Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Khai mạc Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

15/09/2015

     Trong 2 ngày 20 - 21/2/2014, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 25 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Mục đích của phiên họp nhằm góp ý kiến cho Dự án Luật BVMT (sửa đổi) và xem xét, quyết định biên chế giai đoạn 2014 - 2016 của Văn phòng Quốc hội.          Báo cáo giải trình, tiếp thu Luật BVMT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Tại các phiên thảo luận, đã có 128 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ở tổ và 17 ý kiến ĐBQH phát biểu tại hội trường. Thường trực UBKHCN&MT đã phối hợp với Ban soạn thảo, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH. Dự thảo Luật lần này có 20 chương, 181 điều (thêm 1 chương, 21 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).      Đánh giá tác động môi trường 2 bước      Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến đồng tình với việc có quy định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo 2 bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, quy định ĐTM sơ bộ có thể dẫn đến sự phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém cho doanh nghiệp. Một số ý kiến tán thành quy định ĐTM sơ bộ phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ TN&MT. Có ý kiến đề nghị, cần thẩm định báo cáo ĐTM sơ bộ, nhưng cần thay cụm từ “sơ bộ” thành cụm từ “ban đầu” thì chính xác và khoa học hơn; Một số ý kiến khác đề nghị bỏ quy định việc xin ý kiến của Bộ TN&MT.      Để bảo đảm chất lượng của báo cáo ĐTM sơ bộ, Dự thảo Luật trình UBTVQH cho ý kiến đã bổ sung quy định báo cáo ĐTM ban đầu (thay cho cụm từ “sơ bộ”) phải được Bộ TN&MT thẩm định (Điều 25).      Lý giải vấn đề này, Thường trực UBKHCN&MT cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập ĐTM thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định 2 bước lập ĐTM đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường là cần thiết. Để tránh gây khó khăn, lãng phí, Luật cần bổ sung quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM ban đầu. Theo đó, loại dự án phải có báo cáo ĐTM 2 bước sẽ không nhiều, được giới hạn chỉ đối với các dự án lớn, có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường (như một số dự án thủy điện hay khai thác khoáng sản quy mô lớn). Mặt khác, nếu không tổ chức thẩm định thì Bộ TN&MT khó có thể đánh giá được chất lượng của báo cáo ĐTM ban đầu, sẽ thiếu tính pháp lý và không có hiệu quả. Vì vậy, cần quy định ĐTM ban đầu phải được Bộ TN&MT thẩm định.      Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, đây là việc quản lý nhà nước, do đó không nên chia 2 bước mà phải gắn với trách nhiệm cơ quan nhà nước. “Chúng ta tiến dần cải cách hành chính, vì vậy cần giảm bớt sự rườm rà, phức tạp. Khoa học càng ngày càng tiến bộ, phải xác định cần làm cái gì nhanh nhất, hiệu quả nhất chứ không phải cứ nhiều bước mới là hiệu quả” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm.      Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị, cần phải quy định rõ các dự án phải đánh giá cả 2 bước và danh mục dự án chỉ đánh giá tác động ban đầu.      Quy định danh mục phế liệu được nhập khẩu      Theo Chủ nhiệm UBKHCN&MT Phan Xuân Dũng, Dự thảo Luật lần này đã quy định về nhập khẩu phế liệu, quy định cụ thể “phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa”, yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có quy định chặt chẽ về danh mục phế liệu được nhập khẩu và điều kiện kinh doanh, nhập khẩu phế liệu.      Thường trực UBKHCN&MT cũng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khái niệm “phế liệu” để tránh lạm dụng nhập khẩu chất thải và nên quy định Chính phủ quy định cụ thể Danh mục phế liệu được nhập khẩu.      Nghiên cứu Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với quy định về nhập khẩu phế liệu như Dự thảo Luật.      Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, vấn đề nhập phế liệu là đương nhiên do nhu cầu sản xuất, công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, cần quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu, bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.      Không đồng tình với quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần cân nhắc vấn đề nhập phế liệu. Ông nêu thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập lậu phế liệu về khi bị phát hiện thì trốn đi, xử lý những phế liệu thì tốn nhiều tiền. “Người ta bỏ đi rồi thì mình nhập về làm gì? Không cẩn thận Việt Nam sẽ biến thành bãi rác của thế giới”.      Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Dự thảo cần quy định rõ các hàng rào kỹ thuật để một mặt bảo vệ được môi trường, mặt khác vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế (không cấm nhập) và duy trì lợi ích kinh tế chính đáng cho các doanh nghiệp.      Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành với các nội dung của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu Hiến pháp mới để thể chế hóa Dự án luật này cho phù hợp, nhất là các quy định về BVMT. Cần xem xét các nội dung liên quan giữa quy hoạch môi trường với các quy hoạch khác, cũng như kỳ quy hoạch 10 năm hay 20 năm. Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.    Theo dangcongsan.vn
Ý kiến của bạn