Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 13/12/2024

Hiệu quả từ chế phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản Neo-Polymic

07/09/2015

     Nhằm cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước, nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Quảng Trị, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trong đó có công nghệ sản xuất và quy trình sử dụng chế phẩm Neo-Polymic an toàn, không nhiễm E.coli hoặc Salmonella sp.

     Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng các chủng vi khuẩn có hoạt tính sinh học được phân lập từ các hồ nuôi tôm tại Quảng Trị và một số địa phương khác của miền Trung để tạo ra công thức chế phẩm vi sinh có khả năng cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi, làm tăng khả năng sống sót cũng như sản lượng tôm nuôi. Cụ thể, các nhà khoa học đã tuyển chọn và định danh đến loài bằng kỹ thuật giải trình tự gen 16S rRNA cho các chủng vi khuẩn có hoạt tính sinh học và tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn. Các chủng có hoạt tính cao nhất được chọn cho lên men tạo chế phẩm, trong đó chủng QTP1 (Bacillus megaterium) có hoạt tính thủy phân cazein tính theo tyrozine là 20,5 U/ml; Chủng QTA12 (Bacillus subtilis) có hoạt tính thủy phân tinh bột 21,3 U/ml; Chủng DK1 (Bacillus subtilis) có hoạt tính ức chế sinh trưởng của Vibrio spp, đường kính vòng ức chế từ 18,3 - 19,6 mm; Chủng QTa4 (Nitrosomonas europaea) và chủng 5NM (Nitrobacter vulgaris) có hoạt tính chuyển hóa nitơ. Đồng thời, xác định điều kiện lên men chìm và lên men rắn, cũng như cơ chất thích hợp cho từng loại lên men của các chủng sử dụng cho sản xuất chế phẩm Neo-Polymic.

 


Các nhà khoa học kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế ứng dụng chế phẩm Neo-Polymic tại hồ nuôi tôm 

 

     Hiện tại, chế phẩm Neo-Polymic đã được sử dụng thử nghiệm tại 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của 3 huyện Gio Linh, Triệu Phong và Vĩnh Linh (Quảng Trị) với diện tích hồ nuôi từ 3.500 - 5.000 m2. Kết quả phân tích nước hồ nuôi cho thấy, các chỉ tiêu như pH, độ trong, độ kiềm, DO của các hồ có sử dụng chế phẩm Neo-Polymic dao động xung quanh mức độ tối ưu cho nuôi tôm thẻ chân trắng, trong khi các chỉ tiêu này tại các hồ đối chứng không sử dụng chế phẩm thấp hơn. Ngoài ra, khi sử dụng Neo-polymic, các hồ nuôi đều có tỉ lệ tôm sống, phát triển tốt và cho năng suất cao hơn so với các hồ đối chứng.

     Đề tài đã được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vào tháng 4/2015, với kết quả đạt loại xuất sắc.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn