Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Nghiên cứu nâng cao tốc độ phân hủy chất thải rắn trong điều kiện bãi chôn lấp bằng phương pháp tuần hoàn nước rỉ rác

15/09/2015

     Trong thập niên gần đây, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh kéo theo sự gia tăng mật độ dân cư ở các thành phố đã gây ra áp lực đối với hệ thống quản lý CTRSH. Với nhu cầu xử lý toàn bộ lượng CTRSH phát thải, nhiều công nghệ xử lý CTRSH đã được đưa vào vận hành. Trong đó, công nghệ chôn lấp chất thải được lựa chọn như là một giải pháp khả thi trong giai đoạn hiện nay với ưu điểm là rẻ tiền; kỹ thuật đơn giản, dễ vận hành; xử lý được các loại CTR và có thể thu hồi năng lượng phục vụ phát điện hoặc các hoạt động khác [11].Ngoài ra, BCL sau khi đóng cửa còn được sử dụng cho nhiều mục đích như bãi đỗ xe, công viên, sân vận động, các công trình phục vụ nghỉ ngơi giải trí[11].      Các vấn đề tồn tại hiện nay khi áp dụng công nghệ chôn lấp CTRSH là diện tích đất lớn; thời gian phân hủy CTR trong BCL chậm; rò rỉ và không thu hồi hiệu quả khí sinh học [11]. Tính đến nay, nhiều kỹ thuật đã được sử dụng để nâng cao độ ổn định sinh học, tăng tốc độ và hiệu quả phân hủy chất thải bao gồm tuần hoàn nước rác, kiểm soát pH, nhiệt độ và độ ẩm, bổ sung dinh dưỡng, vi sinh vật... với ưu điểm là tăng khả năng phân hủy chất thải trong BCL, giảm phát thải khí sau khi đóng bãi, giảm nước rác trong thời gian hoạt động.      Bilgili và cộng sự (2009) [1] nghiên cứu tiềm năng thu hồi khí mêtan của CTR trong BCL đã xác định hàm lượng khí sinh học thu hồi đối với trường hợp không tuần hoàn và tuần hoàn nước rỉ rác lần lượt là 0,117 và 0,154 LCH4/g chất thải khô và hằng số tốc độ phản ứng tăng 32% đối với trường hợp có tuần hoàn nước rác. Nghiên cứu của San và cộng sự, 2001 [15] cũng xác định tuần hoàn nước rác có khả năng gia tăng lượng mêtan tích lũy 1,7- 2 lần so với trường hợp không tuần hoàn.      Trong nước, Tô Thị Hải Yến và cộng sự [17] đã nghiên cứu tuần hoàn nước rác tạo điều kiện môi trường thích hợp để tăng khả năng oxy hóa khử các thành phần hữu cơ trong rác ở thể rắn và vô cơ hóa chất hữu cơ ở thể lỏng dưới tác dụng của vi sinh vật.      Từ các dữ liệu đã tổng hợp, nghiên cứu áp dụng công nghệ tuần hoàn nước rỉ trong điều kiện BCL được thực hiện nhằm nâng cao khả năng thu hồi khí sinh học và tốc độ phân hủy CTRSH với mục tiêu khai thác hiệu quả hoạt động của BCL trong điều kiện Việt Nam.   Nguyễn Thị Thanh Phượng, Nguyễn Văn Phước Viện Môi trường và Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Phước Dân Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2015)
Ý kiến của bạn