giữa đạo với đời, quá trình từng bước thực hiện thế tục hóa một cách tích cực, tiến bộ, tôn giáo một lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế trong đời sống hiện đại. Tận dụng những ưu thế sẵn có của hệ thống giáo lý, kinh sách, các tôn giáo ngày càng phát huy tiếng nói và uy tín trên toàn cầu trong quá trình phát triển thế giới cũng như đối với lĩnh vực BVMT. Sự thế tục hóa này cũng chính là con đường ngắn nhất giúp tôn giáo tồn tại cùng xã hội.   Tiến Châu Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013      
Ý kiến của bạn