Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

07/11/2013

     Phát triển kinh tế gắn với BVMT, phát triển bền vững (PTBV) đất nước là quan điểm và mục tiêu phát triển chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế và BVMT. Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trên thế giới, hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững (SX&TTBV) đang phát triển khá mạnh mẽ, Việt Nam cần có sự quan tâm và giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn trong việc triển khai các hoạt động này, vì sự PTBV của quốc gia.

     Sản xuất và tiêu thụ bền vững, bối cảnh quốc tế

     Trong hai thập kỷ gần đây, PTBV đã trở thành một chủ đề mang tính toàn cầu, được nhìn nhận là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. Khái niệm phát triển bền vững được Liên hợp quốc định nghĩa trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED), năm 1987 là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin), năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về PTBV tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định PTBV là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế - phát triển xã hội và BVMT. Để đạt được mục tiêu này, các nước với điều kiện, hạ tầng kinh tế, xã hội khác nhau có những định hướng, giải pháp riêng. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành "Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam" (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, trong đó SX&TTBV là một trong các nội dung quan trọng được nhấn mạnh.

     SX&TTBV là việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời với việc giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu độc hại và giảm phát thải các chất ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai (Hội thảo Tiêu dùng bền vững, Oslo, Nauy, 19 - 20/1/1994). Nhằm giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa phát triển và BVMT, với sự khởi xướng của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện nay, các chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động SX&TTBV trên toàn thế giới đang được các quốc gia tích cực tham gia.

     Đáp ứng các vấn đề đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững, năm 2003, UNEP đã chủ trì xây dựng chương trình 10 năm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững. Đây là một tiến trình toàn cầu với tên gọi là “Tiến trình Marrakech”, kêu gọi sự tham gia của các quốc gia, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và tất cả cộng đồng vì một thế giới sản xuất và tiêu thụ bền vững. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hiệu quả hoạt động này, tính đến nay, trên 30 nước đã xây dựng được chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, nhiều quốc gia thì lựa chọn cách lồng ghép trong các chính sách, chương trình khác nhau. Các chương trình này xác định các mục tiêu, hoạt động cụ thể, thứ tự ưu tiên, các giải pháp, tiêu chí và việc đánh giá hiệu quả của từng hành động. Trong khu vực, hiện có Thái lan và Indonesia đang dẫn đầu trong việc triển khai các hoạt động này.

     Thực trạng sản xuất và tiêu thụ bền vững của Việt Nam

     Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010), nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,3%/năm, thuộc nhóm  nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Tuy nhiên, chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Đặc biệt, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và tiết kiệm, môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng. Thực trạng này cho thấy, hoạt động sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam chưa đi vào thực tế, chưa mang lại hiệu quả như định hướng chiến lược đã xác định.

     Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ bền vững như ký kết Tuyên ngôn quốc tế về Sản xuất sạch hơn vào năm 1999, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia Sản xuất sạch hơn (SXSH) năm 2002, ban hành các chiến lược, quy định về SXSH trong công nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... Các hoạt động SX&TTBV cũng đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Đến nay đã có trên 1200 cơ sở sản xuất ở nhiều ngành và nhiều địa phương của Việt Nam đang thực hiện SXSH. Việc áp dụng phương thức SXSH vào thực tiễn là cách tốt nhất để tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm và tránh thải các chất ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sức khỏecho con người và thúc đẩy sản xuất bền vững.

Một số nhận định về hiện trạng hoạt động sản xuất bền vững

Hoạt động

Đánh giá

Sản xuất sạch hơn

 

Chính sách quốc gia

1.5

Dự án trình diễn

2

Nâng cao nhận thức

2

Dịch vụ tư vấn

1

Khuyến khích tài chính

1

Hệ thống quản lý môi trường

 

ISO 14001

2

Đánh giá tác động môi trường

1.5

Tiếp cận vòng đời

 

Thiết kế sinh thái

1.5

Kiểm toán môi trường

1.5

Trong đó: 0: Không có/ Không thông tin;  1: Thấp; 2: Trung bình; 3: Tốt

(Nguồn: Báo cáo nghiên cứu tổng quan hoạt động Sản xuất và Tiêu thụ bền vững ở Việt Nam, Tổng cục Môi trường- Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam )

 

     Bên cạnh đó, các hoạt động như: xây dựng mẫu hình sản xuất bền vững trong công nghiệp, thiết kế sản phẩm bền vững cũng đã bước đầu được thực hiện, tuy nhiên, trên thực tế, còn ở phạm vi hẹp, đa phần nhờ sự hỗ trợ của các dự án quốc tế như UNEP, UNIDO, DANIDA, EU...

     Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như Chương trình cấp nhãn sinh thái (NST) (Bộ TN&MT); Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), NST cho ngành du lịch cũng được triển khai.

Một số nhận định về hiện trạng hoạt động tiêu thụ bền vững

 Hoạt động

Đánh giá

Chứng nhận NST

1

Luật về người tiêu dùng, tiêu chuẩn sản phẩm

0.5

Thông tin về sản phẩm

0.5

Quảng bá tính bền vững

0

Thông tin giáo dục

0.5

Các chương trình truyền thông cộng đồng

0.5

Các chương trình truyền thông cho giới trẻ

1

Các hiệp hội tiêu dùng

1

Quy trình mua sắm bền vững

0.5

Thông tin và nghiên cứu về tiêu dùng bền vững

0

Quản lý tổng hợp chất thải rắn và 3R

2

Trong đó: 0: Không có/ Không thông tin;  1: Thấp; 2: Trung bình; 3: Tốt

(Nguồn: Báo cáo nghiên cứu tổng quan hoạt động Sản xuất và Tiêu thụ bền vững ở Việt Nam, Tổng cục Môi trường- Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam )

     Thực tế nước ta hiện nay, tiêu thụ bền vững còn chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế. Ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm gần đây, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R và chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ nằm trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

 

       

Hàng hóa dán Nhãn sinh thái, có khả năng tái chế 

 

đã được người tiêu dừng quan tâm sử dụng

 

      Thuận lợi và thách thức

     Thuận lợi:

     Việc thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu dùng là một hành động đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững và là xu hướng tất yếu của tương lai. Việt Nam về cơ bản đã có những tiền đề thuận lợi để phát triển mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững trong thời gian tới.

     Về tiềm năng, có thể khẳng định, tiêu thụ bền vững ở Việt Nam hầu như chưa được quan tâm, các sản phẩm sinh thái chưa có chỗ đứng trên thị trường, thói quen tiêu dùng bền vững hầu như chưa được định hướng trong toàn xã hội. Sản xuất bền vững bước đầu được quan tâm thực hiện, nhưng còn hạn chế. Công nghệ sản xuất và trình độ, kỹ năng quản lý sản xuất còn chưa cao, do vậy, còn lãng phí, thất thoát trong sử dụng nguyên nhiên vật liệu.

     Theo số liệu khảo sát, đánh giá của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, tiềm năng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong các ngành công nghiệp của Việt Nam còn rất lớn, đây là tiềm năng cho việc áp dụng các giải pháp SXSH.

Tiềm năng trong giảm thiểu nguyên nhiên liệu trong một số ngành sản xuất

 

Thông số (%)

Ngành Giấy

Ngành Dệt

Ngành Gia công hoàn tất sản phẩm kim khí

Tỷ lệ xử lý lại

Từ 5-30

Còn 1-15

Từ 3-25

Còn 1-17

Từ 0.3-5

Còn 0.15-2

Tiêu thụ nước giảm

8-40

5-35

15-30

Tiêu thụ nguyên liệu giảm

2-15

-

-

Tiêu thụ hóa chất giảm

2-60

2-33

5-50

Tiêu thụ nhiên liệu giảm

5-35

6-52

2-15

Tiêu thụ điện giảm

3-25

3-57

5-30

Giảm lượng nước thải

5-40

5-32

10-25

Tải lượng ô nhiễm COD

20-50

10-32

5-20

Tài lượng chất rắn lơ lửng giảm

20-50

15-33

5-10

Tải lượng kim loại nặng trong nước thải giảm

-

-

10-30

(Nguồn: Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam)

     Thách thức:

     Bên cạnh những thuận lợi nhất định, việc triển khai hoạt động SX&TTBV ở Việt Nam hiện nay cũng còn nhiều thách thức.

     Về mặt cơ sở pháp lý, tuy đã có các quy định khung, nhưng một chính sách cụ thể cho sản xuất và tiêu thụ bền vững vẫn cần được xây dựng và ban hành với các mục tiêu, chỉ tiêu và hành động cụ thể. Bộ tiêu chí đánh giá mức độ bền vững trong sản xuất và tiêu thụ là cơ sở để xác định những hoạt động cụ thể cần triển khai. Các quy định về SX&TTBV trong các văn bản còn chung chung, tản mát trong nhiều văn bản khác nhau, chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ mạnh, thể hiện quyết tâm chung của toàn xã hội đối với hoạt động này.

     Tài nguyên chưa được lượng giá đúng mức nên cũng chưa tạo được động lực cho tiết kiệm tài nguyên vật liệu.

     Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã triển khai còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ phát triển hoạt động này.

     Về nhận thức, tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung, nhận thức của xã hội đối với hoạt động SX&TTBV còn hạn chế. Do vậy, chưa có sự chủ động trong tiếp cận với các giải pháp SX&TTBV. Nhận thức của các cấp có thẩm quyền đã có nhưng chưa được thể hiện cụ thể vào các chính sách. Ngoài ra, mức độ nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường cho thấy chưa có sự quan tâm đáng kể đối với việc tiêu dùng và sản xuất các sản phẩm này. Do vậy chưa tạo được động lực cho việc phát triển các sản phẩm xanh. Chương trình cấp NST cho các sản phẩm xanh đã triển khai được 3 năm, tới nay chỉ có 2 sản phẩm được cấp nhãn xanh.

     Một số kiến nghị, giải pháp

     Để triển khai có hiệu quả hoạt động SX&TTBV, trong thời gian tới, Việt Nam cần có các chính sách cũng như các hành động cụ thể với mục tiêu: Giảm tiêu dùng nguyên liệu và năng lượng trong toàn bộ hệ thống sản xuất và tiêu dùng bằng cách tăng hiệu quả sử dụng; Thay đổi và tối ưu hóa mẫu hình sản xuất và tiêu dùng nhằm liên tục nâng cao chất lượng cuộc sống.

     Thực hiện các mục tiêu trên, SX&TTBV ở Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp: Điều tra, đánh giá cụ thể, xác định thực trạng hoạt động SX&TTBV ở Việt Nam. Từ đó có các chương trình cụ thể, có sự triển khai đồng bộ và tích cực từ các đối tượng khác nhau, các bộ/ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng.

     Các nhiệm vụ cụ thể cần ưu tiên: Xây dựng các chính sách cụ thể liên quan đến SX&TTBV; Nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng đối với SX&TTBV; Tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các công nghệ, dịch vụ và sản phẩm thân thiện môi trường; Cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; Phát triển mua sắm xanh trong đó đặc biệt lưu ý lưu ý đến hoạt động mua sắm công, đây là nội dung rất quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hiệu quả.

     SX&TTBV được coi là chìa khóa cho phép xã hội và cá nhân phát triển mà không nhất thiết phải hy sinh chất lượng cuộc sống hoặc các yếu tố PTBV. Việc triển khai các hoạt động SX&TTBV là một trong những cách ứng phó chủ yếu nhằm BVMT và cải thiện cuộc sống thông qua PTBV. Do vậy, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, đang trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, công nghiệp chế biến, khai thác tài nguyên chiếm tỷ trọng cao, trình độ công nghệ còn thấp cần có những giải pháp, bước đi cụ thể, tích cực để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, vì sự PTBV của quốc gia.

 

TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013

 

 

Ý kiến của bạn