Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/04/2024

Liên minh Nước sạch: Chung tay gìn giữ nguồn nước

15/09/2015

     Liên minh Vận động chính sách kiểm soát ô nhiễm nước (Liên minh Nước sạch – LMNS) là mạng lưới tập hợp các tổ chức và các cá nhân có mối quan tâm với việc bảo vệ và kiểm soát ô nhiễm nước(KSONN) ở Việt Nam. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng LMNS đã có những hoạt động tích cực trong việc vận động chính sách về ngăn ngừa và quản lý nguồn nước. Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, đơn vị khởi xướng và điều phối hoạt động của LMNS trong năm 2014.   Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng        Xin bà cho biết những kết quả bước đầu của LMNS đã thực hiện sau một năm qua?      Bà Nguyễn Ngọc Lý: Một vấn đề mang tính thách thức có hệ thống trong lĩnh vực BVMT trong những năm qua, đó là vấn đề ô nhiễm nước. Mặc dù Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước đã có những Chương, Điều Luật liên quan đến BVMT nước, tuy nhiên tại sao vấn đề ô nhiễm nước vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.      Khi nghiên cứu công tác KSONN nước ở một số quốc gia cho thấy, các nước đều có Luật KSONN nước chuyên biệt. Điểm chung là các Luật này chỉ ra đời khi vấn đề ô nhiễm nước trở thành một vấn nạn mang tính quốc gia. Ở Nhật căn bệnh Minamata do ô nhiễm nước bởi thủy ngân thải ra từ công nghiệp, cá ăn vào tích tụ trong cơ thể, khi người ăn vào thì nhiễm thủy ngân gây mù lòa. Tại Mỹ, ô nhiễm ở sông Cuoahoga tới mức dòng sông tự bốc cháy hủy diện các khu công nghiệp và dân cư liền kề. Chỉ khi đó, Luật KSONN ra đời, nhằm giải quyết triệt để vấn để ô nhiễm nước, với các điều luật hết sức cụ thể, kết hợp hiệu quả giữa công nghệ, tài chính, chế tài, tính chịu trách nhiệm, có các ưu tiên và một kỷ luật khắt khe đảm bảo Luật đưa ra được thực thi nghiêm ngặt.      Tại Việt Nam, với vấn nạn ô nhiễm nước hiện nay, cần phải ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nước (Luật Nước sạch) chuyên biệt nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nước. LMNS gồm các nhà môi trường, các nhà khoa học cùng làm việc để xây dựng các bằng chứng khoa học và các điều kiện cần thiết hỗ trợ và thúc đẩy sự ra đời của Luật.      Trong năm qua, LMNS đã triển khai các nghiên cứu dựa vào vấn đề cụ thể trong thực tế và các khía cạnh chính sách, việc thực thi tạo nền tảng khoa học cho sự cần thiết phải có Luật Nước sạch. Một số đoạn sông ô nhiễm được lựa chọn để nghiên cứu. Đồng thời, LMNS cũng nghiên cứu các bài học ở các nước và dịch Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ sang tiếng Việt để nghiên cứu tham khảo.      Năm 2015, Quốc hội nước ta sẽ tổ chức Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới, một trong hai Nghị quyết sẽ được thông qua ở Đại Hội đồng là Nghị quyết về Quản trị nước, trong đó KSONN là một phần quan trọng. LMNS đã cùng với Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên gia về KSONN và Hội thảo về Quản trị nước nhằm tạo ra một nền tảng thông tin và các thảo luận chuyên môn góp phần cho công tác tổ chức Đại hội đồng. Liên minh cùng phối hợp với Tổng cục Môi trường, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế về KSONN: Chính sách và thực tế tại Hà Nội tháng 4/2014. Các Hội thảo quan trọng khác thảo luận các thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm nước được LMNS tổ chức tháng 12/2014 có sự tham gia sâu và rộng của các ngành trọng điểm là Thủy sản, Nông nghiệp và Y tế. Tại đây, các đại biểu đã chỉ ra sự cần thiết cần có Luật chuyên biệt về KSONN. Điều đó cũng trùng hợp với các khuyến nghị trước đây, ngoài Luật BVMT như một Luật khung, cần có các Luật chuyên biệt về các thành phần môi trường. Luật sẽ kế thừa, tích hợp các điều khoản liên quan tới KSONN từ các Luật hiện có, thống nhất việc kiểm soát các nguồn xả tạo ô nhiễm nước. Về nguyên tắc, nếu chặn đứng được các nguồn tạo ô nhiễm, nước sẽ sạch trở lại với hệ sinh thái khỏe mạnh.      Để có những thành quả trên, LMNS đã gặp thuận lợi, khó khăn gì khi triển khai hoạt động, thưa bà?      Bà Nguyễn Ngọc Lý: Trong hoạt động của mình, LMNS gặp rất nhiều thuận lợi. Trước hết, sự tham gia nhiệt huyết của các nhà khoa học, các nhà môi trường, các nhà nghiên cứu về thể chế và luật. Đồng thời, LMNS cũng nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương, địa phương. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông, trường đại học, tổ chức hoạt động nghiên cứu về sông ngòi, về quản lý nước. Chính sự tham gia sâu và rộng, mang tính chuyên môn cao đã giúp vấn đề KSONN thu hút được sự chú ý từ các nhà lập pháp, nhà quản lý và các nhà học thuật.   Hội thảo KSONN tại Việt Nam kinh nghiệm và thực tiễn do LMNS tổ chức        Thực sự, ô nhiễm nước là một vấn đề phức hợp, nghe đơn giản, nhưng để giải quyết vấn đề thì phải kết hợp nhiều khía cạnh. Ví dụ như sự tham gia với kỷ luật cao của các doanh nghiệp, sự tuân thủ về hành vi trong việc xử lý các hóa chất trong nông nghiệp, thiếu sự phân công trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao… sẽ không thể thành công được. Đặc biệt, tính minh bạch công khai các thông tin về chất lượng nước phải được thúc đẩy và thực hiện. Vì vậy, sự tham gia của tất cả các bên, cộng đồng và cá nhân vào cuộc chiến với ô nhiễm nước là điều kiện mang tính tiên quyết.      Thời gian qua, LMNS vừa làm, vừa học, nhằm hiểu thấu các vấn đề để có thể đề xuất được một Luật thực thi hiệu quả. Đó cũng chính là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải.      Xin bà cho biết một số mục tiêu, nhiệm vụ mà LMNS triển khai trong năm 2015?      Bà Nguyễn Ngọc Lý: Năm 2015, Liên minh có hai mục tiêu rất quan trọng: Đó là chuẩn bị Hồ sơ sáng kiến Luật KSONN và xây dựng các mô hình KSONN tại một số dòng sông cụ thể để tạo các tiền đề cho việc xây dựng Luật trong thời gian từ 2016 - 2020. Đây là những mục tiêu khá tham vọng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện.      Xin cảm ơn bà!        LMNS là mạng lưới tập hợp các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học, tổ chức truyền thông, các cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, luật sư cùng nhau làm việc nhằm giám sát việc xây dựng, thực hiện chính sách bảo vệ nước sạch, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, góp phần xây dựng Luật Nước sạch cho Việt Nam.      Mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước ô nhiễm công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác, đảm bảo cho sự tiếp cận nước an toàn các hoạt động kinh tế và dân sinh.      Thúc đẩy kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước với sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan; Xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học cho việc hoàn thiện khung pháp lý hiện hành về KSONN và xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước.      LMNS có năng lực tốt và sẵn sàng hành động về các vấn đề kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước.   Đức Trí (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015      
Ý kiến của bạn