Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 07/10/2024

Nghiên cứu phân vùng ô nhiễm môi trường nước sông vùng Hà Nội

02/09/2013

Bài viết nêu sự cần thiết của việc phân vùng chất lượng nước (CLN) các sông, hồ trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Phương pháp phân loại CLN và phân vùng CLN theo các mô hình “chỉ số CLN (WQI)” đã được đề xuất phù hợp cho đặc điểm môi trường nước sông vùng Hà Nội. Dựa vào số liệu quan trắc do nhiều đơn vị thực hiện và mô hình CLN do nhóm nghiên cứu đề xuất, bài viết đã đưa ra giá trị WQI tại hàng trăm điểm quan trắc trên các sông vùng nội và ngoại thành Hà Nội và kết quả thực hiện phân vùng CLN ở từng đoạn sông.

Hà Nội có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trên địa bàn có nhiều sông liên tỉnh như: sông Hồng, Đà, Đuống, Cầu, Công, Đáy, Nhuệ. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều sông nhỏ, ở khu vực nội thành có các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; vùng ngoại thành có các sông: Tích, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải, Thiếp, Cầu Bây, Hòa Bình, Cái, Giẽ, Triền, Tào Khê, Hà Bắc...

Trong 10 năm gần đây, CLN tại các sông trên địa bàn Hà Nội đã được nhiều đơn vị, đề tài, dự án quan trắc, đánh giá. Công tác này đã và đang được Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên Môi trường (TNMT) (Sở TN&MT Hà Nội ) thực hiện với tần suất trên 300 điểm quan trắc phủ khắp các sông lớn, nhỏ trong khu vực nội thành và ngoại thành. Dựa vào kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội, số liệu phân tích diễn biến CLN theo chiều dài các sông chính kết hợp phương pháp xác định chỉ số CLN (WQI) đề xuất trong Đề tài “Nghiên cứu phân vùng CLN sông hồ theo WQI và đề xuất phương án sử dụng, BVMT nước mặt vùng Hà Nội” đã được Sở KHCN TP. Hà Nội nghiệm thu (2010).

Phân vùng CLN sông, hồ (phân vùng theo chất lượng và mức độ ô nhiễm nguồn nước) đối với một lưu vực sông hoặc một địa phương là nội dung đặc biệt quan trọng không chỉ trong quản lý môi trường mà còn phục vụ cho quy hoạch sử dụng và BVMT nước. Trong năm 2008, Bộ TN&MT đã ban hành Quy  chuẩn kỹ thuật quốc gia về CLN mặt (QCVN 08:2008/BTNMT). Theo Quy chuẩn này nguồn nước mặt được chia thành 4 loại (mức):

-           Loại A1: Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt và các mục đích khác như loại A2, B1 và B2.

-           Loại A2: Dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp; bảo tồn động thực vật thủy sinh, hoặc các mục đích sử dụng như loại B1 và B2.

-           Loại B1: Dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu CLN tương tự hoặc các mục đích sử dụng như loại B2.

-           Loại B2: Giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp.

Để có cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc phân loại và phân vùng CLN theo QCVN 08:2008/BTNMT cần phải áp dụng hệ thống phân loại theo chỉ số CLN (WQI) phù hợp đặc điểm nguồn nước của địa phương hoặc lưu vực.

Khi có phân vùng tốt, các cấp lãnh đạo và các sở, ngành, doanh nghiệp ở TP. Hà Nội và cộng đồng sẽ xác định rõ: vùng (đoạn sông) đạt yêu cầu về CLN an toàn cho cấp nước sinh hoạt (lấy nước cho nhà máy nước); vùng đạt yêu cầu về CLN có khả năng nuôi trồng thủy sản an toàn, có hiệu quả kinh tế; vùng có khả năng cấp nước thủy lợi an toàn, có chất lượng tốt; vùng có khả năng xây dựng cơ sở thể thao, du lịch dưới nước đủ tiêu chuẩn; vùng không thể sử dụng cho các mục đích trên, cần ưu tiên xử lý, kiểm soát ô nhiễm.

Để đánh giá mức độ ô nhiễm từng đoạn sông, từng hồ, đầm phục vụ mục đích quy hoạch sử dụng hợp lý nguồn nước mặt và xây dựng định hướng kiểm soát ô nhiễm, BVMT nước, việc nghiên cứu phân vùng CLN khu vực TP. Hà Nội rất cần thiết và cấp bách. Do vậy, năm 2008 Sở KHCN TP. Hà Nội đã giao Viện Môi trường và Phát triển (VESDEC) triển khai Đề tài: “Nghiên cứu phân vùng CLN các sông, hồ trên địa bàn TP. Hà Nội, đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý và bảo vệ” [3]. Kết quả Đề tài đã được Hội đồng KHCN Hà Nội nghiệm thu đánh giá xuất sắc (năm 2010).

Nguyễn Lê Tú Quỳnh

Lê Trình

Viện Khoa học môi trường và Phát triển (VESDEC)

(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2013)

 

 

Ý kiến của bạn