Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 12/12/2024

Phụ nữ Liên hợp quốc hướng tới nền Kinh tế xanh

15/09/2015

     Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là điều không thể thiếu để thế giới đạt được sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, vai trò của phụ nữ lại càng trở nên quan trọng trên hành trình hướng tới Kinh tế xanh.   Phụ nữ có vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Kinh tế xanh        Kinh tế xanh là một nền kinh tế thân thiện với môi trường, trong đó quan trọng là phải khôi phục và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đó là một trong những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí, chất thải và tác hại đối với môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi sự sống trên Trái đất và con người được phát triển trong một môi trường lành mạnh. Nói một cách đơn giản, Kinh tế xanh sẽ mang đến những hy vọng về một cuộc sống mới cho Trái đất.      Tuy nhiên, điều kiện thực tế và mong muốn của mỗi quốc gia rất khác nhau nên việc thực hiện sáng kiến “xanh hóa” nền kinh tế của mỗi nước vì thế cũng khác nhau. Các nước cần đưa ra các chính sách và công cụ xã hội phù hợp để đảm bảo rằng Kinh tế xanh là một nền kinh tế vì lợi ích và sinh kế của phần lớn người dân phụ thuộc vào đất đai, rừng và nước ở các vùng miền trên thế giới. Điều này có nghĩa là chúng ta phải ngăn chặn sự mất mát ĐDSH và tăng hiệu quả sử dụng mỗi m² đất, mỗi tấn khoáng sản, mỗi giọt nước tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Kinh tế xanh có thật sự trao quyền cho người dân và để người dân tham gia vào các chính sách phát triển hay không? Liệu Kinh tế xanh có quan tâm đến quan điểm của các cộng đồng người nghèo và đặc biệt là ưu tiên cho phụ nữ hay không?      Theo ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong quá trình sử dụng số liệu của Báo cáo Môi trường châu Phi vào việc định giá hệ sinh thái cho thấy, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân châu Phi. Ví dụ, ở lưu vực sông Zambezi (khơỉ nguồn từ Zămbia và chảy qua Ăngôla), việc sản xuất nông nghiệp mang lại gần 50 triệu USD/năm cho người dân vùng này, trong đó đối tượng lao động chính là phụ nữ. Tuy nhiên, hiện châu Phi đang phải đối mặt với những thách thức lớn như sự suy giảm diện tích đất đai ở Malawi và số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Zămbia đăng ở mức báo động. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại Đôminica, khi người nông dân phun Gramoxone, một loại thuốc diệt cỏ rất độc hại (đã bị cấm ở nhiều nước) ở các vườn chuối. Theo thời gian, thuốc ngấm xuống nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật thủy sinh. Vì thế dù phụ nữ Đôminica đang nỗ lực thực hiện các hoạt động bảo tồn, nhưng xem ra đây chỉ là một việc làm vô ích.      Để đảm bảo phụ nữ, người dân bản địa và cộng đồng địa phương có thể tiếp cận và kiểm soát tài nguyên nước, phụ nữ thế giới kêu gọi không tư nhân hóa tài nguyên nước và nền Kinh tế xanh phải có công cụ pháp lý ràng buộc để thực hiện nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm; không hỗ trợ đối với những dự án gây thiệt hại cho hệ sinh thái và cộng đồng địa phương.      Với vai trò là những người tham gia chính vào hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm ở nhiều quốc gia, phụ nữ trên toàn thế giới cần có ý thức chính trị, nâng cao sức chịu đựng để chống chọi với những gì đang đe dọa cuộc sống thiên nhiên. Các quốc gia cần tạo dựng khuôn khổ về pháp luật, thể chế và chính sách để đảm bảo bình đẳng giới, nhất là sự bình đẳng về cơ hội; kêu gọi các tổ chức xã hội và cộng đồng tăng cường hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức xã hội và xóa bỏ những rào cản đối với phụ nữ. Đây là những gì cần thiết cho một nền Kinh tế xanh vì lợi ích của những người phụ nữ nghèo trên thế giới.      Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Hội nghị Rio+20) diễn ra tại Braxin từ ngày 20/6 - 22/6/2012, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) đã đưa ra một danh sách “Những điều phải có”, trong đó tập trung vào việc đảm bảo thực thi quyền bình đẳng của phụ nữ trong các văn bản thỏa thuận của Rio+20. Các chủ đề chính xoay quanh những vấn đề trao quyền, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia đầy đủ trong quản lý môi trường và phát triển; loại bỏ rào cản đối với phụ nữ trong quá trình tiếp cận, kiểm soát nguồn lực sản xuất; cam kết cung cấp nguồn lực tài chính cho các sáng kiến đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ… Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu phụ nữ được trao quyền tiếp cận và kiểm soát nguồn lực sản xuất như nam giới, sản lượng nông nghiệp sẽ tăng 20% - 30% và tỷ lệ người bị đói trên thế giới có thể giảm từ 12% - 17%.   Hoài Anh (Theo tài liệu của UNEP) Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013  
Ý kiến của bạn